Quyết định 466/QĐ-UBND năm 2012 về Kế hoạch hành động giai đoạn 2012 - 2015 của tỉnh Bình Định thực hiện Chiến lược quốc gia An toàn thực phẩm giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn 2030, Chỉ thị 08-CT/TW đối với vấn đề an toàn thực phẩm

Số hiệu 466/QĐ-UBND
Ngày ban hành 14/08/2012
Ngày có hiệu lực 14/08/2012
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Định
Người ký Mai Thanh Thắng
Lĩnh vực Thể thao - Y tế,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH ĐỊNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 466/QĐ-UBND

Bình Định, ngày 14 tháng 8 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG GIAI ĐOẠN 2012 - 2015 CỦA TỈNH BÌNH ĐỊNH THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC QUỐC GIA AN TOÀN THỰC PHẨM GIAI ĐOẠN 2011 - 2020 VÀ TẦM NHÌN 2030, CHỈ THỊ SỐ 08-CT/TW NGÀY 21/10/2011 CỦA BAN BÍ THƯ TRUNG ƯƠNG ĐẢNG ĐỐI VỚI VẤN ĐỀ AN TOÀN THỰC PHẨM.

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003; Căn cứ Luật An toàn thực phẩm ngày 17 tháng 6 năm 2010;

Căn cứ Chỉ thị số 08-CT/TW- ngày 21/10/2011 của Ban bí thư Trung ương Đảng khóa XI về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề an toàn thực phẩm trong tình hình mới";

Căn cứ Nghị định số 38/2012/NĐ-CP ngày 25/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm;

Căn cứ Quyết định số 20/QĐ-TTg ngày 04/01/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược quốc gia an toàn thực phẩm giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn 2030;

Căn cứ Công văn số 1484/BYT-ATTP ngày 20/3/2012 của Bộ Y tế về việc xây dựng kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quốc gia an toàn thực phẩm giai đoạn 2011 - 2020;

Theo đề nghị của Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch hành động giai đoạn 2012 - 2015 của tỉnh Bình Định thực hiện Chiến lược Quốc gia An toàn thực phẩm giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn 2030, Chỉ thị số 08-CT/TW ngày 21/10/2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng đối với vấn đề an toàn thực phẩm trong tình hình mới.

Điều 2. Giao Sở Y tế, cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo mục tiêu bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh, chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, đơn vị địa phương liên quan tổ chức triển khai thực hiện nội dung Kế hoạch phê duyệt tại Điều 1 đúng mục tiêu, đạt kết quả đề ra.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương, các thành viên Ban Chỉ đạo mục tiêu bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này kể từ ngày ký./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Mai Thanh Thắng

 

KẾ HOẠCH

HÀNH ĐỘNG GIAI ĐOẠN 2012 - 2015 CỦA TỈNH BÌNH ĐỊNH THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC QUỐC GIA AN TOÀN THỰC PHẨM GIAI ĐOẠN 2011 – 2020 VÀ TẦM NHÌN 2030, CHỈ THỊ SỐ 08-CT/TW NGÀY 21/10/2011 CỦA BAN BÍ THƯ TRUNG ƯƠNG ĐẢNG ĐỐI VỚI VẤN ĐỀ AN TOÀN THỰC PHẨM.
(Ban hành kèm theo Quyết định số 466/QĐ-UBND Ngày 14 tháng 8 năm 2012 của UBND tỉnh Bình Định)

Phần I:

THỰC TRẠNG VỀ CÔNG TÁC AN TOÀN THỰC PHẨM CỦA TỈNH BÌNH ĐỊNH

I. TÌNH HÌNH CHUNG.

Bình Định là tỉnh duyên hải Nam Trung bộ, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm khu vực miền Trung, phía Bắc giáp tỉnh Quảng Ngãi, phía Nam giáp tỉnh Phú Yên, phía Tây giáp tỉnh Gia Lai và phía Đông giáp biển Đông. Tỉnh Bình Định có 11 đơn vị hành chính, gồm: 01 thành phố loại 1, 01 thị xã và 09 huyện, với 159 xã, phường, thị trấn (trong đó: 120 xã, 13 thị trấn và 26 phường). Mạng lưới tổ chức y tế được phủ xuống tận thôn, bản, khu vực.

