Kế hoạch 45/KH-UBND năm 2021 thực hiện Quyết định 2060/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa

Số hiệu 45/KH-UBND
Ngày ban hành 10/03/2021
Ngày có hiệu lực 10/03/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Thanh Hóa
Người ký Đỗ Minh Tuấn
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 45/KH-UBND

Thanh Hóa, ngày 10 tháng 3 năm 2021

 

KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG

THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 2060/QĐ-TTG NGÀY 12/12/2020 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT CHIẾN LƯỢC QUỐC GIA BẢO ĐẢM TRẬT TỰ, AN TOÀN GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ GIAI ĐOẠN 2021-2030 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2045 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THANH HÓA

Thực hiện Quyết định số 2060/QĐ-TTg ngày 12/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược quốc gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045, UBND tỉnh ban hành kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược với các nội dung như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Triển khai thực hiện có hiệu quả Chiến lược quốc gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045 (sau đây gọi tắt là Chiến lược) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2060/QĐ- TTg ngày 12/12/2020.

- Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước và hoạt động thực thi pháp luật trong lĩnh vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; xác định cụ thể các giải pháp để triển khai thực hiện Chiến lược theo từng giai đoạn và trách nhiệm của các cơ quan, ban, ngành, đơn vị có liên quan trong việc thực hiện các giải pháp.

- Tiếp tục đổi mới, sáng tạo và triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh để hàng năm giảm từ 5% - 10% số người chết và bị thương do tại nạn giao thông đường bộ một cách bền vững, tiến tới xây dựng một xã hội có hệ thống giao thông an toàn, thông suốt, thuận tiện, hiệu quả và thân thiện môi trường.

- Nâng cao nhận thức và ý thức tự giác chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông của người tham gia giao thông, xây dựng văn hóa giao thông an toàn trong mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thanh, thiếu niên.

2. Yêu cầu

- Kế hoạch hành động bảo đảm tính khả thi, phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh, đáp ứng yêu cầu của Chiến lược đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

- Các cơ quan, ban, ngành, đơn vị có liên quan chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện đảm bảo trật tự, an toàn giao thông hàng năm theo chức năng, nhiệm vụ, điều kiện thực tiễn của đơn vị, địa phương mình; chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh.

- Phổ biến, quán triệt nhiệm vụ đến từng cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức và người thực thi công vụ về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; gắn trách nhiệm của cá nhân người đứng đầu theo Quyết định số 01/2021/QĐ-UBND ngày 28/01/2021 của UBND tỉnh với kết quả thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông của cơ quan, đơn vị.

II. NỘI DUNG HOẠT ĐỘNG

1. Về tuyên truyền, giáo dục về an toàn giao thông

a) Triển khai thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông qua các phương tiện thông tin đại chúng và qua hệ thống thông tin cơ sở (xây dựng các chương trình phát thanh phù hợp với đặc điểm vùng miền, tôn giáo, bằng ngôn ngữ của nhiều dân tộc để truyền thông tại cơ sở, phát trên hệ thống loa truyền thanh của cơ sở) theo Kế hoạch số 218/KH-UBND ngày 12/10/2020 của UBND tỉnh về việc triển khai Đề án tuyên truyền về an toàn giao thông trên các phương tiện thông tin đại chúng và hệ thống thông tin cơ sở giai đoạn 2020 - 2025 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

b) Nghiên cứu triển khai việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông qua các nền tảng công nghệ thông tin (internet, mạng xã hội, điện thoại thông minh, các công cụ hình ảnh trực quan, các ứng dụng trò chơi) .

c) Đẩy mạnh việc giáo dục an toàn giao thông trong trường học như:

- Đổi mới hình thức, phương pháp giảng dạy, đưa nội dung giáo dục pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, văn hóa giao thông, kỹ năng tham gia giao thông an toàn vào trong chương trình chính khóa, trong các hoạt động trải nghiệm, hoạt động ngoài giờ lên lớp cho học sinh, sinh viên; tăng cường phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong công tác giáo dục an toàn giao thông cho học sinh.

- Đưa chương trình giáo dục an toàn giao thông vào các trường đại học, cao đẳng, trung cấp, trường nghề; các trường đại học, trường nghề nghiên cứu, xây dựng chương trình đào tạo các ngành, chuyên ngành, bộ môn khoa học thuộc lĩnh vực bảo đảm an toàn giao thông.

d) Đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến các tiêu chí, hành vi văn hóa giao thông. Tổ chức vận động xây dựng văn hóa giao thông trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

e) Tổ chức tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức, phẩm chất của lực lượng thực thi pháp luật về trật tự, an toàn giao thông.

f) Thường xuyên tuyên truyền cho các lái xe trong đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, đặc biệt là lái xe tải và xe khách liên tỉnh. Tập huấn kiến thức pháp luật giao thông, kỹ năng và đạo đức nghề nghiệp cho các lái xe; gắn trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe ô tô trong việc thực hiện nhiệm vụ này.

g) Đưa nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật và chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông vào sinh hoạt thường xuyên của các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức tôn giáo. Tiếp tục đưa việc chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông là một tiêu chí đánh giá chất lượng của tổ chức đoàn thể, cán bộ, công chức, viên chức, hội viên và là một tiêu chuẩn đánh giá đạo đức cuối năm của học sinh, sinh viên.

h) Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân (đặc biệt là tại các đô thị) sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng, góp phần giảm ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông.

i) Triển khai “Năm an toàn giao thông”, “Tháng cao điểm an toàn giao thông” và tuyên truyền vào dịp Tết, lễ, hội theo chuyên đề cụ thể.

2. Về quản lý, thể chế, chính sách

a) Rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung và triển khai khai kịp thời, đầy đủ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về đường bộ, công trình kết cấu hạ tầng giao thông theo hướng tiếp cận, ứng dụng công nghệ hiện đại trong tổ chức giao thông.

[...]