Kế hoạch 567/KH-UBND năm 2017 về khung mục tiêu, nhiệm vụ và danh mục dự án ứng phó với biến đổi khí hậu tỉnh An Giang giai đoạn 2017-2020

Số hiệu 567/KH-UBND
Ngày ban hành 09/10/2017
Ngày có hiệu lực 09/10/2017
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh An Giang
Người ký Vương Bình Thạnh
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 567/KH-UBND

An Giang, ngày 09 tháng 10 năm 2017

 

KẾ HOẠCH

KHUNG MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ VÀ DANH MỤC DỰ ÁN ỨNG PHÓ VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU TỈNH AN GIANG GIAI ĐOẠN 2017 - 2020

I. ĐẶC ĐIỂM TÌNH HÌNH:

Trong những năm qua, biến đổi khí hậu đã gây ra nhiều tác động tiêu cực, đặc biệt là việc gây ngập lụt, hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở bờ sông,… làm ảnh hưởng đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt, sức khỏe và đời sống của người dân, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của tỉnh. Với sự chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và những nỗ lực của các ngành, các cấp, công tác ứng phó bước đầu đã mang lại những kết quả tích cực, nhiều hoạt động tuyên truyền, mô hình thích ứng, ứng phó và hơn 22 dự án, nhiệm vụ được triển khai,… đã góp phần ổn định cuộc sống, nâng cao nhận thức, thu nhập, cải thiện khả năng chống chịu và ứng phó của chính quyền và người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương theo hướng bền vững.

Tuy nhiên, công tác ứng phó vẫn còn nhiều bất cập, lúng túng, dàn trải, thiếu trọng tâm trọng điểm, chưa đi vào thực chất, hiệu quả đạt được chưa cao, vì vậy vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu và đòi hỏi thực tiễn.

Dự báo, trong những năm tới biến đổi khí hậu tiếp tục sẽ còn diễn biến phức tạp, khốc liệt và ngày càng rõ nét gây tác động tiêu cực đến mọi mặt của đời sống xã hội và các ngành lĩnh vực. Song song đó, những tác động của các đập thủy điện và việc chuyển nước sang lưu vực khác của phía thượng nguồn sông Mê Công sẽ làm cho tình hình càng trở nên nghiêm trọng hơn, khó lường hơn và do đó thiệt hại sẽ lớn hơn nếu không có cách ứng phó kịp thời, phù hợp và hiệu quả. Các biểu hiện của sự tác động kép này nhiều khả năng sẽ là: Tình hình hạn hán và xâm nhập mặn sẽ xảy ra trên diện rộng hơn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất nông nghiệp, gây thiệt hại lớn về kinh tế và bất ổn xã hội; khí hậu, thời tiết, mưa bão, lũ lụt, dông lốc sẽ diễn biến bất thường hơn, cực đoan hơn; tình hình sạt lở bờ sông xảy ra thường xuyên hơn với cường độ mạnh hơn,… gây thiệt hại đến tính mạng, tài sản của Nhà nước và Nhân dân, nguồn nước sẽ tiếp tục bị suy giảm cả về chất, lẫn lưu lượng, đe dọa an ninh nguồn nước của vùng. Do đó, công tác ứng phó trong giai đoạn 2017 - 2020 và trong thời gian tới cần phải chủ động hơn, mang tính khoa học hơn nhưng đồng thời cũng cần phải bình tĩnh, thận trọng, không nóng vội cũng không chủ quan, phải tính toán ngay những việc trước mắt và những việc lâu dài.

