Kế hoạch 64/KH-UBND đào tạo nghề phi nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp năm 2024

Số hiệu 64/KH-UBND
Ngày ban hành 29/02/2024
Ngày có hiệu lực 29/02/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Đồng Tháp
Người ký Huỳnh Minh Tuấn
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG THÁP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 64/KH-UBND

Đồng Tháp, ngày 29 tháng 02 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

ĐÀO TẠO NGHỀ PHI NÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG THÁP NĂM 2024

Căn cứ các văn bản của Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân Tỉnh, Ủy ban nhân dân (UBND) Tỉnh về đào tạo nguồn nhân lực, đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp (kèm theo Phụ lục I), UBND Tỉnh ban hành Kế hoạch Đào tạo nghề phi nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp năm 2024 như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Nâng cao chất lượng đào tạo nghề nghiệp, bảo đảm nguồn nhân lực có chuyên môn kỹ thuật, kỹ năng nghề đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, thị trường lao động trong và ngoài nước; cải thiện thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn.

- Đào tạo nhân lực phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương, các chương trình, dự án trọng tâm của Tỉnh. Nâng cao chỉ số đào tạo lao động, góp phần nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp Tỉnh.

- Phát triển đồng bộ về cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ nhà giáo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN); từ đó nâng cao năng lực hoạt động, thực hiện đạt lộ trình tự chủ theo kế hoạch đề ra.

2. Yêu cầu

- Triển khai đồng bộ, nhịp nhàng giữa các cấp, các ngành, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của người dân và toàn xã hội về vị trí, vai trò, tầm quan trọng và hiệu quả của công tác đào tạo nghề.

- Đào tạo nghề gắn với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát kinh tế - xã hội và các Chương trình, dự án trọng tâm của Tỉnh và từng địa phương. Ưu tiên đào tạo nghề theo địa chỉ sử dụng, đào tạo nghề phục vụ Chương trình đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

- Các cơ sở GDNN tập trung nâng cao chất lượng đào tạo, phát huy tối đa năng lực hoạt động, giải quyết việc làm cho lao động sau tốt nghiệp học nghề.

II. NỘI DUNG

1. Chỉ tiêu

- Hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp cho 13.383 người. Trong đó, đào tạo nghề cho người trong độ tuổi thanh niên đạt tối thiểu 35%, chia theo trình độ: Sơ cấp và đào tạo dưới 03 tháng là 8.695 người, trung cấp 2.751 người, cao đẳng 1.937 người.

- Phấn đấu thu hút 25% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở (THCS) và trung học phổ thông (THPT) vào hệ thống GDNN. Trong đó, học sinh nữ đạt trên 30% trong tổng chỉ tiêu tuyển mới.

- Tỷ lệ lao động qua đào tạo của Tỉnh đạt 77,2%. Trong đó, qua đào tạo nghề đạt 55,7%.

2. Giải pháp

a) Tuyên truyền, tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh; khảo sát, dự báo nhu cầu đào tạo nghề cho người lao động, nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp

- Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, quảng bá hình ảnh, nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác đào tạo nghề đối với sự phát triển kinh tế - xã hội; lồng ghép tuyên truyền, tư vấn học nghề thông qua các hội nghị, hội thảo, tập huấn, sàn giao dịch việc làm…, kết hợp tuyên truyền tư vấn trực tiếp và trực tuyến; ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội để lan tỏa gương sáng thành công, mô hình hay trong lĩnh vực GDNN; cung cấp thông tin cho người học về ngành nghề, tuyển sinh, thị trường lao động, chế độ, chính sách học nghề thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội.

- Tích cực thực hiện chuyển đổi số tại cơ sở GDNN, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân và xã hội về lao động có tay nghề; chủ động xây dựng kế hoạch phối hợp với các cơ sở giáo dục, chính quyền địa phương, các Hội, Đoàn thể… để thực hiện tốt công tác phân luồng, tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho học sinh tại các trường THCS, THPT.

- Thường xuyên khảo sát nhu cầu học nghề của người dân, nhu cầu tuyển dụng và đào tạo nghề cho công nhân của các doanh nghiệp đóng trên địa bàn quản lý để kịp thời tham mưu, đề xuất, hỗ trợ đào tạo; rà soát, cập nhật tình hình giải quyết việc làm sau đào tạo; chú trọng liên kết với các đơn vị sử dụng lao động, bao tiêu sản phẩm trong và ngoài Tỉnh trong quá trình đào tạo nhằm cung ứng nguồn lao động, đảm bảo việc làm ổn định cho người học.

b) Phát triển cơ sở GDNN, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo

- Tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch số 290/KH-UBND ngày 16/8/2022 của UBND Tỉnh[1], trong đó, tập trung đẩy nhanh lộ trình đảm bảo tự chủ đối với các cơ sở GDNN đủ năng lực. Thực hiện sắp xếp lại mạng lưới cơ sở GDNN tỉnh Đồng Tháp, tạo điều kiện thuận lợi thu hút tổ chức, cá nhân thành lập cơ sở GDNN tư thục.

- Tiếp tục rà soát, đề xuất điều chuyển thiết bị giữa các cơ sở GDNN, liên kết sử dụng trang thiết bị thực hành giữa cơ sở GDNN với doanh nghiệp nhằm nâng cao tay nghề cho người học, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp.

- Lựa chọn nhà cung ứng, thực hiện trình tự mua sắm trang thiết bị đào tạo đối với các Trường trung cấp thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội theo đúng quy trình, quy định (kèm theo Phụ lục II).

c) Phát triển chương trình, giáo trình đào tạo

- Rà soát, đánh giá chất lượng chương trình, giáo trình đào tạo, trên cơ sở đó tổng hợp, chỉnh sửa, xây dựng mới chương trình, giáo trình đáp ứng tốt nhu cầu kiến thức, kỹ năng nghề theo yêu cầu của doanh nghiệp.

[...]