Báo cáo 238/BC-UBND tổng kết công tác tư pháp năm 2016 và nhiệm vụ, giải pháp công tác năm 2017 do tỉnh Quảng Bình ban hành

Số hiệu 238/BC-UBND
Ngày ban hành 17/11/2016
Ngày có hiệu lực 17/11/2016
Loại văn bản Báo cáo
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Bình
Người ký Nguyễn Tiến Hoàng
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG BÌNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 238/BC-UBND

Quảng Bình, ngày 17 tháng 11 năm 2016

 

BÁO CÁO

TỔNG KẾT CÔNG TÁC TƯ PHÁP NĂM 2016 VÀ NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CÔNG TÁC NĂM 2017

Năm 2016 là năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2016-2020, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã bám sát các chỉ tiêu, mục tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội năm 2016 để tập trung chỉ đạo quyết liệt, tháo gỡ vướng mắc trên các lĩnh vực, các mặt công tác; cùng với sự nỗ lực, phấn đấu của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp trong đó có sự nỗ lực của cố gắng của ngành Tư pháp nên tình hình kinh tế - xã hội năm 2016 của tỉnh cơ bản ổn định. Sản xuất nông nghiệp tiếp tục được đẩy mạnh; sản xuất công nghiệp ổn định và tăng trưởng khá so cùng kỳ; công tác quản lý đầu tư và xây dựng được tập trung chỉ đạo đảm bảo đúng tiến độ, đặc biệt là tập trung chỉ đạo quyết liệt để triển khai thực hiện các dự án trọng điểm; thu ngân sách trên địa bàn đạt khá; các hoạt động trên lĩnh vực văn hóa, xã hội có những chuyển biến tích cực; quốc phòng, an ninh được tăng cường, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước được phát huy.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, trong năm 2016, tỉnh Quảng Bình có nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là sự cố ô nhiễm môi trường biển do công ty TNHH Hưng Nghiệp (Formosa Hà Tĩnh) xả thải làm hải sản chết hàng loạt, tình hình thiên tai, lũ chồng lũ …nên đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình kinh tế xã hội và đời sống của nhân dân trên địa bàn tỉnh. Những khó khăn đó cũng đã ảnh hưởng đến việc triển khai nhiệm vụ chính trị của các cấp, các ngành nói chung và đối với công tác Tư pháp nói riêng.

Phần thứ nhất:

TÌNH HÌNH CÔNG TÁC TƯ PHÁP NĂM 2016

I- TÌNH HÌNH CÔNG TÁC TRONG CÁC LĨNH VỰC CỤ THỂ

1. Triển khai Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và các Nghị quyết của BCH Trung ương Đảng khóa XII; tiếp tục triển khai thi hành Hiến pháp

1.1. Kết quả đạt được

a) Phổ biến, quán triệt, triển khai Nghị quyết XII của Đảng

Trên cơ sở Chỉ thị số 01-CT/TW ngày 22/3/2016 của Bộ Chính trị (khóa XII), hướng dẫn số 04-HD/BTGTW ngày 08/4/2016 của Ban Tuyên giáo Trung ương và Kế hoạch số 10-KH/TU ngày 19/4/2016, Kế hoạch số 12-KH/TU ngày 12/5/2016 của Tỉnh ủy Quảng Bình về việc học tập quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, UBND tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo các ngành, địa phương trên địa bàn toàn tỉnh thực hiện nghiêm túc Hội nghị học tập quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII trực tiếp qua sóng phát thanh truyền hình do Tỉnh ủy Quảng Bình tổ chức trong 1,5 ngày cho toàn thể đảng viên là công chức trên địa bàn toàn tỉnh. Sau đợt học tập, các sở, ngành, địa phương căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của ngành, địa phương mình để xây dựng Chương trình hành động và tiếp tục tuyên truyền Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng bằng nhiều hình thức phù hợp để đưa Nghị quyết sớm đi vào cuộc sống ngay từ quý đầu, năm đầu thực hiện Nghị quyết.

b) Về triển khai thi hành Hiến pháp

UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương tiếp tục triển khai Kế hoạch số 117/KH-UBND ngày 08/02/2014 về triển khai thi hành Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trên địa bàn tỉnh Quảng Bình; ban hành các kế hoạch để triển khai thi hành các Bộ luật, Luật cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013[1].

