Kế hoạch 38-KH/CCTP năm 2014 đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về chủ trương, nhiệm vụ cải cách tư pháp và hoạt động tư pháp do Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp ban hành

Số hiệu 38-KH/CCTP
Ngày ban hành 15/08/2014
Ngày có hiệu lực 15/08/2014
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp
Người ký Trương Tấn Sang
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG  
BAN CHỈ ĐẠO CẢI CÁCH TƯ PHÁP
--------

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
---------------

Số: 38-KH/CCTP

Hà Nội, ngày 15 tháng 8 năm 2014

 

KẾ HOẠCH

ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC THÔNG TIN, TUYÊN TRUYỀN VỀ CHỦ TRƯƠNG, NHIỆM VỤ CẢI CÁCH TƯ PHÁP VÀ HOẠT ĐỘNG TƯ PHÁP

Căn cứ Nghị quyết số 49-NQ/TW, ngày 02-6-2005 của Bộ Chính trị khóa IX về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020; Chương trình trọng tâm công tác cải cách tư pháp giai đoạn 2011-2016; Kết luận số 92-KL/TW, ngày 12-3- 2014 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương ban hành Kế hoạch đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về chủ trương, nhiệm vụ cải cách tư pháp và hoạt động tư pháp (sau đây gọi tắt là Kế hoạch) với nội dung như sau:

I - Mục đích, yêu cầu, phạm vi

1. Mục đích của việc đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về chủ trương, nhiệm vụ cải cách tư pháp và hoạt động tư pháp nhằm:

- Tăng cường hơn nữa sự thống nhất về nhận thức của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp về chủ trương, nhiệm vụ cải cách tư pháp và đổi mới tổ chức, hoạt động tư pháp; nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên về thực hiện các nhiệm vụ cải cách tư pháp theo tinh thần các văn kiện của Đảng; góp phần thúc đẩy và nâng cao hiệu quả cải cách tư pháp.

- Tăng cường sự hiểu biết của người dân, tổ chức đối với chủ trương, nhiệm vụ cải cách tư pháp và hoạt động tư pháp, qua đó tạo sự ủng hộ và tham gia của người dân, tổ chức đối với quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ cải cách tư pháp; củng cố niềm tin của người dân, tổ chức vào chủ trương, pháp luật về cải cách tư pháp và hoạt động của các cơ quan tư pháp.

2. Việc đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền cần đảm bảo các yêu cầu: Thông tin, tuyên truyền phải chính xác, kịp thời, thường xuyên các nhiệm vụ, chủ trương và quan điểm của Đảng về cải cách tư pháp; lựa chọn phạm vi và mức độ thông tin phù hợp, thiết thực, hiệu quả; hình thức tuyên truyền đa dạng, gắn với nhiệm vụ cụ thể; thông tin, tuyên truyền có trọng tâm, trọng điểm, theo từng chuyên đề; phân công rõ trách nhiệm thực hiện, và thực hiện bảo mật thông tin theo đúng quy định.

3. Phạm vi thông tin, tuyên truyền về chủ trương, nhiệm vụ cải cách tư pháp và hoạt động tư pháp trong Kế hoạch này bao gồm: Các vấn đề về đường lối, chủ trương được đề ra trong các văn kiện của Đảng về cải cách tư pháp; mục tiêu, quan điểm, phương hướng, nhiệm vụ của Chiến lược cải cách tư pháp; tình hình và kết quả thực hiện cải cách tư pháp; các kết quả hoạt động tư pháp có liên quan đến việc thực hiện chủ trương, nhiệm vụ cải cách tư pháp.

II - Nội dung thông tin, tuyên truyền

Công tác thông tin, tuyên truyền tập trung vào những vấn đề sau đây:

1. Về chủ trương, nhiệm vụ cải cách tư pháp và hoạt động tư pháp

- Chủ trương, quan điểm, phương hướng, nhiệm vụ cải cách tư pháp được xác định trong Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị và các văn kiện khác của Đảng.

- Kết quả thực hiện cải cách tư pháp hàng năm từ khi có chủ trương, đường lối của Đảng về cải cách tư pháp, trọng tâm là kết quả 08 năm thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị và phương hướng, nhiệm vụ từ nay đến năm 2016; Kết luận số 92-KL/TW ngày 12-3-2014 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.