II. CĂN CỨ PHÁP LÝ:

- Quyết định số 158/2008/QĐ-TTg ngày 02 tháng 12 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH;

- Quyết định số 2193/QĐ-TTg ngày 05 tháng 12 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu;

- Nghị quyết số 24/NQ-TW ngày 03/6/2013 của Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về chủ động Ứng phó với Biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường;

- Nghị quyết số 08/NQ-CP ngày 23/01/2014 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 03/6/2013 của Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường;

- Quyết định số 1474/QĐ-TTg ngày 05 tháng 10 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch Hành động quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn 2012 - 2020;

- Nghị quyết số 853/NQ-UBTVQH13 ngày 05 tháng 12 năm 2014 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu ở vùng đồng bằng Sông Cửu Long;

- Kế hoạch số 62-KH/TU ngày 26 tháng 8 năm 2013 của Tỉnh Ủy về Thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 3-6-2013 của Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường;

- Quyết định số 819/QĐ-BNN-KHCN ngày 14 tháng 3 năm 2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn đến 2050;

- Quyết định số 1685/QĐ-UBND ngày 21 tháng 6 năm 2016 của UBND tỉnh An Giang về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Kế hoạch số 62-KH/TU ngày 26 tháng 8 năm 2013 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh An Giang thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 03-6-2013 của Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường;

- Kế hoạch hành động số 655/KH-UBND ngày 06 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang về việc thực hiện ứng phó với biến đổi khí hậu của ngành Xây dựng, giai đoạn 2016-2020;

- Quyết định số 2053/QĐ-TTg ngày 28 tháng 10 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu;

- Kế hoạch số 307/KH-UBND ngày 30 tháng 5 năm 2017 của UBND tỉnh triển khai thực hiện các mục tiêu của Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN tỉnh An Giang đến năm 2025;

III. QUAN ĐIỂM VÀ MỤC TIÊU

1. Quan điểm:

Các nội dung của Kế hoạch Khung mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và danh mục dự án ứng phó với biến đổi khí hậu tỉnh An Giang giai đoạn 2017 - 2020 (sau đây gọi tắt là Kế hoạch) phải dựa trên các quan điểm sau đây:

- Công tác ứng phó với biến đổi khí hậu là nhiệm vụ chung của toàn hệ thống chính trị, của toàn xã hội, các cấp, các ngành, các tổ chức, mọi người dân trong tỉnh và cần được tiến hành với sự đồng thuận, quyết tâm cao, và sự phối hợp thường xuyên, chặt chẽ từ phạm vi cấp xã đến cấp tỉnh;

- Việc xây dựng Kế hoạch này phải dựa trên nguyên tắc kế thừa và phát huy những mặt đã làm được, đồng thời từng bước khắc phục những tồn tại, hạn chế của giai đoạn 2011 - 2016 và tập trung vào các ngành, lĩnh vực trọng yếu của tỉnh, bao gồm: nông nghiệp và phát triển nông thôn; tài nguyên và môi trường; xây dựng; giao thông vận tải; công thương; khoa học và công nghệ; bên cạnh đó cần phải chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực ứng phó với biến đổi khí hậu của tỉnh;

- Các hoạt động ứng phó với BĐKH giai đoạn 2017 - 2020 được thực hiện trên cơ sở có đầu tư của nhà nước, lồng ghép và tận dụng mọi nguồn lực, phát huy nội lực, tranh thủ sự hỗ trợ quốc tế để tăng cường các hoạt động ứng phó hiệu quả, hướng tới phát triển nền kinh tế xanh, ít phát thải và bền vững;

- Các hoạt động ứng phó với BĐKH giai đoạn 2017 - 2020 phải trên cơ sở kế thừa các nội dung trong các Kế hoạch và Quyết định được cấp thẩm quyền ban hành trước đây và cập nhật thêm các nội dung hành động mới nhưng phải bám sát mục tiêu, nhiệm vụ và nhu cầu phát triển của mỗi ngành, lĩnh vực trọng yếu của tỉnh đồng thời cũng phải xuất phát từ yêu cầu thực tế, có khả năng triển khai thực hiện và nhân rộng cao, phù hợp với trình độ, năng lực của tỉnh. Bên cạnh đó, phải có sự kết hợp giữa thích ứng và giảm nhẹ để nâng cao hiệu quả ứng phó nhưng phải đảm bảo không gây xáo trộn lớn đến các hoạt động sản xuất và đời sống xã hội.

2. Mục tiêu

Việc xây dựng Kế hoạch này hướng đến các mục tiêu cần đạt được vào năm 2020 như sau:

[...]