Thứ 3, Ngày 29/10/2024

Kế hoạch 5209/KH-UBND năm 2022 về phát triển ngành dịch vụ tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2021-2025

Số hiệu 5209/KH-UBND
Ngày ban hành 26/12/2022
Ngày có hiệu lực 26/12/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Phú Thọ
Người ký Bùi Văn Quang
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ THỌ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 5209/KH-UBND

Phú Thọ, ngày 26 tháng 12 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN NGÀNH DỊCH VỤ TỈNH PHÚ THỌ GIAI ĐOẠN 2021- 2025

Nhằm cụ thể hóa các chủ trương, chính sách phát triển các ngành dịch vụ của Chính phủ1, triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ XIX nhiệm kỳ 2020-2025; Nghị quyết số 61-NQ/TU của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh Phú Thọ; Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch phát triển ngành dịch vụ tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2021-2025 với những nội dung như sau:

Phần thứ nhất

ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THỰC HIỆN NGÀNH DỊCH VỤ GIAI ĐOẠN 2016- 2020

I. KẾT QUẢ THỰC HIỆN

1. Kết quả chung ngành dịch vụ 2

1.1. Về quy mô, tốc độ tăng trưởng

Tốc độ phát triển bình quân các ngành dịch vụ giai đoạn 2016-2020 đạt 6,8%/năm (giai đoạn 2011-2015 là 5,0%/năm); quy mô toàn ngành năm 2020 đạt 28.467 tỷ đồng, gấp 1,5 lần năm 2016. Hầu hết các lĩnh vực duy trì tốc độ tăng trưởng khá; trong đó một số phân ngành có quy mô lớn, tốc độ tăng cao: Bán buôn, bán lẻ (5.704 tỷ đồng, tăng 9,2%/năm); giáo dục-đào tạo (4.817 tỷ đồng, tăng 6,1%/năm); hoạt động kinh doanh bất động sản (3.746 tỷ đồng, tăng 3,7%/năm); vận tải kho bãi (2.459 tỷ đồng, tăng 7,4%). Tuy nhiên, có một số ngành tăng trưởng chậm lại do ảnh hưởng từ dịch bệnh COVID-19 (dịch vụ vận tải, kho bãi; lưu trú và ăn uống; nghệ thuật, vui chơi và giải trí).

1.2. Về đóng góp của các ngành dịch vụ

- Đóng góp trong tăng trưởng kinh tế: Là lĩnh vực đóng góp chủ yếu cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh, tỷ trọng đóng góp bình quân đạt 40% trong GRDP3. Tuy nhiên, tỷ trọng này có xu hướng giảm nhẹ so với giai đoạn trước, cụ thể năm 2020, đóng góp trong giá trị GRDP là 37,8%, giảm 2,9% so với năm 2015; năm 2021, chỉ đóng góp 36,8% trong giá trị GRDP do tiếp tục bị ảnh hưởng, tác động tiêu cực từ dịch bệnh Covid-19.

- Giải quyết việc làm cho lao động: Lao động hoạt động trong các ngành dịch vụ có xu hướng gia tăng cả về số lượng và tỷ trọng trong giai đoạn 2016-2020; góp phần tích cực trong giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động. Đến năm 2020, tổng số lao động làm việc trong các ngành dịch vụ là 230,5 nghìn người, chiếm 27,4% tổng số lao động trên 15 tuổi đang làm việc (năm 2016 là 22,2% ); trong đó, tập trung chủ yếu trong các lĩnh vực: bán buôn và bán lẻ; vận tải, kho bãi; dịch vụ lưu trú và ăn uống; giáo dục và đào tạo,…

1.3. Về các thành phần kinh tế tham gia phát triển dịch vụ: Đến năm 2020, số lượng doanh nghiệp tăng 1,36 lần so với năm 2016 (năm 2020, toàn tỉnh 2.610 doanh nghiệp dịch vụ (chiếm 57,6% tổng số doanh nghiệp)); tốc độ tăng bình quân 10,7%/năm, tương đương mức tăng các loại hình doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh4.

Giai đoạn 2016-2020, số lượng các cơ sở kinh tế cá thể hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ tương đối ổn định; năm 2016, có 46.443 cơ sở (chiếm 69,8%) đến năm 2020 còn 46.072 (chiếm 72,7%).

1.4. Về vốn đầu tư phát triển ngành dịch vụ: Tổng mức vốn đầu tư phát triển dịch vụ duy trì ở mức cao, từ 51%-65% tổng vốn đầu tư thực hiện toàn tỉnh, tốc độ tăng bình quân 10,3%/năm. Năm 2016, vốn đầu tư thực hiện ngành dịch vụ đạt 11.168 tỷ đồng (chiếm 56,4%), đến năm 2020 đạt 16.646 tỷ đồng (chiếm 54,2%). Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, một số phân ngành có quy mô đầu tư lớn, chiếm tỷ trọng cao, song tăng trưởng bình quân thấp hoặc giảm nhẹ (dịch vụ vận tải, kho bãi, thương mại). Một số phân ngành có mức vốn đầu tư tăng khá gồm: dịch vụ y tế và hoạt động trợ giúp xã hội; thông tin truyền thông; tài chính, ngân hàng và bảo hiểm5.

