Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Kế hoạch 139/KH-UBND năm 2023 thực hiện Chương trình hành động 21-CTr/TU thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do thành phố Hà Nội ban hành

Số hiệu 139/KH-UBND
Ngày ban hành 09/05/2023
Ngày có hiệu lực 09/05/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Hà Nội
Người ký Trần Sỹ Thanh
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 139/KH-UBND

Hà Nội, ngày 09 tháng 5 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG SỐ 21-CTR/TU NGÀY 02/02/2023 CỦA THÀNH ỦY HÀ NỘI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 29-NQ/TW NGÀY 17/11/2022 CỦA BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG VỀ TIẾP TỤC ĐẨY MẠNH CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA ĐẤT NƯỚC ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2045

Triển khai thực hiện Chương trình hành động số 21-CTr/TU ngày 02/02/2023 của Thành ủy Hà Nội thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 của Ban chấp hành Trung ương về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (sau đây gọi tắt là Chương trình hành động 21-CTr/TU), UBND Thành phố ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chương trình hành động số 21-CTr/TU ngày 02/02/2023 của Thành ủy Hà Nội. Tiếp tục đổi mới tư duy, tạo sự thống nhất cao trong nhận thức và hành động ở tất cả các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên và Nhân dân Thủ đô, quyết tâm đưa Nghị quyết số 29-NQ/TW đi vào cuộc sống, cùng với cả nước, Thủ đô Hà Nội sẽ đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo đúng mục tiêu, quan điểm mà Nghị quyết đã đề ra; nâng cao nhận thức, phát huy ý thức trách nhiệm, quyết tâm chính trị, tinh thần tự giác, gương mẫu từ Thành phố đến cơ sở, cơ quan, tổ chức, cán bộ, đảng viên và nhân dân Thủ đô; Xác định nội dung cốt lõi của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô giai đoạn 2021-2030 là thúc đẩy ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo sự bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của các ngành, lĩnh vực và cả nền kinh tế.

2. Cụ thể hóa đầy đủ quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình hành động số 21-CTr/TU của Thành ủy gắn với các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp được đề ra tại các chương trình hành động của Thành ủy: số 14-CTr/TU ngày 31/5/2021 thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ Thành phố; số 16-CTr/TU ngày 26/8/2022 thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.

3. Cụ thể hóa các tiêu chí đánh giá kết quả công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên địa bàn Thủ đô; xác định rõ nội dung công việc gắn với phân công nhiệm vụ cụ thể và gắn với trách nhiệm đối với tất cả các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên trong việc triển khai thực hiện Chương trình hành động số 21-CTr/TU của Thành ủy theo lộ trình phù hợp; đồng thời có các giải pháp tổ chức triển khai khoa học, quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả nỗ lực phấn đấu cao nhất để góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.

II. CHỈ TIÊU CHỦ YẾU

Các chỉ tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô gồm 26 chỉ tiêu (07 chỉ tiêu về trình độ phát triển kinh tế; 09 chỉ tiêu về trình độ phát triển văn hóa, xã hội; 05 chỉ tiêu về trình độ phát triển đô thị; 04 chỉ tiêu về trình độ bảo vệ và quản lý môi trường) kèm phân công thực hiện tại Phụ lục số 01 đính kèm.

III. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Tiếp tục đổi mới tư duy, nhận thức và hành động quyết liệt, tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa

Các Sở, ban, ngành Thành phố và UBND các quận, huyện, thị xã: Tập trung quán triệt, tuyên truyền Nghị quyết của Trung ương, tạo sự thống nhất cao trong nhận thức ở tất cả các cấp chính quyền, doanh nghiệp và người dân Thủ đô về:

- Các quan điểm, gắn kết các mục tiêu, nhiệm vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa với xây dựng và thực hiện chính sách pháp luật, quy hoạch, kế hoạch liên quan.

- Thực hiện phân công, phân cấp triệt để trong quản lý nhà nước về phát triển, bảo đảm nguyên tắc một cơ quan thực hiện nhiều việc, một việc chỉ giao một cơ quan chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính.

