Kế hoạch 25/KH-UBND thực hiện Chủ đề năm 2022 “Tập trung kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19; thích ứng an toàn, linh hoạt để khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội thành phố” do thành phố Cần Thơ ban hành

Số hiệu 25/KH-UBND
Ngày ban hành 26/01/2022
Ngày có hiệu lực 26/01/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Cần Thơ
Người ký Trần Việt Trường
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 25/KH-UBND

Cần Thơ, ngày 26 tháng 01 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHỦ ĐỀ NĂM 2022 “TẬP TRUNG KIỂM SOÁT HIỆU QUẢ DỊCH COVID-19; THÍCH ỨNG AN TOÀN, LINH HOẠT ĐỂ KHÔI PHỤC VÀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI THÀNH PHỐ”

Thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 09 tháng 12 năm 2021 của Thành ủy Cần Thơ về nhiệm vụ năm 2022; Nghị quyết số 60/NQ-HĐND ngày 08 tháng 12 năm 2021 của Hội đồng nhân dân (HĐND) thành phố về kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2021 và mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp năm 2022; Quyết định số 3840/QĐ-UBND ngày 12 tháng 12 năm 2021 của Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố về việc giao chỉ tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 thành phố; UBND thành phố ban hành Kế hoạch thực hiện Chủ đề năm 2022, với nội dung như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11 tháng 10 năm 2021 của Chính phủ, bảo đảm sự thống nhất trong tổ chức thực hiện quy định tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố; chuyển đổi tư duy, phương pháp, biện pháp, tổ chức thực hiện từ quản lý không COVID-19 sang quản lý rủi ro, giảm thiểu tử vong. Đảm bảo an sinh xã hội, việc làm, chăm sóc sức khỏe và đời sống cho Nhân dân. Đặt sức khỏe, tính mạng người dân lên trên hết, trước hết; bảo đảm cho người dân được tiếp cận với dịch vụ y tế sớm nhất, nhanh nhất, ngay từ cơ sở; phát huy vai trò trung tâm của người dân trong phòng, chống dịch.

2. Đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất của Đảng, huy động hệ thống chính trị cùng tham gia, đề cao trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, trách nhiệm người đứng đầu trong phòng, chống dịch, đồng thời phát huy tính chủ động, sáng tạo của chính quyền các cấp, nhất là cấp cơ sở; quán triệt và triển khai hiệu quả công tác phòng, chống dịch ngay tại phường, xã, thị trấn; xây dựng phường, xã, thị trấn phải thật sự là “pháo đài”, người dân phải thật sự là “chiến sỹ”, là trung tâm phục vụ, là chủ thể trong phòng, chống dịch.

3. Đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch trên cơ sở áp dụng đồng bộ công tác tiêm chủng, xét nghiệm, cách ly, điều trị, tuân thủ 5K và đề cao ý thức người dân; đặc biệt tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác phòng, chống dịch của thành phố.

II. MỤC TIÊU

1. Tuân thủ chỉ đạo của Trung ương, vận dụng linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, tập trung phát huy tốt cơ hội để thúc đẩy phục hồi phát triển kinh tế - xã hội và triển khai các biện pháp thích ứng từng cấp độ hiệu quả trong năm 2022, hướng tới nâng cao năng lực chống chịu của nền kinh tế. Tập trung thực hiện các giải pháp hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất, kinh doanh; tăng cường thúc đẩy liên kết giữa các doanh nghiệp, giữa các địa phương, liên kết ngành nhằm phát triển các vùng nguyên liệu trong nước để chủ động hơn các yếu tố đầu vào phục vụ sản xuất kinh doanh.

2. Tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch theo tiêu chí của Bộ Y tế và của thành phố; hỗ trợ đúng, kịp thời, khả thi, hiệu quả; gắn kết hài hòa giữa cắt giảm thủ tục hành chính, hỗ trợ về cơ chế, chính sách và hỗ trợ về nguồn lực tài chính; bảo đảm nhất quán mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, thích ứng an toàn, linh hoạt, sống chung với dịch COVID-19 một cách chủ động, khoa học, để chiến thắng dịch bệnh nỗ lực đạt được mục tiêu là kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và phát triển kinh tế - xã hội thành phố.

3. Thực hiện mục tiêu kép bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân, hạn chế đến mức thấp nhất các ca mắc, ca chuyển nặng, tử vong do COVID-19; khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội. Các giải pháp phòng, chống dịch dựa trên cơ sở khoa học, phù hợp với thực tiễn và điều kiện của thành phố; đảm bảo người dân được bảo vệ tốt nhất trước dịch bệnh, được tiếp cận dịch vụ y tế sớm nhất, nhanh nhất, ngay từ cơ sở; không gây ách tắc cho lưu thông, sản xuất. Phấn đấu đảm bảo tối thiểu 90% người từ 18 tuổi trở lên trên địa bàn thành phố được tiêm vắc xin phòng COVID-19 liều bổ sung, liều nhắc lại trong năm 2022.

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Tập trung kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19

Sau gần 02 năm kể từ khi xuất hiện, đại dịch COVID-19 đã lây lan trên toàn thế giới, tác động nghiêm trọng đến công tác phòng, chống dịch của nhiều quốc gia, kể cả các quốc gia phát triển, có nên y tế hiện đại; dịch bệnh không chỉ là vấn đề y tế đơn thuần mà tác động sâu sắc, toàn diện đến mọi mặt kinh tế - xã hội, an ninh trật tự an toàn xã hội và đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Sau những nỗ lực chống lại đại dịch, nhiều quốc gia đã đạt được những kết quả đáng kể, nhất là việc nghiên cứu thành công và sản xuất được vắc xin phòng COVID-19, triển khai chiến dịch tiêm chủng với quy mô lớn. Tuy nhiên, trước những mối đe dọa đến tính mạng và sức khỏe con người với các biến thể mới của COVID-19 như biến chủng Delta, biến chủng Omicron cho thấy dịch COVID-19 vẫn luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát với quy mô lớn nếu không thể kiểm soát tốt.

