Kế hoạch 4076/KH-UBND năm 2021 thực hiện Chương trình 20/CTr-Tu do tỉnh Bình Dương ban hành

Số hiệu 4076/KH-UBND
Ngày ban hành 20/08/2021
Ngày có hiệu lực 20/08/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Dương
Người ký Võ Văn Minh
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH DƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4076/KH-UBND

Bình Dương, ngày 20 tháng 8 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH SỐ 20/CTR-TU NGÀY 31/5/2021 CỦA TỈNH ỦY

Thực hiện Chương trình số 20/CTr-TU ngày 31/5/2021 của Tỉnh ủy về Tập trung phát triển các ngành dịch vụ chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp, đô thị theo hướng văn minh, hiện đại giai đoạn 2021-2025, định hướng 2025-2030 và tầm nhìn đến năm 2045;

Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình số 20/CTr-TU ngày 31/5/2021 của Tỉnh ủy về Tập trung phát triển các ngành dịch vụ chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp, đô thị theo hướng văn minh, hiện đại giai đoạn 2021-2025, định hướng 2025-2030 và tầm nhìn đến năm 2045 như sau:

I. Mục đích - Yêu cầu

1. Mục đích

Xác định cụ thể nội dung công việc, tiến độ và trách nhiệm của các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố trong việc triển khai thực hiện Chương trình số 20/CTr-TU ngày 31 tháng 5 năm 2021 của Tỉnh ủy về Tập trung phát triển các ngành dịch vụ chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp, đô thị theo hướng văn minh, hiện đại giai đoạn 2021-2025, định hướng 2025-2030 và tầm nhìn đến năm 2045.

Quy định cụ thể chế độ báo cáo, tổng hợp nhằm kịp thời đánh giá, chỉ đạo.

Là cơ sở để các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện Chương trình số 20/CTr-TU ngày 31 tháng 5 năm 2021 theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

2. Yêu cầu

Làm rõ cơ quan đầu mối trong việc triển khai từng nội dung công việc. Đảm bảo sự kịp thời, đồng bộ, phối hợp chặt chẽ trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình.

II. Mục tiêu

1. Mục tiêu tổng quát

Tập trung nguồn lực phát triển một số ngành dịch vụ tiềm năng, phục vụ cho phát triển công nghiệp và đô thị, đáp ứng yêu cầu quá trình chuyển đổi số; đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế, thực hiện tốt chức năng cung ứng, tiêu thụ hàng hóa phục vụ quá trình sản xuất, xuất khẩu. Thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu ngành dịch vụ theo hướng nâng cao tỷ trọng của các ngành dịch vụ ứng dụng công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo, công nghệ thông tin để tác động lan tỏa tới các lĩnh vực dịch vụ khác.

2. Mục tiêu cụ thể

2.1. Giai đoạn 2021-2025:

- Tỷ trọng dịch vụ trong cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng định hướng, đến năm 2025 chiếm 28%. Tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng ngành dịch vụ bình quân hàng năm khoảng 11%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng bình quân khoảng 14 - 15%/năm. Trong đó: tổng mức bán lẻ hàng hóa chiếm khoảng 56%.

- Khuyến khích phát triển mạnh dịch vụ Logistics cấp độ 4PL (chuỗi logistics, dịch vụ logistics được cung cấp đầy đủ tạo thành một "chuỗi") và phấn đấu đến năm 2025, một số trung tâm lớn sẽ đạt cấp độ trên mức 5PL (E-logistics - Logistics trên nền thương mại điện tử).

- Xây dựng và phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, truyền thông, khoa học công nghệ đáp ứng phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, tạo động lực cho phát triển chung của Tỉnh, góp phần rút ngắn thời gian hoàn thành mục tiêu xây dựng thành phố thông minh, triển khai thí điểm mạng 5G trên địa bàn Tỉnh.

- Xây dựng, triển khai đề án y tế thông minh, y tế chất lượng cao, từng bước nâng cao tỷ lệ tư vấn, khám chữa bệnh từ xa. Phấn đấu đạt 30 giường bệnh viện, 10 bác sĩ trên 1 vạn dân; tỷ lệ cư dân có bệnh án điện tử đạt 50%; 100% cơ sở y tế cấp tỉnh, huyện khám chữa bệnh thông qua ứng dụng công nghệ thông tin (ICT).

- Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao có kiến thức, kỹ năng phù hợp đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp của Tỉnh. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt: 85%; Lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ đạt: 35%.

- Xây dựng, triển khai hiệu quả chương trình xúc tiến thương mại, từng bước nâng cao chất lượng, số lượng triển lãm trưng bày sản phẩm, Hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa.

- Xây dựng kế hoạch, triển khai hiệu quả các hoạt động thương mại điện tử giai đoạn 2021 - 2025 theo chỉ đạo của Chính phủ, phấn đấu tỷ lệ giao dịch thương mại điện tử B2C (giao dịch giữa doanh nghiệp, công ty với khách hàng) tăng hàng năm. Xây dựng, phát triển hệ thống ATM và POS[1]rộng khắp, đảm bảo thông suốt và an toàn.

2.2. Định hướng 2025 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045

Bình Dương tiếp tục là địa phương điển hình về phát triển kinh tế tri thức với hệ thống các trung tâm thương mại cao cấp, trung tâm tài chính hiện đại, trung tâm hậu cần dịch vụ kho vận logistics, các dịch vụ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo mang tầm khu vực, các dịch vụ an sinh xã hội đáp ứng tốt nhu cầu của địa phương và cả Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Ngành dịch vụ được hiện đại hóa với cơ cấu cân đối, hợp lý, có hệ thống phân phối phát triển đồng bộ, chuyên nghiệp, vừa mở rộng về quy mô và phạm vi, vừa tham gia có chiều sâu vào phát triển sản xuất và tiêu dùng. Khuyến khích chuyển đổi công năng các Khu, cụm công nghiệp và các dự án đầu tư sản xuất công nghiệp ở các đô thị phía nam của Tỉnh thành các Khu công nghiệp công nghệ cao, các khu đô thị, thương mại, dịch vụ cao cấp, hiện đại.

III. Nội dung nhiệm vụ

Chương trình số 20/CTr-TU ngày 31 tháng 5 năm 2021 đã đề ra 5 nhiệm vụ, giải pháp phát triển dịch vụ chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp, đô thị theo hướng văn minh, hiện đại giai đoạn 2021-2025, định hướng 2025-2030 và tầm nhìn đến năm 2045 cụ thể:

- Nhiệm vụ và giải pháp 1: Rà soát, quy hoạch không gian, quỹ đất nhằm phục vụ phát triển dịch vụ chất lượng cao.

[...]