Kế hoạch 1520/KH-UBND năm 2023 thực hiện Chương trình hành động 24-CTr/TU thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do tỉnh Quảng Bình ban hành

Số hiệu 1520/KH-UBND
Ngày ban hành 31/07/2023
Ngày có hiệu lực 31/07/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Bình
Người ký
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1520/KH-UBND

Quảng Bình, ngày 31 tháng 7 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG SỐ 24-CTR/TU NGÀY 12/4/2023 CỦA BAN THƯỜNG VỤ TỈNH ỦY VỀ THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 29-NQ/TW NGÀY 17/11/2022 CỦA BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG VỀ TIẾP TỤC ĐẨY MẠNH CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA ĐẤT NƯỚC ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2045.

Thực hiện Chương trình hành động số 24-CTr/TU ngày 12/4/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Chương trình hành động của Ban Thường vụ Tỉnh ủy) và Kế hoạch số 13-KH/TW ngày 28/11/2022 của Bộ Chính trị thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW; UBND tỉnh Quảng Bình xây dựng Kế hoạch thực hiện về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Cụ thể hóa Chương trình hành động của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, triển khai thực hiện có hiệu quả, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của các cấp ủy đảng, chính quyền, doanh nghiệp và nhân dân trong đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

2. Yêu cầu

- Việc triển khai thực hiện Chương trình hành động của Ban Thường vụ Tỉnh ủy phải được thực hiện nghiêm túc, thiết thực và hiệu quả, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của toàn xã hội; các chương trình, đề án, giải pháp thực hiện phải bảo đảm tính khả thi và phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh; xác định rõ công nghiệp hóa, hiện đại hóa là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên cần quan tâm tập trung chỉ đạo trong chiến lược phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

- Các cấp, các ngành trên cơ sở chức năng nhiệm vụ được phân công đề cao trách nhiệm, triển khai thực hiện Kế hoạch có hiệu quả.

- Trong quá trình triển khai thực hiện phải bám sát quan điểm, mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ và giải pháp Nghị quyết của Trung ương và Chương trình hành động của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát, kịp thời khắc phục khó khăn, vướng mắc, đảm bảo việc triển khai thực hiện các nội dung, nhiệm vụ đạt hiệu quả, chất lượng và đúng tiến độ Kế hoạch đề ra.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát đến năm 2030

Xây dựng Quảng Bình trở thành tỉnh có nền kinh tế năng động, phát triển khá của khu vực miền Trung, với mũi nhọn là ngành dịch vụ và du lịch; công nghiệp sạch, năng lượng tái tạo; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sinh thái, trách nhiệm, bền vững. Hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội được đầu tư đồng bộ, hiện đại. Đời sống vật chất, văn hóa và tinh thần Nhân dân được nâng cao. Giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Nâng cao năng lực phòng chống thiên tai, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường sinh thái.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2030

- Tốc độ tăng GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2030 từ 8,4-8,8%/năm. Thu nhập bình quân đầu người đến năm 2030 đạt gần 150 triệu đồng.

- Tỷ trọng cơ cấu các ngành kinh tế trong GRDP: Công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 38 - 38,5%; dịch vụ chiếm khoảng 45 - 45,5%; nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm khoảng 12,5 - 13%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp chiếm khoảng 3,5 - 4%.

- Giá trị sản xuất ngành công nghiệp - xây dựng tăng bình quân 14 - 14,5%/năm; dịch vụ tăng bình quân 7,5 - 8%/năm; nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng bình quân 3,5 - 4%/năm.

- Tỷ trọng kinh tế số trong GRDP chiếm 25%.

- Tỷ lệ lao động qua đào tạo trong tổng số lao động đang làm việc trong nền kinh tế đạt trên 75%, trong đó đào tạo có bằng, chứng chỉ đạt 36%.

- Tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 38%; 100% đô thị trực thuộc tỉnh đạt cơ bản nền tảng về đô thị thông minh.

3. Tầm nhìn đến năm 2045

Phấn đấu đưa Quảng Bình trở thành một nền kinh tế phát triển năng động của miền Trung và cả nước, là điểm kết nối quan trọng trong ngã tư kinh tế Bắc - Nam, Đông - Tây. Phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, nhất là các giá trị độc đáo, nổi bật toàn cầu của Di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng; định vị là điểm đến hàng đầu trên bản đồ du lịch Đông Nam Á với hệ thống hang động hùng vĩ, hệ sinh thái đa dạng, các giá trị văn hóa phong phú, là một trong những điểm đến nghỉ dưỡng và giải trí thể thao cao cấp hàng đầu của Việt Nam gắn với lợi ích cộng đồng và phát triển du lịch bền vững.

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Đổi mới tư duy, nhận thức và hành động quyết liệt, tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước

Các Sở, ngành, địa phương:

- Xác định công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước giai đoạn 2021 - 2030 là thúc đẩy ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo ra bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của các ngành, lĩnh vực; thực hiện chuyển đổi số toàn diện, thực chất, hiệu quả, bền vững; chuyển dịch cơ cấu nội ngành công nghiệp sang các ngành có tính nền tảng, ưu tiên, mũi nhọn, có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao; chuyển đổi dần các ngành công nghiệp sử dụng tài nguyên, năng lượng sang các ngành công nghiệp xanh, công nghiệp phát thải cácbon thấp; cơ cấu lại các ngành nông nghiệp và dịch vụ dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại, công nghệ số, phát triển các loại dịch vụ mới có tính liên ngành và giá trị gia tăng cao, các ngành dịch vụ du lịch, để phát triển du lịch thực sự trở thành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, đẩy nhanh dịch vụ hóa các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Giai đoạn 2031 - 2045, tập trung nâng cao chất lượng công nghiệp hóa và đẩy mạnh hiện đại hóa toàn diện trên tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế và đời sống xã hội.

- Nâng cao nhận thức, chuyển biến mạnh mẽ trong hành động của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể, doanh nghiệp và người dân về vai trò, tầm quan trọng của công nghiệp hóa, hiện đại hóa; xây dựng nội dung, phương pháp tuyên truyền, giáo dục phù hợp với từng đối tượng, bảo đảm thiết thực, hiệu quả; cụ thể hóa các quan điểm, gắn kết các mục tiêu, nhiệm vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa với thực hiện luật pháp và xây dựng chính sách, quy hoạch, kế hoạch liên quan. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, gắn trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy và chính quyền các ngành, các cấp trong tổ chức thực hiện.

2. Hoàn thiện các chính sách thu hút đầu tư, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước

[...]