Kế hoạch 4611/KH-UBND năm 2023 thực hiện Chương trình hành động 53-CTr/TU về thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do tỉnh Lâm Đồng ban hành

Số hiệu 4611/KH-UBND
Ngày ban hành 29/05/2023
Ngày có hiệu lực 29/05/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Lâm Đồng
Người ký Trần Văn Hiệp
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4611/KH-UBND

Lâm Đồng, ngày 29 tháng 5 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG SỐ 53-CTR/TU NGÀY 10/3/2023 CỦA TỈNH ỦY VỀ THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 29-NQ/TW NGÀY 17/11/2022 CỦA BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG VỀ TIẾP TỤC ĐẨY MẠNH CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA ĐẤT NƯỚC ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2045

Thực hiện Chương trình hành động số 53-CTr/TU ngày 10/3/2023 của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XIII) về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (sau đây viết tắt là Chương trình hành động số 53-CTr/TU), Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện cụ thể, như sau:

I. Mục đích, yêu cầu:

1. Mục đích:

1.1. Tuyên truyền, quán triệt, nhận thức đầy đủ, và triển khai thực hiện có hiệu quả các quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, tầm nhìn và nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tại Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XIII) về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (sau đây viết tắt là Nghị quyết số 29-NQ/TW); tạo sự đồng thuận, nhất trí cao trong nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân trong việc quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết đề ra.

1.2. Quán triệt, chỉ đạo các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố tập trung tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, kịp thời, có hiệu quả Chương trình hành động số 53-CTr/TU; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, lấy con người là trung tâm, doanh nghiệp là chủ thể, bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường; gắn kết chặt chẽ và đồng bộ với quá trình đô thị hóa, xây dựng nông thôn mới, đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển dịch cơ cấu lao động.

1.3. Thực hiện tốt vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội, xã hội nghề nghiệp và nhân dân trong xây dựng và giám sát việc thực hiện các chính sách phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

2. Yêu cầu:

2.1. Trong quá trình thực hiện, yêu cầu các cấp, các ngành, địa phương và cơ quan, đơn vị liên quan phải nghiêm túc quán triệt, nhận thức đầy đủ, sâu sắc quan điểm chỉ đạo, mục tiêu và tầm nhìn về việc tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo Nghị quyết số 29-NQ/TW.

2.2. Các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch thuộc phạm vi quản lý của sở, ban, ngành và địa phương để cụ thể hóa mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cần thực hiện để triển khai Nghị quyết số 29-NQ/TW và Chương trình hành động số 53-CTr/TU phù hợp với điều kiện thực tế của ngành, địa phương; đảm bảo triển khai một cách kịp thời, đồng bộ, đảm bảo tính khả thi, hiệu quả của các nhiệm vụ, giải pháp đề ra.

2.3. Huy động tối đa các nguồn lực từ ngân sách nhà nước, kết hợp với nguồn lực xã hội hóa và các nguồn lực hợp pháp khác để đầu tư cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

II. MỤC TIÊU, CHỈ TIÊU:

1. Mục tiêu đến năm 2030:

Tỉnh Lâm Đồng hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cơ bản có nền công nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, có tính cạnh tranh cao, một số sản phẩm công nghiệp có sức cạnh tranh quốc tế, nâng cao tỷ trọng công nghiệp trong cơ cấu kinh tế. Nông nghiệp phát triển nhanh, hiện đại, ứng dụng mạnh mẽ khoa học, công nghệ tiên tiến, gắn với bảo vệ và phục hồi hệ sinh thái cảnh quan thiên nhiên. Các ngành dịch vụ được cơ cấu lại đồng bộ, hiệu quả trên nền tảng công nghệ hiện đại, công nghệ số với chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh được nâng cao, hình thành các dịch vụ mới, có giá trị cao. Phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự trở thành nền tảng của công nghiệp hóa, hiện đại hóa, là một khâu đột phá quan trọng để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

2. Một số chỉ tiêu đến năm 2030:

2.1. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt khoảng 7,5 - 8,5%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 135 triệu đồng, tương đương 5.100 USD.

2.2. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt 13% - 14,5%/năm; tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 14,7% - 16,5%/năm và chiếm khoảng 65% cơ cấu ngành công nghiệp.

2.3. Tỷ trọng thương mại điện tử đạt trên 20% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh; 45% doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia kinh doanh trên các sàn giao dịch thương mại điện tử có tích hợp chức năng đặt hàng trực tuyến.

2.4. Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 32,1%; tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động dưới 20%; tỷ lệ người dân trong độ tuổi lao động được đào tạo kỹ năng số cơ bản đạt trên 80%.

2.5. Tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 58,8%. Phấn đấu đạt được các chỉ tiêu về sử dụng hiệu quả tài nguyên (đất, nước, khoáng sản).

3. Tầm nhìn đến năm 2045:

Tỉnh Lâm Đồng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; hệ thống kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ. Phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường và quốc phòng, an ninh; người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm vững chắc; tổ chức đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; khối đại đoàn kết toàn dân tộc được tăng cường.

III. Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu:

1. Đổi mới tư duy, nhận thức và hành động quyết liệt, tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa:

1.1. Quán triệt, tuyên truyền sâu rộng những quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo Nghị quyết số 29-NQ/TW và Chương trình hành động số 53-CTr/TU; nâng cao nhận thức các tổ chức đảng, chính quyền, doanh nghiệp và người dân; tuyên truyền gắn kết mục tiêu, nhiệm vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước với xây dựng và thực hiện luật pháp, chính sách, hệ thống quy hoạch quốc gia và các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch liên quan; tạo sự đồng thuận trong thực hiện nhiệm vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong bối cảnh và điều kiện mới của địa phương.

1.2. Các sở, ban, ngành, địa phương và cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng nội dung và phương pháp tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các Nghị quyết, Chương trình, Kế hoạch phải phù hợp, thiết thực và hiệu quả; xác định nội dung cốt lõi của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa giai đoạn 2021 - 2030 để thúc đẩy ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là thành tựu cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tạo ra bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của các ngành, lĩnh vực và cả nền kinh tế; giai đoạn 2031 - 2045, nâng cao chất lượng công nghiệp hóa và đẩy mạnh hiện đại hóa toàn diện tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế và đời sống xã hội.

1.3. Tiếp tục huy động, tập trung nguồn lực triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình hành động số 48-CTr/TU ngày 30/12/2022 của Tỉnh ủy và Kế hoạch số 10075/KH-UBND ngày 30/12/2022 của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 06/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh.

[...]