Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Kế hoạch 2823/KH-UBND năm 2016 triển khai Chương trình trọng tâm công tác cải cách tư pháp giai đoạn 2016-2021 trên địa bàn tỉnh Hà Nam

Số hiệu 2823/KH-UBND
Ngày ban hành 25/11/2016
Ngày có hiệu lực 25/11/2016
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Hà Nam
Người ký Bùi Quang Cẩm
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2823/KH-UBND

Hà Nam, ngày 25 tháng 11 năm 2016

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI CHƯƠNG TRÌNH TRỌNG TÂM CÔNG TÁC CẢI CÁCH TƯ PHÁP GIAI ĐOẠN 2016 - 2021 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ NAM

Thực hiện Chương trình trọng tâm công tác cải cách tư pháp giai đoạn 2016 - 2021 của Ban Cán sự Đảng Chính phủ (tại Văn bản số 1087-CTr/BCSĐCP ngày 22/9/2016); UBND tỉnh Hà Nam ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình trọng tâm công tác cải cách tư pháp giai đoạn 2016 -  2021 như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Triển khai hiệu quả các Nghị quyết, Kết luận, Kế hoạch của Bộ Chính trị: Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 về “Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020”, Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 về “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020; Kết luận số 92-KL/TW ngày 12/3/2014, Kế hoạch số 35-KH/CCTP ngày 14/3/2014 về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020; Kế hoạch số 38-KH/CCTP ngày 15/8/2014 của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương, Kế hoạch số 90-KH/TU ngày 25/9/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền chủ trương, nhiệm vụ cải cách tư pháp và hoạt động tư pháp, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX; các quy định của Hiến pháp năm 2013, pháp luật về công tác tư pháp và cải cách tư pháp. Nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về vai trò, ý nghĩa của chủ trương cải cách tư pháp trong đời sống xã hội, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường pháp lý ổn định, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

2. Phát huy và nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, cơ quan, địa phương đối với công tác cải cách tư pháp; có lộ trình phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và tình hình thực tiễn của cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp giai đoạn 2016 - 2021.

II. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM

1. Quán triệt và triển khai tổ chức thực hiện các Nghị quyết của Đảng về công tác tư pháp, cải cách tư pháp

Đẩy mạnh công tác quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các Nghị quyết, các văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX; các Kết luận của Bộ Chính trị về công tác tư pháp, cải cách tư pháp; chương trình trọng tâm công tác cải cách tư pháp của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh.

- Cơ quan thực hiện: Các Sở, Ban, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thành phố.

- Thời gian thực hiện: Hàng năm.

2. Tổ chức triển khai tốt các Luật, Pháp lệnh liên quan tới tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp

Chủ động tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các Luật, Pháp lệnh có liên quan tới tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp, chú trọng việc ban hành các Quy chế liên ngành để tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan tư pháp đảm bảo hiệu quả đối với mọi hoạt động.

- Cơ quan thực hiện: Sở Tư pháp phối hợp các Sở, Ban, ngành liên quan.

- Thời gian thực hiện: Năm 2016 và các năm tiếp theo.

3. Đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Cơ quan điều tra Công an tỉnh thực hiện hiệu quả chức năng, nhiệm vụ, trọng tâm là đổi mới tổ chức và hoạt động theo quy định mới của Hiến pháp năm 2013 và các Luật mới về tư pháp đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 10 thông qua thể chế hóa chủ trương cải cách tư pháp, cụ thể:

a) Cơ quan Điều tra của Công an các cấp và Viện Kiểm sát nhân dân các cấp trong tỉnh phối hợp chặt chẽ trong đấu tranh phòng, chống tội phạm. Nâng cao tỷ lệ giải quyết tin báo tố giác tội phạm và chất lượng điều tra, khám phá các vụ án, không để lọt tội phạm, không hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế. Viện Kiểm sát nhân dân các cấp làm tốt chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp. Tập trung nâng cao chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa đảm bảo dân chủ, công khai, bình đẳng, khách quan theo quy định của pháp luật. Đảm bảo cho Hội đồng xét xử ra bản án, quyết định có căn cứ, đúng pháp luật trên cơ sở kết quả thẩm tra chứng cứ và kết quả tranh tụng tại phiên tòa.

- Cơ quan thực hiện: Cơ quan Điều tra - Công an tỉnh phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân và các cơ quan liên quan.

- Thời gian thực hiện: Năm 2016 và các năm tiếp theo.

b) Tòa án nhân dân nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại án. Tập trung làm tốt công tác hòa giải, công tác đối thoại trong giải quyết các vụ việc dân sự, hành chính. Khắc phục triệt để các sai sót trong tố tụng do lỗi chủ quan của cán bộ tư pháp nhất là việc sửa, hủy các bản án, quyết định do lỗi chủ quan của Thẩm phán phải thấp hơn quy định của Tòa án nhân dân tối cao; phấn đấu không để xảy ra việc xét xử oan hoặc bỏ lọt tội phạm. Giải quyết tốt các tranh chấp dân sự, các vụ án hành chính có liên quan đến lĩnh vực đất đai gây bức xúc trong nhân dân; đảm bảo các bản án, quyết định của Tòa án đúng pháp luật, rõ ràng và có tính khả thi. Đổi mới thủ tục hành chính tư pháp nhằm công khai, minh bạch các hoạt động của Tòa án, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi tham gia các hoạt động tại tòa án.

- Cơ quan thực hiện: Tòa án nhân dân phối hợp với các cơ quan liên quan.

- Thời gian thực hiện: Năm 2016 và các năm tiếp theo.

4. Công tác thi hành án

a) Các cơ quan thi hành án dân sự trong tỉnh nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác thi hành án dân sự, thi hành án hành chính; thực hiện nghiêm túc Quy chế phối hợp công tác giữa cơ quan tư pháp và cơ quan thi hành án dân sự địa phương (theo Quyết định số 2153/QĐ-BTP ngày 27/8/2013 của Bộ Tư pháp); nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự các cấp. Giải quyết triệt để các bản án, quyết định của Tòa án về dân sự có hiệu lực pháp luật, nhất là những nhiệm vụ, việc có điều kiện thi hành đảm bảo đạt hoặc vượt các chỉ tiêu đề ra.

- Cơ quan thực hiện: Cục Thi hành án dân sự tỉnh phối hợp với các Sở, ngành, UBND các huyện, thành phố, tổ chức, cá nhân có liên quan.

- Thời gian thực hiện: Năm 2016 và các năm tiếp theo.

b) Các cơ quan thi hành án hình sự làm tốt công tác thi hành án phạt tù cho hưởng án treo, cải tạo không giam giữ. Tăng cường sự kiểm tra, giám sát, duy trì công tác giao ban liên ngành Tòa án - Viện Kiểm sát - Thi hành án để tháo gỡ các vướng mắc, thúc đẩy công tác thi hành án.

- Cơ quan thực hiện: Các Cơ quan thi hành án phối hợp với UBND các cấp, các cơ quan, tổ chức có liên quan.

[...]