Bình Định thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai như hạn hán, lũ lụt..., nhiệt độ và độ ẩm không khí cao. Đó là một trong những yếu tố làm cho thực phẩm dễ bị hư hỏng, vi sinh vật gây bệnh phát triển, làm cho nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm (NĐTP) cao.

Vị trí địa lý của tỉnh Bình Định rất thuận lợi trong giao lưu buôn bán với các khu vực trong nước và quốc tế. Với hệ thống giao thông đường biển, đường hàng không, đường sắt và đường bộ, hàng hóa từ Bình Định có thể dễ dàng vận chuyển đi các nơi, hoặc từ các nơi khác vận chuyển đến Bình Định. Đây là những thuận lợi để tỉnh Bình Định phát triển kinh tế - xã hội, nhưng cũng đồng thời là điều kiện để các dịch bệnh từ bên ngoài xâm nhập vào tỉnh.

Cùng với cơ chế thị trường, các điều kiện tự nhiên - xã hội đã tạo điều kiện cho các ngành hàng thực phẩm phát triển mạnh, các loại hình cung cấp thực phẩm mở ra rầm rộ. Đặc biệt, trong những năm gần đây, các cơ sở thức ăn đường phố phát triển một cách tự do, thường xuyên biến động và phần lớn hoạt động tự phát, không có giấy phép nên rất khó quản lý. Các khu, cụm công nghiệp, khu kinh tế và trường học phát triển, kéo theo là các dịch vụ ăn uống, trong đó bếp ăn tập thể và cơ sở cung ứng suất ăn sẵn do các đơn vị tự tổ chức, không đăng ký cũng đang gia tăng làm cho việc quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) ngày càng phức tạp và khó khăn. Các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm, nhất là cơ sở thức ăn đường phố, bếp ăn tập thể, kinh doanh thực phẩm trong các chợ, khu du lịch, lễ hội, các cơ sở sản xuất thực phẩm quy mô hộ gia đình, phát triển còn thiếu quy hoạch, thiếu đồng bộ, thiếu trang thiết bị cơ bản bảo đảm vệ sinh cho quá trình chế biến, thiếu kiến thức và ý thức trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm . . . Tình trạng sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng, buôn bán hàng nhập lậu còn xảy ra. Việc sử dụng các hóa chất bảo vệ thực vật (BVTV), các chất kích thích sinh trưởng, chất tăng trọng kháng sinh . . . trong trồng trọt, chăn nuôi chưa được kiểm soát chặt chẽ. Việc sử dụng các chất bảo quản, phụ gia thực phẩm trong chế biến thực phẩm nhưng thiếu hiểu biết của người sản xuất, chế biến thực phẩm còn tương đối phổ biến. Đó là những yếu tố cơ bản làm cho thực phẩm không an toàn và gây nguy cơ NĐTP cao.

Bên cạnh đó, nhân lực, phương tiện và trang thiết bị phục vụ cho hoạt động bảo đảm VSATTP ở các sở, ngành, đơn vị, địa phương, đoàn thể liên quan còn thiếu và yếu; kinh phí hoạt động hạn chế, nội dung chi, mức chi cho công tác bảo đảm VSATTP thấp, không còn phù hợp với tình hình thực tế, nên hoạt động bảo đảm VSATTP của các đơn vị, địa phương gặp nhiều khó khăn.

Tuy gặp nhiều khó khăn, nhưng trong những năm qua, công tác bảo đảm VSATTP thường xuyên nhận được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ngành, đơn vị, địa phương, đoàn thể liên quan từ cấp tỉnh đến cơ sở, nên đã đạt được những kết quả tương đối tốt.

1. Tình hình cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ thực phẩm:

[...]