2. Kết quả thực hiện các nhóm ngành dịch vụ chủ yếu

2.1. Hoạt động thương mại

Giai đoạn 2016-2020, tổng mức bán buôn và bán lẻ liên tục tăng nhanh qua các năm với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 9,2%/năm, cao hơn so với giai đoạn 2011-2015 (6,6%/năm). Năm 2021, giá trị tăng thêm (GTTT) ngành bán buôn, bán lẻ đạt 6.133 tỷ đồng, tăng 7,6% so với năm 2020.

Mạng lưới kinh doanh thương mại tiếp tục được mở rộng cả khu vực đô thị và nông thôn, thu hút nhiều loại hình doanh nghiệp, có nhiều phương thức kinh doanh mới. Hoạt động thương mại chủ yếu là thương mại truyền thống, với hệ thống cơ sở hạ tầng tương đối đồng bộ; toàn tỉnh có 197 chợ truyền thống, 15 siêu thị, 04 trung tâm thương mại và hàng ngàn cửa hàng bán lẻ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trao đổi qua các cơ sở bán lẻ hiện đại (siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi…) chiếm tỷ trọng 20-25%; thương mại điện tử (TMĐT) tiếp tục có bước phát triển6.

2.2. Về vận tải, kho bãi

Tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2016-2020 đạt 7,4%/năm, cao hơn giai đoạn 2011-2015 (6,9%/năm); cơ cấu đóng góp vào GRDP duy trì ở mức từ 3,3-3,9%. Hoạt động dịch vụ vận tải được khai thác qua các hình thức đường bộ, đường sắt, đường thủy; từng bước được nâng cao quy mô, chất lượng, cơ bản đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa, hành khách của doanh nghiệp và Nhân dân7. Hệ thống kho bãi phát triển phù hợp với định hướng phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, từng bước khai thác tốt hơn tiềm năng, lợi thế của hệ thống giao thông đường sắt, đường bộ, đường thủy. Đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 04 kho đầu mối xăng dầu (với tổng công suất đạt 35.250m3); 23 kho, bến bãi hàng hóa, trong đó một số cảng, bến bãi lớn như: Cảng Việt Trì, Hải Linh, Đoan Hùng, Trung Hà,...

2.3. Dịch vụ du lịch

Doanh thu du lịch ghi nhận xu hướng tăng qua các năm, giai đoạn 2016-2020 tốc độ tăng trưởng đạt 9%/năm, song thấp hơn bình quân cả nước (22,7%/năm). Tổng doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch năm 2019 là 3.450 tỷ đồng8, gấp 1,44 lần giá trị năm 2016 (2.400 tỷ đồng). Tuy nhiên đến năm 2020, do ảnh hưởng Covid-19 doanh thu chỉ đạt khoảng 2.000 tỷ đồng.

Đã thu hút được một số dự án đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch chất lượng cao tại thành phố Việt Trì, huyện Thanh Thủy; hình thành một số sản phẩm du lịch đặc thù phục vụ khách trong nước và quốc tế9. Các cơ sở lưu trú tăng nhanh về số lượng và chất lượng; đến năm 2020 toàn tỉnh có 397 cơ sở, trong đó 42 khách sạn (trong đó có 01 khách sạn 5 sao, 1 khách sạn 3 sao, 4 khách sạn 2 sao, 14 khách sạn 1 sao, 22 đạt tiêu chuẩn), 355 nhà nghỉ, với công suất 4.450 phòng (trong đó có 1.709 phòng tiêu chuẩn), công suất sử dụng buồng từ 34-43%.

2.4. Dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm

Tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2016-2020 là 7,1%/năm, cao hơn đáng kể so với giai đoạn 2011-2015 (4,9%/năm); tỷ trọng đóng góp trong GRDP duy trì ở mức 3-4%. Hiện nay, hệ thống ngân hàng đã có 21 chi nhánh ngân hàng thương mại cấp I, 14 chi nhánh ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp huyện, 128 phòng giao dịch (PGD) và 225 điểm giao dịch thuộc ngân hàng chính sách xã hội, 39 quỹ tín dụng nhân dân, 12 PGD hoạt động trên địa bàn 77 xã, phường, thị trấn; 04 tổ chức tài chính vi mô; Bảo hiểm Tiền gửi khu vực Tây Bắc Bộ, và các Công ty bảo hiểm nhân thọ, phi nhân thọ...

Dịch vụ ngân hàng và dịch vụ bảo hiểm có bước phát triển khá, hệ thống ngân hàng và các doanh nghiệp bảo hiểm đưa ra nhiều sản phẩm, dịch vụ mới đáp ứng nhu cầu khách hàng10. Đây là ngành có giá trị gia tăng cao, tuy nhiên tốc độ phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Năm 2021, GTTT dịch vụ tài chính, ngân hàng và bảo hiểm đạt 2.484 tỷ đồng, tăng 3,1% so với năm 2020.

2.5. Dịch vụ kinh doanh bất động sản

[...]