Quyết định 817/QĐ-TTg năm 2020 về phê duyệt mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu phát triển thành phố Việt Trì trở thành thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 817/QĐ-TTg
Ngày ban hành 12/06/2020
Ngày có hiệu lực 12/06/2020
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Vũ Đức Đam
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị,Văn hóa - Xã hội

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 817/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 12 tháng 6 năm 2020

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT MỤC TIÊU, ĐỊNH HƯỚNG, NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU PHÁT TRIỂN THÀNH PHỐ VIỆT TRÌ TRỞ THÀNH THÀNH PHỐ LỄ HỘI VỀ VỚI CỘI NGUỒN DÂN TỘC VIỆT NAM

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật di sản văn hóa ngày 29 tháng 6 năm 2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật di sản văn hóa ngày 18 tháng 6 năm 2009;

Căn cứ Luật du lịch ngày 19 tháng 6 năm 2017;

Căn cứ Luật quy hoạch ngày 24 tháng 11 năm 2017;

Căn cứ Luật quy hoạch đô thị ngày 17 tháng 6 năm 2009 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quy hoạch đô thị ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Quyết định số 1214/QĐ-TTg ngày 30 tháng 7 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ đến năm 2030;

Xét đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu phát triển thành phố Việt Trì trở thành thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn 2030 như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Xây dựng và phát triển thành phố Việt Trì, bao gồm cả Khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ trở thành thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam theo hướng đồng bộ, bền vững cả về cơ sở hạ tầng kinh tế, hạ tầng xã hội, hội tụ các điều kiện tốt nhất thực hành di sản “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” và các di sản văn hóa vùng đất Tổ đã được UNESCO ghi danh, đáp ứng nguyện vọng và nhu cầu văn hóa tín ngưỡng chính đáng của nhân dân, củng cố tinh thần, sức mạnh đại đoàn kết, đồng lòng, đồng thuận của toàn dân tộc Việt Nam.

2. Tạo dựng và hình thành môi trường văn hóa, môi trường sống đặc trưng vùng đất Tổ: cởi mở, thân thiện, đoàn kết; có quy chế quản lý đô thị văn minh và được thực hiện theo tinh thần “thượng tôn pháp luật”; các thành phần tham gia hoạt động lễ hội bảo đảm chuẩn mực về văn hóa ứng xử, văn hóa thương mại và ý thức gìn giữ an ninh, trật tự an toàn xã hội.

II. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN

1. Phát huy tính tự nguyện, tự quản của người dân, tiến tới người dân là chủ thể thực hiện các nghi lễ; nâng cao ý thức bảo tồn, giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa của địa phương gắn với phát triển du lịch, dịch vụ góp phần tăng thu nhập, tạo công ăn việc làm, nâng cao chất lượng đời sống, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển. Mỗi người dân địa phương cũng như du khách đều là chủ thể thực hành các tập quán, tín ngưỡng thờ cúng Tổ tiên, chủ động và tích cực tham gia bảo vệ, gìn giữ, trao truyền, làm sống động giá trị nguyên bản của các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể của quê hương, đất nước.

2. Tăng dần cơ cấu du lịch dịch vụ trong phát triển kinh tế - xã hội; xử lý tốt môi trường đô thị, an toàn vệ sinh thực phẩm, không có tệ nạn xã hội; cơ sở dịch vụ, thương mại đạt chuẩn, đa dạng đáp ứng nhu cầu của nhân dân cả nước và du khách quốc tế khi hành hương về đất Tổ thực hành nghi lễ “Thờ cúng Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng”. Tạo lập được môi trường sinh thái cũng như môi trường sống thực sự chất lượng và đạt tiêu chí “sáng, xanh, sạch, đẹp, bình yên” thực sự xứng đáng là vùng đất cội nguồn của dân tộc Việt Nam.

3. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội; xây dựng, hoàn thiện các cơ chế chính sách, nhằm tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, hấp dẫn với các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản, xây dựng sản phẩm văn hóa và du lịch. Tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát để bảo đảm thực hiện tốt các nội dung, mục tiêu phát triển văn hóa, du lịch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

4. Khuyến khích hình thành các không gian sáng tạo, các công trình văn hóa nghệ thuật có giá trị cao gắn kết với các hoạt động lễ hội, sinh hoạt văn hóa dân gian và các hoạt động du lịch, bảo đảm đồng bộ, hiện đại, đậm đà bản sc dân tộc.

5. Phát huy tối đa, sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư của Nhà nước, huy động hiệu quả nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển thành phố Việt Trì xứng tầm (quốc gia, quốc tế) trong việc tổ chức các sự kiện giao lưu, diễn xướng các di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO ghi danh.

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Về quy hoạch

a) Hình thành và phát triển không gian lễ hội bảo đảm kết hợp hài hòa với không gian phát triển kinh tế - xã hội, phù hợp với quy hoạch chung thành phố Việt Trì và quy hoạch tỉnh Phú Thọ, trên cơ sở giữ gìn bản săc văn hóa dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

b) Tăng cường phối hợp, tạo sự thống nhất, đồng bộ, liên ngành trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa cho phát triển du lịch; gắn các hoạt động lễ hội với các hoạt động dịch vụ, du lịch. Rà soát các quy hoạch hạ tầng kỹ thuật phân khu, quy hoạch chi tiết đã triển khai trên địa bàn; nghiên cứu điều chỉnh quy mô, hướng tuyến, đồng thời bổ sung một số tuyến đường cấp đô thị, bảo đảm sự liên hệ thông suốt trên toàn mạng lưới.

c) Sắp xếp, bố trí không gian đô thị phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; định hướng, kế hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực trên địa bàn thành phố Việt Trì, nhằm bảo đảm sự phát triển tổng thể và đồng bộ.

2. Khôi phục, duy trì và phát huy các di tích, di sản văn hóa và lễ hội truyền thống

a) Nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học về các giá trị văn hoá và giá trị các lễ hội truyền thống của lễ hội; xây dựng kế hoạch, chương trình, đổi mới phương thức tổ chức lễ hội, nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động lễ hội phù hợp với thực tiễn phát triển của xã hội. Tiếp tục nghiên cứu, nhận diện, kiểm kê sự phát triển của di sản văn hóa Hát Xoan Phú Thọ.

[...]