1.2. Những hạn chế, yếu kém và nguyên nhân: Không

2. Công tác xây dựng, thẩm định, kiểm tra, rà soát, hệ thống hoá, hợp nhất văn bản QPPL

2.1. Kết quả đạt được

UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương tiếp tục thực hiện Kế hoạch số 1200/KH-UBND ngày 08/10/2015 về triển khai thi hành Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2015; đã ban hành và chỉ đạo thực hiện Quyết định số 743/QĐ-UBND ngày 21/3/2016 về ban hành chương trình xây dựng văn bản QPPL năm 2016, đồng thời chỉ đạo HĐND, UBND cấp huyện, cấp xã ban hành văn bản QPPL để thực hiện chức năng quản lý nhà nước trên địa bàn; ban hành và thực hiện Kế hoạch số 98/KH-UBND ngày 26/01/2016 về kiểm tra, rà soát văn bản QPPL năm 2016 trên địa bàn tỉnh, Quyết định số 28/2016/QĐ-UBND ngày 21/9/2016 về Quy chế Cộng tác viên kiểm tra, rà soát và hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh Quảng Bình...Với sự tham mưu tích cực của cơ quan tư pháp các cấp, nhìn chung việc xây dựng, thẩm định, góp ý dự thảo văn bản QPPL; kiểm tra, rà soát hệ thống hóa văn bản QPPL trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã đi vào nền nếp, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước bằng pháp luật. Kết quả cụ thể:

a) Công tác xây dựng, thẩm định, góp ý văn bản QPPL

Trong năm 2016, HĐND, UBND các cấp đã ban hành 1021 văn bản QPPL[2]. Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp cấp huyện đã thẩm định 97 văn bản QPPL thuộc thẩm quyền ban hành của UBND và văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của HĐND tỉnh do UBND tỉnh trình, (đạt 100%)[3], so với năm 2015, số lượng văn bản thẩm định tăng 54% (2015 thẩm định 63 văn bản). Đã tham gia góp ý 13 văn bản pháp luật của Trung ương.

b) Công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL

Năm 2016, Sở Tư pháp đã giúp UBND tỉnh tự kiểm tra 36 văn bản QPPL thuộc thẩm quyền ban hành của UBND tỉnh (đạt 100%), giảm 10 % so với cùng kỳ năm 2015 (năm 2015 tự kiểm tra 40 văn bản), kiểm tra theo thẩm quyền 80 văn bản (đạt 100%), tăng 14 % so với cùng kỳ năm 2015 (năm 2015 kiểm tra 70 văn bản).

Ở cấp huyện đã tiến hành tự kiểm tra 165 văn bản QPPL; kiểm tra theo thẩm quyền 793 văn bản QPPL. Qua kết quả tự kiểm tra phát hiện 13 văn bản chưa phù hợp pháp luật[4] (chủ yếu là văn bản QPPL cấp xã) và đã được xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Đã ban hành Quyết định số 704/QĐ-UBND ngày 15/3/2016 công bố 70 văn bản QPPL do HĐND, UBND tỉnh Quảng Bình ban hành từ năm 1989 đến 31/12/2015 (07 Nghị quyết, 49 Quyết định và 14 Chỉ thị)[5] gồm các lĩnh vực: Luật ngân sách, Luật tổ chức chính quyền địa phương, Tài chính, đất đai, môi trường, giao thông, xây dựng, công nghệ thông tin... Chỉ đạo Sở Tư pháp phối hợp với các ngành rà soát 488 văn bản QPPL do HĐND, UBND tỉnh ban hành[6]. Đã chỉ đạo Sở Tư pháp tăng cường công tác hướng dẫn nghiệp vụ, tổ chức tập huấn, trong năm 2016, Sở Tư pháp đã tổ chức 01 lớp tập huấn cho đội ngũ cán bộ làm công tác pháp chế của các sở, ban, ngành, công chức tư pháp cấp huyện và cấp xã về kỹ năng và nghiệp xây dựng, thẩm định, kiểm tra, rà soát văn bản QPPL. UBND các cấp ở tỉnh Quảng Bình đã đảm bảo các điều kiện về biên chế, kinh phí, cơ sở vật chất cho cơ quan tư pháp cùng cấp thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác xây dựng, thẩm định kiểm tra, rà soát văn bản QPPL.

2.2. Hạn chế và nguyên nhân

a) Hạn chế:

- Công tác tự kiểm tra văn bản ở cấp xã thực hiện chưa hiệu quả. Tính chủ động thực hiện rà soát văn bản QPLL của một số cơ quan chuyên môn chưa cao.

b) Nguyên nhân

- Một số xã trên địa bàn tỉnh chỉ có 01 công chức Tư pháp - Hộ tịch kiêm nhiệm nhiều công tác tư pháp ở địa phương. Các cơ quan chuyên môn chưa được thành lập tổ chức bộ phận pháp chế, chưa có biên chế chuyên trách nên hiệu quả rà soát văn bản một số nơi chưa cao và chưa được triển khai đồng đều.

3. Quản lý nhà nước về PBGDPL, hoà giải ở cơ sở, hương ước, quy ước và đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân ở cơ sở

[...]