- Nội dung cốt lõi của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng là thúc đẩy ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo ra sự bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của các ngành, lĩnh vực. Đến năm 2030, Hà Nội cùng cả nước cơ bản đạt được các tiêu chí của nước công nghiệp, là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, đời sống của Nhân dân được nâng cao.

- Cùng với cả nước, xây dựng nền công nghiệp vững mạnh với năng lực sản xuất mới, tự chủ, khả năng thích ứng, chống chịu cao, từng bước làm chủ công nghệ lõi, công nghệ nền của các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn.

- Thực hiện chuyển đổi số toàn diện, thực chất, hiệu quả, bền vững, nâng cao năng lực tự chủ về sản xuất, công nghệ và thị trường. Chuyển dịch cơ cấu nội ngành công nghiệp sang các ngành có tính nền tảng, ưu tiên, mũi nhọn, có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao.

- Chuyển đổi các ngành công nghiệp thâm dụng tài nguyên, năng lượng sang các ngành công nghiệp xanh, công nghiệp phát thải các bon thấp.

- Đến năm 2045, tập trung nâng cao chất lượng công nghiệp hóa, hiện đại hóa toàn diện trên các lĩnh vực của nền kinh tế và đời sống xã hội.

2. Xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô

(1) Sở Tư pháp chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan:

Đẩy nhanh việc xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) theo nguyên tắc chỉ đưa vào vấn đề đặc thù vượt trội hoặc chưa có trong các luật khác, đảm bảo nguyên tắc không trái Hiến pháp và Tự chủ tự chịu trách nhiệm đối với nguồn thu được phân cấp; thí điểm một số các chủ trương đã đề ra tại các Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 26/01/2022 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương, cụ thể là Thành phố được “… Nghiên cứu áp dụng thí điểm mô hình đầu tư công - quản trị tư, đầu tư tư - sử dụng công”, “… Tăng cường cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ cho một số tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân trong nước có qui mô lớn có đủ năng lực thực hiện một số nhiệm vụ có tính chiến lược dẫn dắt quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa”. Trao quyền cho Thủ đô xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn, qui chuẩn, định mức thiết kế, kinh tế kỹ thuật. Tăng cường cho Thủ đô thẩm quyền, trách nhiệm giải quyết công việc phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ đặc thù của Thủ đô, trọng tâm là các lĩnh vực đầu tư, tài chính, quy hoạch, đất đai, quản lý trật tự xây dựng, giao thông, môi trường, dân cư, tổ chức bộ máy, biên chế. Thí điểm, tiến tới mở rộng phân cấp cho Thủ đô đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện được quyết định một số khoản thu đặc thù gắn với yêu cầu tăng cường trách nhiệm cung cấp dịch vụ đô thị. Nghiên cứu, đề xuất các điều khoản ưu tiên áp dụng so với các Luật khác...

(2) Các Sở, ban, ngành Thành phố chủ trì:

- Chủ động nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kỹ thuật của các ngành, lĩnh vực sát với thực tiễn và đặc thù của Thủ đô tiệm cận với chuẩn mực quốc tế.

- Xây dựng và hoàn thiện các cơ chế, chính sách thực hiện chuyển đổi năng lượng xanh, bền vững, bảo đảm an ninh năng lượng; Thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao cho các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp mũi nhọn, công nghiệp chủ lực.

- Xây dựng và hoàn thiện các cơ chế, chính sách để tạo đột phá về phát triển hạ tầng đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông vận tải, hạ tầng công nghệ thông tin. Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn đồng bộ, kết nối với đô thị, nhất là khu vực ven đô, từng bước tiệm cận về điều kiện hạ tầng khu vực đô thị.

(3) Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan:

- Xây dựng cơ chế khuyến khích (bao gồm cả cơ chế, chính sách ưu đãi về tài chính) cho phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho nghiên cứu và triển khai.

[...]