- Những quy định mới của Hiến pháp năm 2013 thể chế hóa chủ trương cải cách tư pháp như: vị trí, vai trò, nhiệm vụ, quyền hạn của tòa án nhân dân trong thực hiện quyền tư pháp; bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân… các nguyên tắc hiến định về tổ chức và hoạt động tư pháp. Các luật về tổ chức các cơ quan tư pháp, các luật về tố tụng tư pháp và pháp luật có liên quan được Quốc hội thông qua theo tinh, thần cải cách tư pháp.

- Mục đích, yêu cầu và ý nghĩa của việc triển khai thực hiện chủ trương tổ chức Toà án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân theo cấp xét xử không phụ thuộc vào đơn vị hành chính; việc thành lập tòa án nhân dân 4 cấp theo Kết luận số 79-KL/TW và Kết luận số 92-KL/TW của Bộ Chính trị.

- Ý nghĩa, mục đích của các chủ trương, nhiệm vụ lớn, quan trọng về cải cách tư pháp: đổi mới việc tổ chức phiên tòa xét xử, xác định rõ hơn vị trí, quyền hạn, trách nhiệm của người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng theo hướng bảo đảm tính công khai, dân chủ, nghiêm minh; đổi mới mô hình tố tụng theo hưởng kết hợp giữa mô hình tố tụng thẩm vấn và mô hình tố tụng tranh tụng, tăng cường tranh tụng tại phiên tòa và đảm bảo nguyên tắc tranh tụng trong xét xử; việc hoàn thiện cơ chế, nâng cao vị trí, vai trò của Luật sư, đổi mới và tăng cường hoạt động trợ giúp pháp lý để đảm bảo quyền bào chữa của bị can, bị cáo, quyền được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự; nâng cao vai trò, hiệu quả hoạt động của giám định tư pháp và xã hội hóa mạnh mẽ hoạt động bổ trợ tư pháp; tăng cường trách nhiệm, quyền hạn của Tòa án nhân dân và Ủy ban nhân dân địa phương trong công tác thi hành án và thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại tại một số địa phương....

2.Về hoạt động của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương và Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp các Bộ, ngành, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Thông tin về hoạt động của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp và hoạt động cải cách tư pháp của các cơ quan, tổ chức có liên quan ở Trung ương và địa phương:

- Nội dung các phiên họp và hoạt động của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp các Bộ, ngành, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

- Hoạt động của Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo và các Thành viên Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương.

- Tình hình, kết quả triển khai thực hiện các chủ trương, nhiệm vụ cải cách tư pháp và công tác tư pháp của các cơ quan tư pháp ở Trung ương và địa phương, trọng tâm là kết quả thực hiện chủ trương, nhiệm vụ cải cách tư pháp.

III - Hình thức thông tin, tuyên truyền

1. Thực hiện tuyên truyền trực tiếp thông qua hội nghị, hội thảo, tọa đàm về cải cách tư pháp; lồng ghép nội dung về chủ trương, nhiệm vụ cải cách tư pháp và hoạt động tư pháp vào chương trình giảng dạy pháp luật ở các lớp đào tạo, bồi dưỡng của hệ thống trường Đảng, các trường, các cơ sở đào tạo luật, các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nghề nghiệp của các cơ quan tư pháp Trung ương.

2. Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng: Đăng tải các văn bản của Đảng về công tác tư pháp và cải cách tư pháp, các bài viết về công tác tư pháp và cải cách tư pháp trên báo chí, bản tin của các cơ quan Trung ương và địa phương; xây dựng chuyên trang, chuyên mục, số chuyên đề, số phụ đề về công tác tư pháp và cải cách tư pháp. Tổ chức tọa đàm, trả lời phỏng vấn về cải cách tư pháp trên Đài truyền hình Việt Nam, Đài tiếng nói Việt Nam, Truyền hình Thông tấn xã Việt Nam, Đài phát thanh và truyền hình địa phương và các phương tiện truyền thông khác. Xây dựng mục Hỏi - đáp về cải cách tư pháp trong chuyên mục về hoạt động tư pháp và cải cách tư pháp trên Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam để tiếp nhận, phản hồi ý kiến của người dân, tổ chức về các vấn đề liên quan đến chủ trương, nhiệm vụ cải cách tư pháp.

3. Xuất bản các tài liệu nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn về công tác tư pháp và cải cách tư pháp.

4.Thông qua các phiên tòa xét xử công khai, nhất là các phiên tòa xét xử lưu động.

IV - Tổ chức thực hiện

[...]