Kế hoạch 68/KH-UBND năm 2013 thực hiện “Chiến lược quốc gia An toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn 2030” tỉnh An Giang

Số hiệu 68/KH-UBND
Ngày ban hành 03/09/2013
Ngày có hiệu lực 03/09/2013
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh An Giang
Người ký Hồ Việt Hiệp
Lĩnh vực Thể thao - Y tế,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 68/KH-UBND

An Giang, ngày 03 tháng 9 năm 2013

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN “CHIẾN LƯỢC QUỐC GIA AN TOÀN THỰC PHẨM GIAI ĐOẠN 2011-2020 VÀ TẦM NHÌN 2030” TỈNH AN GIANG

Căn cứ Luật An toàn thực phẩm ngày 17 tháng 6 năm 2010;

Căn cứ Nghị định số 38/2012/NĐ-CP ngày 25 tháng 04 năm 2012 của Chính phủ về việc quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm;

Thực hiện Quyết định số 20/QĐ-TTg ngày 04 ngày 01 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Chiến lược quốc gia An toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn 2030;

Để thực hiện tốt công tác quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) trên địa bàn tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang xây dựng Kế hoạch thực hiện “Chiến lược quốc gia An toàn thực phẩm (ATTP) giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn 2030” tỉnh An Giang với các nội dung như sau:

I. THỰC TRẠNG VỀ AN TOÀN THỰC PHẨM

Hiện nay, tình hình VSATTP đang là vấn đề nhức nhối trong xã hội, nó không chỉ diễn ra ở các quốc gia đang phát triển, kém phát triển mà còn xảy ra ở cả những nước phát triển, có trình độ khoa học công nghệ tiên tiến. Ở Việt Nam, tình hình VSATTP trong cả nước nói chung và các khu vực đô thị nói riêng trong thời gian qua đang tạo nhiều lo lắng cho người dân. 

Thực tế, nhiều sự kiện như việc tiếp tục sử dụng những hoá chất cấm dùng trong nuôi trồng, chế biến nông thủy sản, thực phẩm, việc sản xuất một số sản phẩm kém chất lượng hoặc do quy trình chế biến hoặc do nhiễm độc từ môi trường, đang gây ảnh hưởng xấu đến xuất khẩu và tiêu dùng của Việt Nam. Trong hai năm 2010-2011 ngành nông nghiệp đã phát hiện 22 mẫu/657 mẫu cá tra, cá lóc tại 6 vùng nuôi thuộc huyện An Phú, Phú Tân, Chợ Mới, Châu Thành, Thoại Sơn, thị xã Châu Đốc và thành phố Long Xuyên bị nhiễm hóa chất, kháng sinh cấm và hạn chế sử dụng, đặc biệt có 06 mẫu cá tra thương phẩm bị nhiễm Trifluralin là hóa chất cấm sử dụng trong nuôi thủy sản. Riêng năm 2012 đã phát hiện và đã được tiêu hủy theo quy định 2.886 kg khô cá tra, 104 kg khô cá chim và 3 cơ sở sản xuất chế biến cá khô sử dụng chất cấm Trichlorfon; 4/13 cơ sở kinh doanh giá đỗ, rau mầm sử dụng hóa chất không rõ nguồn gốc, 1.179 kg huyết heo không rõ nguồn gốc,…

Các vụ ngộ độc thực phẩm do một số bếp ăn tập thể cung cấp, nhiều thông tin liên tục cập nhật về tình hình VSATTP, cộng thêm dịch cúm gia cầm tái phát, bệnh heo tai xanh ở một số nơi trên đất nước càng làm bùng lên sự lo âu của mỗi chúng ta.

Gần đây, một số vấn đề liên quan đến quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm, như: Thiếu phương tiện và cán bộ tuyên truyền có kiến thức chuyên môn ở các tuyến huyện, xã; các chợ tự phát quá nhiều, mô hình chợ chưa quy hoạch đồng bộ, thiết kế thoát nước và bố trí chưa hợp lý gây ứ đọng làm ô nhiễm môi trường; nhiều chỉ tiêu kiểm nghiệm nằm ngoài khả năng phân tích của các phòng thí nghiệm trong tỉnh hiện có, sự khác biệt giữa các kết quả phân tích kiểm tra chất lượng sản phẩm vừa gây không ít khó khăn cho người sản xuất, vừa tạo thêm lo lắng cho người tiêu dùng. Trong khi chúng ta đang cố gắng nâng cao vị thế của đất nước với tư cách là một thành viên bình đẳng của WTO.

Nhằm thực hiện tốt vai trò thành viên của Việt Nam đối với Hiệp định về áp dụng các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động thực vật (SPS) thì việc triển khai thực hiện Chiến lược an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn 2030 là yêu cầu cấp bách đối với mọi tổ chức, cá nhân.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung:

Nâng cao trách nhiệm, nhận thức, thực hành của người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng thực phẩm; đồng thời nâng cao năng lực hệ thống quản lý nhằm đảm bảo VSATTP, góp phần bảo vệ sức khỏe và quyền lợi của người tiêu dùng thực phẩm, đáp ứng nhu cầu phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế.

- Đến năm 2015: Các quy hoạch tổng thể về ATTP từ sản xuất đến tiêu dùng được triển khai trên cơ sở hệ thống quản lý đủ mạnh, có hiệu lực, có tác động rõ rệt và toàn diện tới việc cải thiện tình trạng ATTP ở tỉnh.

- Đến năm 2020: Về cơ bản, việc kiểm soát ATTP trong toàn bộ chuỗi cung cấp thực phẩm được thiết lập và phát huy hiệu quả, chủ động trong việc bảo vệ sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng, đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh.

2. Các mục tiêu cụ thể đến năm 2020:

Mục tiêu 1: Nâng cao kiến thức và thực hành về an toàn thực phẩm cho các nhóm đối tượng.

- Đến năm 2015: 70% người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, 80% người quản lý (bao gồm lãnh đạo Ủy ban nhân dân các cấp; lãnh đạo các sở, ngành liên quan; lãnh đạo các doanh nghiệp sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm), 70% người tiêu dùng có kiến thức và thực hành đúng về ATTP.

- Đến năm 2020: 95% người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, 100% người quản lý, 80% người tiêu dùng có kiến thức và thực hành đúng về ATTP.

Mục tiêu 2: Tăng cường năng lực của hệ thống quản lý an toàn thực phẩm.

- Hoàn thiện hệ thống quản lý ATTP;

- Duy trì phòng kiểm nghiệm của Trung tâm Kiểm nghiệm Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản, Trung tâm quan trắc Tài nguyên môi trường đạt chuẩn ISO 17025. Phấn đấu năm 2013 phòng Kiểm nghiệm thuộc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đạt chuẩn ISO 17025. Hình thành hệ thống cảnh báo nhanh về ATTP và tổ chức, thực hiện phân tích một số nguy cơ cao về ATTP tại tỉnh.

- Đến năm 2020: Nâng cấp và mở rộng phòng kiểm nghiệm của Trung tâm Y tế dự phòng và Trung tâm Kiểm nghiệm Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản.

Mục tiêu 3: Cải thiện rõ rệt tình trạng bảo đảm an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm.

- Đến năm 2015:

+ 100% cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm quy mô công nghiệp, tập trung được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP;

[...]