Tại nước ta, khi thực hiện nới lỏng giãn cách xã hội, dịch bệnh có nguy cơ bùng phát trở lại nếu không có giải pháp và chiến lược y tế phù hợp. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11 tháng 10 năm 2021 về quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, qua đó đưa ra những biện pháp phòng, chống dịch áp dụng thống nhất trên toàn quốc trong tình hình mới. Với vị trí là trung tâm kinh tế, văn hóa xã hội, giáo dục, y tế của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, việc thực hiện “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” trong tình hình mới theo Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ đã tạo cho thành phố những bước ngoặc lớn về kinh tế, đồng thời cũng có những thách thức lớn đó là vừa bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân, vừa khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, vừa bảo đảm an sinh xã hội, an ninh chính trị, trật tự và an toàn xã hội.

a) Công tác chỉ đạo, điều hành phòng, chống dịch COVID-19:

- Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, huy động cả hệ thống chính trị, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, huy động toàn dân tham gia công tác phòng, chống dịch. Nâng cao hơn nữa trách nhiệm người đứng đầu các đơn vị, địa phương; đảm bảo tính chủ động, linh hoạt, tự chịu trách nhiệm; thực hiện quan điểm thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo đi đối với đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong tổ chức thực hiện; phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng y tế, các lực lượng tuyến đầu trong phòng, chống dịch.

- Thực hiện tốt phương châm “bốn tại chỗ”, đặc biệt là chỉ huy, điều phối, phối hợp tại chỗ để đáp ứng có hiệu quả các tình huống dịch bệnh theo kịch bản đã được phê duyệt; bảo đảm sự phối hợp có hiệu quả giữa các lực lượng tại chỗ và lực lượng tăng cường khi cần thiết. Chuẩn bị năng lực sẵn sàng ứng phó với dịch COVID-19, đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trên địa bàn.

b) Nhiệm vụ và giải pháp:

- Đảm bảo tỷ lệ bao phủ vắc xin phòng COVID-19 trên địa bàn thành phố:

+ Bao phủ vắc xin là một chiến lược then chốt trong phòng, chống và ngăn chặn dịch COVID-19, hướng tới mục tiêu tạo miễn dịch cộng đồng, bảo vệ người dân, giúp giảm nguy cơ mắc bệnh hoặc diễn biến nặng, tử vong do COVID-19.

+ Trong năm 2022, thành phố đẩy nhanh tiến độ tiêm liều bổ sung, liều nhắc lại, phấn đấu đảm bảo tối thiểu 90% người từ 18 tuổi trở lên trên địa bàn thành phố được tiêm vắc xin phòng COVID-19 liều bổ sung, liều nhắc lại; đồng thời thực hiện rà soát và triển khai tiêm cho các trường hợp chưa tiêm, tiêm chưa đủ mũi vắc xin, nhất là đối với người cao tuổi, người mắc bệnh nền. Chuẩn bị triển khai tiêm vắc xin cho trẻ từ 05 - 11 tuổi theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

+ Thực hiện vận động người dân tham gia tiêm chủng, đặc biệt là người cao tuổi, người có bệnh lý nền, nhóm người có nguy cơ cao; tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân nắm rõ lợi ích, quyền và nghĩa vụ của mỗi cá nhân đối với công tác tiêm vắc xin phòng COVID-19. Tổ chức các điểm tiêm cố định, lưu động hoặc đến tận nhà để tiêm vắc xin cho người yếu thế, người gặp khó khăn trong việc di chuyển.

+ Tiếp tục đào tạo, tập huấn, cập nhật kiến thức về quy trình, kỹ thuật tiêm chủng cho toàn thể nhân viên y tế, lực lượng hỗ trợ tổ chức tiêm. Khai thác hiệu quả ứng dụng cơ sở dữ liệu tiêm chủng quốc gia và cơ sở dữ liệu về dân cư để quản lý, giám sát độ bao phủ vắc xin phòng COVID-19 và phục vụ phân bổ vắc xin hợp lý, hiệu quả.

- Thích ứng, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trong giai đoạn bình thường mới:

+ Tiếp tục quán triệt thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11 tháng 10 năm 2021 của Chính phủ, linh hoạt áp dụng các biện pháp hành chính phù hợp theo cấp độ dịch của từng xã, phường, thị trấn; thực hiện hiệu quả nguyên tắc “5K + vắc xin, thuốc điều trị + công nghệ + ý thức người dân”; hướng đến mục tiêu kép “hạn chế đến mức thấp nhất các ca mắc, ca chuyển bệnh nặng, tử vong do COVID-19; khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội”.

+ Thực hiện kịp thời, quyết liệt, đảm bảo hài hòa các giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, đặc biệt là giữa các giải pháp chuyên môn y tế với các giải pháp hành chính, kinh tế - xã hội; không để tình trạng ách tắc lưu thông, kinh doanh, sản xuất.

+ Triển khai hiệu quả các biện pháp ngăn chặn biến thể xâm nhập; chuẩn bị sẵn sàng các phương án kiểm soát, can thiệp kịp thời, giảm thiểu tối đa ảnh hưởng của dịch bệnh đối với sức khỏe người dân và hoạt động kinh tế - xã hội nếu xuất hiện biến thể nguy hiểm tại thành phố; nâng cao năng lực giám sát, cảnh báo dịch, xử lý ổ dịch và hạn chế lây lan; giám sát lưu hành và sự xuất hiện các biến chủng mới của SARS-CoV-2.

[...]