Kế hoạch 213/KH-UBND năm 2023 thực hiện Chỉ thị 10/CT-TTg về tăng cường công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới do tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành

Số hiệu 213/KH-UBND
Ngày ban hành 07/06/2023
Ngày có hiệu lực 07/06/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Thừa Thiên Huế
Người ký Hoàng Hải Minh
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 213/KH-UBND

Thừa Thiên Huế, ngày 07 tháng 6 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 10/CT-TTG, NGÀY 19/4/2023 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC BẢO ĐẢM TRẬT TỰ AN TOÀN GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ TRONG TÌNH HÌNH MỚI

Thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg, ngày 19/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế (viết tắt là UBND tỉnh) ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện như sau:

I. MỤC ĐÍCH YÊU CẦU

1. Mục đích

a) Nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông; tạo chuyển biến sâu sắc về nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, mỗi cán bộ, đảng viên, người dân đối với nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) góp phần tăng cường công tác bảo đảm TTATGT đường bộ trong tình hình mới.

b) Đổi mới tư duy, nhận thức, phương pháp, triển khai cách làm mới, quyết liệt hơn trong lãnh đạo, quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện các biện pháp, chỉ đạo của các cấp, các ngành trong công tác bảo đảm TTATGT; xác định hiệu quả công tác bảo đảm TTATGT là động lực phát triển kinh tế - xã hội, là thành tố quan trọng trong bảo đảm an ninh con người, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn; lấy người dân là trung tâm, là chủ thể, động lực, nguồn lực; ưu tiên an toàn về tính mạng, sức khỏe, tài sản của người dân là trên hết, trước hết; không vì lợi ích kinh tế mà “xuê xoa” trong công tác bảo đảm TTATGT, nhất là việc phòng, chống tác hại của rượu, bia đối với sức khỏe Nhân dân.

c) Huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, thiết lập trật tự, kỷ cương trong chấp hành pháp luật về giao thông của cả người tham gia giao thông và lực lượng thực thi pháp luật về giao thông; xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật liên quan đến công tác bảo đảm TTATGT theo hướng “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”; xây dựng ý thức tự giác, ứng xử văn minh, chuẩn mực của người dân khi tham gia giao thông, từng bước hình thành rõ nét văn hóa giao thông trong Nhân dân.

2. Yêu cầu

a) Thủ trưởng, người đứng đầu các sở, ban, ngành, địa phương phải thật sự nêu cao vai trò, trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành công tác bảo đảm TTATGT; cụ thể hóa các nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị 10 và Kế hoạch này thành các đầu việc cụ thể, xác định lộ trình để tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả, đảm bảo yêu cầu tiến độ đề ra.

b) Các cơ quan, đơn vị, địa phương phổ biến, quán triệt nhiệm vụ đến từng cán bộ, công chức, viên chức và người lao động tuyệt đối tuân thủ pháp luật về TTATGT, từng bước xây dựng văn hóa giao thông an toàn trong tình hình mới; gắn trách nhiệm của cá nhân người đứng đầu với kết quả thực hiện nhiệm vụ bảo đảm TTATGT trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của các cơ quan, đơn vị thực thi công vụ.

c) Tăng cường áp dụng các thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, chống ùn tắc giao thông, xây dựng hệ thống giao thông an toàn, thông suốt, hiệu quả và thân thiện môi trường. Trước hết là chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin và khoa học dữ liệu trong quản lý điều hành vận tải, điều khiển giao thông, tuyên truyền an toàn giao thông; giám sát, phát hiện và xử lý vi phạm về TTATGT.

II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM

1. Quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo đảm TTATGT. Các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Huế phải thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong quản lý nhà nước về bảo đảm TTATGT. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp chịu trách nhiệm toàn diện về công tác bảo đảm TTATGT trên địa bàn phụ trách. Xem xét, xử lý trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương nếu để tình hình TTATGT xảy ra phức tạp trên địa bàn do thiếu lãnh đạo, chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra, giám sát hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm trong phạm vi quản lý. Tất cả các vụ tai nạn giao thông (TNGT) gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng xảy ra phải được xem xét, cá thể hóa, xử lý trách nhiệm của các tập thể, cá nhân liên quan.

2. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo đảm TTATGT. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, điều tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, sai phạm, tiêu cực của các cơ quan quản lý nhà nước về giao thông, lực lượng thực thi pháp luật về giao thông, chính quyền địa phương và các lực lượng khác có liên quan đến đầu tư xây dựng, quản lý hành lang an toàn giao thông (ATGT). Trong quá trình xử lý các vi phạm pháp luật về giao thông phải tuyệt đối thượng tôn pháp luật, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, tất cả các hành vi vi phạm về TTATGT phải được xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Nghiêm cấm cán bộ, đảng viên can thiệp, tác động vào quá trình xử lý vi phạm pháp luật về giao thông của các cơ quan chức năng; nghiêm cấm lực lượng chức năng “xuê xoa”, bỏ qua trong xử lý vi phạm dưới mọi hình thức. Mọi cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật về giao thông phải được thông báo về cơ quan, đơn vị để xử lý nghiêm theo quy định của Đảng, của từng ngành, cơ quan, đơn vị. Cương quyết khởi tố, điều tra, xử lý nghiêm các vụ TNGT có dấu hiệu tội phạm và đối tượng chống người thi hành công vụ theo đúng quy định của pháp luật.

3. Tập trung phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm là nguyên nhân chính dẫn đến các vụ TNGT, như điều khiển phương tiện quá tốc độ cho phép, vi phạm nồng độ cồn, ma túy, “cơi nới” thành, thùng xe, chở hàng quá khổ, quá tải… Tiếp tục thực hiện quyết liệt việc kiểm soát, xử lý đối với người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn nhằm tạo chuyển biến tích cực, tiến tới hình thành thói quen, văn hóa “đã uống rượu bia không lái xe”, trước hết trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang đến nhân dân. Từng địa phương phải có kế hoạch cụ thể để kiểm soát nồng độ cồn đối với từng tuyến, từng địa bàn, tập trung các thành phố, thị xã, thị trấn, khu công nghiệp đông công nhân, khu dịch vụ, du lịch… Tuyệt đối không vì lợi ích kinh tế mà xem nhẹ việc phòng, chống tác hại của rượu, bia đối với sức khỏe nhân dân, cộng đồng, ATGT, trật tự an toàn xã hội. Căn cứ tình hình thực tiễn, hằng năm tổ chức tổng kiểm soát các loại phương tiện trên toàn tỉnh, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm và kiên quyết yêu cầu dừng hoạt động đối với các xe hết niên hạn sử dụng, hết hạn đăng kiểm.

4. Tiếp tục đổi mới về nội dung, hình thức công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về giao thông theo hướng dễ hiểu, dễ tiếp thu, phù hợp với từng vùng, khu vực, địa bàn, lứa tuổi, tôn giáo, nhất là thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên... nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của các cấp, các ngành và nhân dân trong công tác bảo đảm TTATGT; mỗi người dân phải có ý thức tự bảo vệ mình và trách nhiệm bảo vệ người khác khi tham gia giao thông. Xây dựng, nhân rộng, duy trì hoạt động các mô hình hiệu quả, cách làm hay trong công tác bảo đảm TTATGT. Ứng dụng công nghệ hiện đại trong quản trị thông tin truyền thông để phát hiện, dự báo các xu hướng thông tin tích cực và tiêu cực, có lợi và bất lợi cho công tác chỉ đạo điều hành về công tác bảo đảm TTATGT đường bộ.

5. Tập trung rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách pháp luật về TTATGT đáp ứng kịp thời yêu cầu thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật.

6. Xây dựng lộ trình thực hiện đồng bộ quy hoạch hạ tầng giao thông gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của ngành, lĩnh vực, địa phương...; nâng cao chất lượng, đẩy nhanh tiến độ, xây dựng các công trình hạ tầng giao thông, các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm; tổ chức và tổ chức lại giao thông khoa học, hợp lý, đồng bộ gắn với việc bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là hành lang ATGT. Không đưa vào sử dụng các công trình giao thông khi chưa được nghiệm thu theo quy định của pháp luật về xây dựng. Khắc phục kịp thời các “điểm đen”, “điểm tiềm ẩn” TNGT và các bất hợp lý trong tổ chức giao thông. Bảo đảm và tiếp tục nâng cao chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện giao thông vận tải cơ giới đường bộ.

