Kế hoạch 207/KH-UBND về đào tạo nghề nghiệp tỉnh Đồng Tháp năm 2021 và giai đoạn 2021-2025

Số hiệu 207/KH-UBND
Ngày ban hành 06/07/2021
Ngày có hiệu lực 06/07/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Đồng Tháp
Người ký Đoàn Tấn Bửu
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG THÁP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 207/KH-UBND

Đồng Tháp, ngày 06 tháng 07 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

ĐÀO TẠO NGHỀ NGHIỆP TỈNH ĐỒNG THÁP NĂM 2021 VÀ GIAI ĐOẠN 2021 - 2025

Căn cứ các văn bản của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân Tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh về đào tạo nguồn nhân lực, đào tạo nghề cho lao động nông thôn (kèm theo Phụ lục I), Ủy ban nhân dân Tỉnh ban hành Kế hoạch Đào tạo nghề nghiệp tỉnh Đồng Tháp năm 2021 và giai đoạn 2021 - 2025 như sau:

Phần I

KẾT QUẢ GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP GIAI ĐOẠN 2016 - 2020

I. TÌNH HÌNH THỰC HIỆN CÁC CHỈ TIÊU, NHIỆM VỤ

1. Kết quả tuyển sinh, đào tạo

Giai đoạn 2016 - 2020, toàn Tỉnh đã tổ chức tuyển sinh cho 106.785 học viên (trong đó: Cao đẳng: 8.198 học viên, Trung cấp: 12.791 học viên, Sơ cấp và dạy nghề dưới 03 tháng: 85.796 học viên) đạt 100,7% so với kế hoạch (kèm theo Phụ lục II), góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 58,2% năm 2016 lên 70% năm 2020(1), trong đó tỷ lệ qua đào tạo nghề từ 42% tăng lên 50%.

2. Phát triển danh mục ngành, nghề đào tạo, nghề trọng điểm

- Phát triển danh mục ngành, nghề: Đến cuối năm 2020, toàn Tỉnh triển khai đào tạo 144 nghề, trong đó, 30 nghề trình độ cao đẳng; 35 nghề trình độ trung cấp; 24 nghề trình độ sơ cấp và 55 nghề đào tạo dưới 03 tháng.

- Quy hoạch ngành, nghề trọng điểm: Thực hiện theo Quyết định số 1769/QĐ-LĐTBXH ngày 25 tháng 11 năm 2019 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc phê duyệt ngành, nghề trọng điểm; trường được lựa chọn ngành, nghề trọng điểm giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến năm 2025. Theo đó, tỉnh Đồng Tháp có 05 trường được đầu tư nghề trọng điểm(1).

3. Hoạt động tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo

- Giai đoạn 2016 - 2020, có 07 cơ sở GDNN được đầu tư thiết bị dạy nghề từ Dự án đổi mới và phát triển dạy nghề và Dự án đào tạo nghề cho LĐNT với tổng kinh phí là 24.360.000.000 đồng(2).

- Từ nguồn kinh phí đầu tư, các đơn vị thụ hưởng đã xây dựng danh mục đầu tư thiết bị nghề phù hợp với quy mô, ngành nghề đào tạo tại địa phương. Các nghề được đầu tư chủ yếu gồm: Điện công nghiệp, Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí; Cắt gọt kim loại; Chế biến và bảo quản thủy sản; Nuôi trồng thủy sản nước ngọt; Kỹ thuật máy nông nghiệp và các thiết bị, dụng cụ phục vụ công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Từ đó, chất lượng đào tạo nghề được nâng lên, các cơ sở dạy nghề chuyển dần từ dạy nghề sẵn có, sang dạy nghề theo nhu cầu xã hội, dạy nghề theo địa chỉ.

- Để phát huy tối đa hiệu quả trang thiết bị dạy nghề đã được đầu tư, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các Sở, ngành có liên quan rà soát, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp xem xét, điều chuyển trang thiết bị giữa các đơn vị đào tạo, đồng thời thường xuyên có văn bản nhắc nhở các đơn vị bảo quản trang thiết bị đúng yêu cầu, sử dụng đúng mục đích.

4. Hoạt động phát triển chương trình, giáo trình

- Đối với trình độ cao đẳng và trung cấp: Các trường biên soạn và ban hành dựa trên chương trình khung do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành, có điều chỉnh, bổ sung phần tự chọn cho phù hợp với yêu cầu của doanh nghiệp và tình hình thực tế của địa phương.

- Đối với các nghề đào tạo cho lao động nông thôn (trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 03 tháng), Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp phê duyệt xây dựng 104 chương trình, giáo trình đào tạo, trong đó nghề phi nông nghiệp có 36 chương trình và 39 giáo trình đào tạo.

- Các chương trình, giáo trình đào tạo, tài liệu giảng dạy được xây dựng và hoàn chỉnh kịp thời, đáp ứng sự phát triển ngành nghề đào tạo của địa phương, phù hợp với yêu cầu của doanh nghiệp và khả năng tiếp thu của người học; bài giảng mang tính tích hợp, vừa dạy lý thuyết kết hợp với thực hành nghề, không gây nhàm chán cho người học, sau khi kết thúc khóa học, học viên làm được ngay bằng chính nghề mình đã học.

5. Hoạt động phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý

- Về bồi dưỡng: Giai đoạn 2016 - 2020, có 1.002 lượt nhà giáo, cán bộ quản lý được bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, cập nhật kiến thức, kỹ năng sư phạm. Đến nay, cơ bản đội ngũ nhà giáo đạt chuẩn về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.

- Về phát triển đội ngũ nhà giáo: Đến cuối năm 2020, toàn Tỉnh có 765 cán bộ quản lý và nhà giáo (có 526 nhà giáo; 239 cán bộ quản lý, trong đó có 198 cán bộ quản lý tham gia giảng dạy). Chia theo trình độ nhà giáo: Sau đại học: 236/765 (chiếm 30,8%); Đại học: 451/765 (chiếm 59%); Cao đẳng, Cao đẳng nghề: 24/765 (chiếm 3,1%); Trung cấp, Trung cấp nghề: 38/765 (chiếm 5%), khác: 16 (chiếm 2,1%).

6. Hoạt động kiểm tra, giám sát

Hằng năm, Ủy ban nhân dân Tỉnh chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp cùng các sở, ngành liên quan thực hiện công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động đào tạo tại các cơ sở GDNN; đồng thời, trong quá trình thực hiện, các huyện, thành phố, các tổ chức chính trị - xã hội ở các địa phương tham gia kiểm tra, giám sát các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn và đào tạo nghề theo địa chỉ...; qua kiểm tra, giám sát, các khó khăn, kiến nghị được quan tâm, tháo gỡ kịp thời, từ đó góp phần hỗ trợ các địa phương hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao.

II. KẾT QUẢ CẢI THIỆN CHỈ SỐ ĐÀO TẠO LAO ĐỘNG THEO ĐÁNH GIÁ PCI GIAI ĐOẠN 2016 - 2020 (Phụ lục III kèm theo)

III. ĐÁNH GIÁ CHUNG

1. Mặt được

- Việc phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm chỉ đạo, từng bước đầu tư hoàn thiện, nhất là phát triển các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục;

[...]