Kế hoạch 7175/KH-UBND năm 2022 thực hiện Chương trình hành động 29-CTr/TU về thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TW về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng

Số hiệu 7175/KH-UBND
Ngày ban hành 22/09/2022
Ngày có hiệu lực 22/09/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Lâm Đồng
Người ký Trần Văn Hiệp
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 7175/KH-UBND

Lâm Đồng, ngày 22 tháng 9 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG SỐ 29-CTR/TU NGÀY 15/6/2022 CỦA TỈNH ỦY VỀ THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 06-NQ/TW NGÀY 24/01/2022 CỦA BỘ CHÍNH TRỊ VỀ QUY HOẠCH, XÂY DỰNG, QUẢN LÝ VÀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG ĐÔ THỊ VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2045 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÂM ĐỒNG

Triển khai Chương trình hành động số 29-CTr/TU của ngày 15/6/2022 của Tỉnh ủy Lâm Đồng về thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng; phát huy tính chủ động, sáng tạo, trách nhiệm cao của chính quyền và các cơ quan chuyên môn; huy động sự vào cuộc của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể trong việc nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân về quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị tại tỉnh Lâm Đồng.

2. Cụ thể hóa các quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, tầm nhìn, giải pháp trong Chương trình hành động số 29-CTr/TU ngày 15/6/2022 của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Xác định rõ nhiệm vụ của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương; nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu trong tổ chức triển khai thực hiện.

3. Tổ chức triển khai kịp thời, đồng bộ, hiệu quả, khả thi, phù hợp với đặc điểm tình hình, điều kiện thực tế của tỉnh và các địa phương liên quan; phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị; có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị trong thực hiện kế hoạch theo tiến độ đề ra.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

a) Nâng cao nhận thức của chính quyền các cấp về tầm quan trọng của công tác quy hoạch xây dựng, quản lý phát triển đô thị, tư duy lý luận và phương pháp quy hoạch đô thị đúng định hướng, bám sát thực tiễn; bảo đảm quy hoạch đô thị phải có tầm nhìn dài hạn, đồng bộ và hiện đại, lấy con người và chất lượng cuộc sống làm trung tâm; văn hóa và văn minh đô thị làm nền tảng phát triển; kết hợp hài hoà giữa quá trình đô thị hoá, phát triển đô thị với công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng nông thôn mới và quản lý phát triển xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

b) Triển khai các cơ chế, chính sách với giải pháp có tính đột phá vượt trội cho phát triển đô thị bền vững, thúc đẩy kinh tế khu vực đô thị tăng trưởng nhanh, hiệu quả. Bảo đảm kết hợp đồng bộ và hài hoà giữa cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị với phát triển các đô thị mới, bảo đảm kiến trúc đô thị hiện đại, giàu bản sắc, các yếu tố văn hóa đặc trưng được giữ gìn và phát huy; phát triển mạnh mẽ liên kết ngành, liên kết vùng và lợi thế kết nối đa chiều của các đô thị.

c) Phát triển hệ thống đô thị Lâm Đồng bền vững theo mạng lưới, phân bổ hợp lý, phù hợp giữa 03 phân vùng đô thị của tỉnh; bảo đảm đồng bộ, thống nhất, cân đối giữa nội vùng và ngoại vùng, gắn kết Lâm Đồng với các tỉnh Tây Nguyên và vùng Duyên hải Nam Trung bộ có kết nối với các trung tâm kinh tế; phát triển các đô thị có chức năng tổng hợp với quy mô và dân số ở mức hợp lý theo hướng đô thị xanh, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai và dịch bệnh; tăng cường tính kết nối cao giữa các đô thị trong vùng tỉnh Lâm Đồng và với các đô thị ngoài vùng. Lựa chọn các đô thị, khu chức năng, khu dân cư có lợi thế đặc biệt để xây dựng thành các trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, dịch vụ trở thành những đô thị chức năng có động lực phát triển trong vùng, đồng thời kéo theo phát triển dân cư đô thị.

d) Tập trung ưu tiên thực hiện mục tiêu về phát triển đô thị theo đúng chiến lược, chương trình phát triển đô thị toàn tỉnh, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm của tỉnh và của từng địa phương.