7. Nâng cao hiệu quả công tác đăng ký, quản lý phương tiện cơ giới đường bộ trên địa bàn tỉnh.

8. Tăng cường nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, trang bị phương tiện cho các lực lượng chuyên trách bảo đảm TTATGT. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động quản lý, giám sát, điều hành giao thông, tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, điều tra TNGT…; bảo đảm khả năng kết nối, tích hợp, chia sẻ, sử dụng chung các cơ sở dữ liệu giữa ngành Giao thông vận tải, Công an, Y tế, Tài chính, Ngân hàng… Huy động, sử dụng linh hoạt các nguồn lực để tăng cường năng lực cho các lực lượng chuyên trách bảo đảm TTATGT; năng lực cứu nạn, cứu hộ, cứu chữa nạn nhân.

9. Triển khai đồng bộ các giải pháp phòng ngừa, khắc phục ùn tắc giao thông trên các tuyến giao thông huyết mạch, giao thông đô thị. Tổ chức phân luồng, phân tuyến giao thông khoa học, hợp lý; tăng cường các giải pháp bảo đảm trật tự đô thị, quản lý lòng đường, hè phố; có kế hoạch sử dụng đất hợp lý quy hoạch, xây dựng các bãi đỗ xe trong nội thị.

10. Tăng cường công tác trao đổi thông tin trong bảo đảm TTATGT, nhất là liên quan các dự án, đề án giao thông, phương án sửa chữa, thi công công trình có sử dụng một phần đường… hệ thống giám sát hành trình; đăng kiểm, đào tạo sát hạch lái xe; tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải hành khách, hàng hóa.

III. PHÂN CÔNG NHIỆM VỤ

1. Các sở, ban, ngành, Mặt trận, đoàn thể; UBND huyện, thị xã, thành phố Huế

a) Tổ chức quán triệt đến 100% cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về giao thông nhất là không điều khiển phương tiện giao thông khi đã sử dụng rượu bia; nghiêm cấm cán bộ đảng viên can thiệp, tác động vào quá trình xử lý vi phạm pháp luật về giao thông của các cơ quan chức năng; mọi cán bộ đảng viên vi phạm về pháp luật về giao thông phải được thông báo về cơ quan, đơn vị để xử lý nghiêm theo quy định của Đảng, của từng ngành, cơ quan, đơn vị; Thủ trưởng, lãnh đạo các đơn vị, địa phương phải chịu trách nhiệm nếu để cán bộ, công chức viên chức, người lao động đơn vị mình vi phạm. Xây dựng mỗi cán bộ công chức viên chức,người lao động là một tuyên truyền viên trong tuyên truyền, vận động đồng nghiệp, người thân, bạn bè, chấp hành các quy định của pháp luật, khi tham gia giao thông, nhất là không điều khiển phương tiện giao thông sau khi đã uống rượu bia.

b) Tổ chức phổ biến, quán triệt Chỉ thị 10/CT-TTg ngày 19/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, công nhân viên, người lao động nắm vững các chủ trương, quan điểm chỉ đạo công tác bảo đảm TTATGT trong tình hình mới; 100% ký cam kết chấp hành nghiêm và vận động người thân, gia đình, Nhân dân tuân thủ quy định của pháp luật khi tham gia giao thông, báo cáo kết quả công tác triển khai về UBND tỉnh (qua Công an tỉnh) trước ngày 20/6/2023 để theo dõi, chỉ đạo.

c) Tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chương trình, kế hoạch, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, các ban, bộ, ngành Trung ương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong công tác bảo đảm TTATGT. Thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước về bảo đảm TTATGT; xem xét, đề xuất xử lý trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương nếu để tình hình TTATGT phức tạp do thiếu lãnh đạo, chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra, giám sát hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm trong phạm vi quản lý.

[...]