Kế hoạch 655/KH-UBND năm 2016 thực hiện ứng phó với biến đổi khí hậu của ngành Xây dựng, giai đoạn 2016-2020 do tỉnh An Giang ban hành

Số hiệu 655/KH-UBND
Ngày ban hành 06/12/2016
Ngày có hiệu lực 06/12/2016
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh An Giang
Người ký Lê Văn Nưng
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 655/KH-UBND

An Giang, ngày 06 tháng 12 năm 2016

 

KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG

VỀ VIỆC THỰC HIỆN ỨNG PHÓ VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU CỦA NGÀNH XÂY DỰNG, GIAI ĐOẠN 2016-2020

I. Căn cứ pháp lý:

Căn cứ Quyết định số 1474/QĐ-TTg ngày 05/10/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn 2012-2020;

Căn cứ Quyết định số 2623/QĐ-TTg ngày 31/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2013-2020;

Căn cứ Quyết định số 811/QĐ-BXD ngày 18/8/2016 của Bộ Xây dựng ban hành Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của ngành Xây dựng, giai đoạn 2016-2020;

Căn cứ điều kiện thực tế trên địa bàn tỉnh An Giang, Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang xây dựng Kế hoạch hành động thực hiện ứng phó biến đổi khí hậu của ngành Xây dựng, giai đoạn 2016-2020, cụ thể như sau:

II. Mục tiêu:

1. Mục tiêu tổng quát:

Công tác ứng phó với biến đổi khí hậu là nhiệm vụ của toàn hệ thống chính trị, của toàn xã hội, các cấp, các ngành, các tổ chức, mọi người dân trong tỉnh và cần được tiến hành với sự đồng thuận, quyết tâm cao từ phạm vi cấp xã đến cấp tỉnh. Với mục tiêu tổng quát là nâng cao khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu của tỉnh trong từng giai đoạn cụ thể, phòng tránh và giảm thiểu những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, đảm bảo sự phát triển bền vững, bảo vệ cuộc sống của người dân. Sử dụng tài nguyên và năng lượng tiết kiệm, hiệu quả trong các công trình xây dựng; hệ thống thu gom, xử lý và thoát nước thải; hệ thống thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn; nghĩa trang, hệ thống cây xanh đô thị, thực hiện các giải pháp xây dựng phù hợp, có khả năng thích ứng cao với tình hình mới theo định hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

2. Mục tiêu cụ thể:

- Đánh giá các tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng đến các khu đô thị và dân cư nông thôn của tỉnh: Ngập lụt, sạt lở gia tăng do lũ kết hợp nước biển dâng; Nhiệt độ tăng; Ô nhiễm gia tăng do ngập lụt; Đe dọa chất lượng nguồn nước cấp do xâm nhập mặn.

- Cập nhật Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu nhằm gắn kết chặt chẽ yêu cầu ứng phó tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng trong tất cả các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, trên cơ sở phù hp với nguồn lực của địa phương và mức độ tác động.

- Lòng ghép nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu trong đồ án điều chỉnh quy hoạch xây dựng, đồ án quy hoạch xây dựng mới tại các khu vực trên địa bàn, phù phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, đồng thời đề xuất các giải pháp ứng phó thích hợp.

- Nâng cao năng lực trong các hoạt động thích ứng, giảm nhẹ và chống chịu với biến đổi khí hậu, nước biển dâng của ngành phù hợp theo từng giai đoạn, đảm bảo tính an toàn và ổn định cho các công trình xây dựng, cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị và nông thôn.

- Nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu tiên tiến phù hợp với địa phương nhằm giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Sử dụng tài nguyên và năng lượng hiệu quả, tiết kiệm, đặc biệt là trong sản xuất vật liệu xây dựng; đẩy mạnh phát triển công trình xanh, đô thị xanh, sử dụng các sản phẩm xanh, vật liệu xây dụng xanh, góp phần giảm nhẹ biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.

- Tăng cường hợp tác quốc tế trong việc đánh giá sự tác động, lập kế hoạch giảm thiểu cũng như áp dụng khoa học công nghệ, các giải pháp ứng phó phù hợp với địa phương để giảm thiểu đến mức thấp nhất sự tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng. nhằm ứng phó và giảm thiểu tác động tiêu cực đến với biến đổi khí hậu đảm bảo sự phát triển bền vững, bảo vệ cuộc sống của người dân.

III. Nội dung và giải pháp của Kế hoạch hành động:

1. Nghiên cứu các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu của ngành Xây dựng:

- Chủ động xây dựng phương án ứng phó, đề xuất các giải pháp thiết kế cho các công trình cũng như các đồ án quy hoạch xây dựng đảm bảo thích ứng với kịch bản biến đổi khí hậu của Trung ương và của tỉnh đã thực hiện, đồng thời phải phù hợp với điều kiện của địa phương.

- Tiến hành rà soát các đồ án quy hoạch trên địa bàn (quy hoạch xây dựng, quy hoạch chuyên ngành, ...) tổ chức điều chỉnh, bổ sung hoặc bãi bỏ kịp thời, không bố trí các công trình công cộng tại nơi có nguy cơ bị ảnh hưởng, bố trí các công trình có khả năng điều tiết và thích ứng với các tác động bởi biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

- Tổ chức phương án ứng phó, đề xuất biện pháp giảm thiểu, đầu tư xây dựng các công trình nhằm giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản cho vùng đồi núi và dân tộc thiểu số như: Xây dựng hệ thống thoát nước (thoát lũ núi), sạt lở núi, xây dựng hồ chứa nhân tạo đảm bảo nhu cầu cấp nước cho khu vực.

- Tổ chức thực hiện tốt các quy chuẩn, tiêu chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật đối với công tác quy hoạch và xây dựng công trình, hạ tầng kỹ thuật, đô thị, sản xuất vật liệu xây dựng nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu. Khuyến khích áp dụng các mô hình: Công trình xanh, công trình thích ứng với biến đổi khí hậu, đô thị sinh thái, đô thị xanh thích ứng với biến đổi khí hậu cũng như áp dụng công nghệ mới trong sản xuất vật liệu xây dựng xanh nhằm tiết kiệm tài nguyên và giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

- Tích hợp các quy hoạch về cấp nước, thoát nước, chống ngập của các đô thị, có xét tới tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng; Quy hoạch cốt nền đô thị; Quy hoạch sử dụng đất đô thị phù hợp với biến đổi khí hậu và nước biển dâng; Quy hoạch không gian xanh đô thị.

- Tăng cường trao đổi, cung cấp thông tin về diễn biến và công tác ứng phó biến đổi khí hậu của các tỉnh lân cận và Vùng Đồng bằng sông Cửu Long, các tổ chức quốc tế để kết nối và đảm bảo công tác ứng phó với biến đổi khí hậu phù hợp với thực tế tại địa phương.

- Xây dựng và ban hành các chính sách cho cộng đồng dân cư trong vùng trực tiếp chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, tạo điều kiện để người dân tự thích ứng và chống chịu trước các tác động do biến đổi khí hậu gây ra.

2. Nghiên cứu các giải pháp giảm nhẹ biến đổi khí hậu của ngành Xây dựng:

- Cập nhật kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng vào các dự án nâng cấp đô thị, thoát nước đô thị và dự án xử lý chất thải rắn đang chuẩn bị đầu tư xây dựng.

[...]