đ) Phát huy và khai thác nguồn lực từ đầu tư phát triển đô thị và nguồn lực từ xã hội, đặc biệt là nguồn lực từ đất đai cho phát triển đô thị; trong đó, đầu tư công đóng vai trò dẫn dắt, kết hợp, tạo mọi điều kiện và khuyến khích các khu vực kinh tế, nhất là kinh tế tư nhân tham gia đầu tư phát triển đô thị. Xử lý nghiêm minh đối với các sai phạm trong thực hiện quy định pháp luật về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị, đảm bảo nguyên tắc sử dụng hợp lý nguồn lực đất đai.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Tỷ lệ đô thị hoá đến năm 2025 đạt trên 54%, đến năm 2030 đạt trên 58,8%. Tỷ lệ đất xây dựng đô thị trên tổng diện tích đất tự nhiên toàn tỉnh đạt khoảng 1,5÷2% vào năm 2025, đến năm 2030 đạt khoảng 2,5%.

b) Đến năm 2025, toàn tỉnh dự báo có 19 đô thị (tăng 04 đô thị)[1].

c) Đến năm 2030, tổ chức phân loại đô thị (19 đô thị) giai đoạn trước[2].

d) Tập trung huy động nguồn lực phát triển các đô thị gắn với động lực của từng vùng[3]; gắn phát triển đô thị với xây dựng nông thôn mới, từng bước xây dựng các đô thị xanh, thông minh.

đ) Tỷ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đô thị đạt 08÷12% năm 2025 và 12÷20% năm 2030; tỷ lệ cấp nước đô thị trên 80% năm 2025 và trên 90% năm 2030; tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn đô thị đạt trên 95% năm 2025 và 100% trước năm 2030. Diện tích cây xanh bình quân trên mỗi người dân đô thị đạt khoảng 08÷10 m2 năm 2025 và khoảng 115 m2 năm 2030; diện tích sàn nhà ở bình quân đầu người tại khu vực đô thị đạt tối thiểu 28 m2 năm 2025 và đến năm 2030 đạt tối thiểu 32 m2.

e) Đến năm 2025, 100% các đô thị hiện có và đô thị mới có quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, chương trình cải tạo, chỉnh trang, tái thiết và phát triển đô thị; bảo đảm 100% đô thị loại III trở lên hoàn thiện tiêu chí phân loại đô thị về cơ sở hạ tầng đô thị, nhất là hạ tầng về y tế, giáo dục - đào tạo và công trình văn hóa cấp đô thị.

g) Đến năm 2025, cơ sở hạ tầng mạng ứng dụng băng thông rộng cáp quang phủ sóng trên 80% hộ gia đình tại đô thị, phổ cập dịch vụ mạng di động 4G, 5G và điện thoại thông minh; tỷ lệ dân số trưởng thành tại đô thị có tài khoản thanh toán điện tử trên 50%. Định hướng đến năm 2030, phổ cập dịch vụ ứng dụng mạng Internet băng thông rộng cáp quang, phổ cập dịch vụ mạng di động 5G, tỷ lệ dân số trưởng thành tại đô thị có tài khoản thanh toán điện tử trên 80%, tỷ lệ trạm thu phát sóng di động có yếu tố thân thiện môi trường, dùng chung hạ tầng đạt 35÷40%.

h) Kinh tế khu vực đô thị đóng góp vào GRDP toàn tỉnh khoảng 75% vào năm 2025 và khoảng 85% vào năm 2030.

i) Tầm nhìn đến năm 2045: hệ thống đô thị liên kết thành mạng lưới đồng bộ, thống nhất, cân đối giữa các vùng, miền, có khả năng chống chịu, thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ môi trường, kiến trúc tiêu biểu giàu bản sắc, xanh, hiện đại, thông minh. Cơ cấu kinh tế khu vực đô thị phát triển theo hướng hiện đại với các ngành kinh tế xanh, kinh tế số chiếm tỉ trọng lớn, tỉnh Lâm Đồng đạt tiêu chí thành phố trực thuộc Trung ương (Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh, lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025).

III. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Hoàn thiện cơ chế, chính sách tạo thuận lợi cho quá trình đô thị hoá, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững

a) Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các ngành và địa phương:

- Tham mưu hoàn thiện quy hoạch tỉnh thời kỳ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; giải pháp ưu tiên cho phát triển theo hướng thông minh, bền vững, ứng phó biến đổi khí hậu và kinh tế xanh, đặc biệt là tại các thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc, các huyện: Đức Trọng, Di Linh và Đạ Huoai; tạo thuận lợi cho các địa phương trong xử lý các vấn đề liên ngành, liên vùng về đầu tư vào kết cấu hạ tầng vùng và hạ tầng dùng chung, đặc biệt tại các khu công nghiệp; hoàn thiện cơ chế và giải pháp điều phối và kiểm soát đối với công tác quy hoạch, khắc phục tình trạng chồng chéo, lãng phí trong quy hoạch.

[...]