Kế hoạch 16602/KH-UBND năm 2021 về phát triển công nghiệp sinh học ngành Công Thương đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai

Số hiệu 16602/KH-UBND
Ngày ban hành 31/12/2021
Ngày có hiệu lực 31/12/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Đồng Nai
Người ký Nguyễn Thị Hoàng
Lĩnh vực Thương mại,Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 16602/KH-UBND

Đồng Nai, ngày 31 tháng 12 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP SINH HỌC NGÀNH CÔNG THƯƠNG ĐẾN NĂM 2030 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG NAI

Thực hiện Quyết định số 1600/QĐ-TTg ngày 22 tháng 9 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Phát triển công nghiệp sinh học ngành Công Thương đến năm 2030”, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch Phát triển công nghiệp sinh học ngành Công Thương đến năm 2030 như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

a) Cụ thể hóa các nhiệm vụ theo Quyết định số 1600/QĐ-TTg ngày 22 tháng 9 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Phát triển công nghiệp sinh học ngành Công Thương đến năm 2030” (sau đây gọi tắt là Đề án).

b) Đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về công nghệ sinh học ngành Công Thương trên địa bàn tỉnh nhằm định hướng, thúc đẩy phát triển và ứng dụng công nghiệp sinh học phục vụ sản xuất công nghiệp, tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao, đóng góp quan trọng trong tăng trưởng kinh tế của tỉnh, đảm bảo mục tiêu phát triển nhanh và bền vững.

2. Yêu cầu: Cụ thể hóa chức năng, nhiệm vụ của các Sở, ngành, địa phương trong việc triển khai thực hiện Đề án; thường xuyên đôn đốc kiểm tra, giám sát việc thực hiện; tham mưu đề xuất cơ chế, chính sách, giải pháp mới, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và phù hợp điều kiện cụ thể của ngành, địa phương.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

a) Phát triển công nghiệp sinh học ngành Công Thương theo chuỗi giá trị, bền vững, tuần hoàn, thân thiện với môi trường phù hợp với định hướng phân bố không gian và chuyển dịch cơ cấu công nghiệp.

b) Tập trung ưu tiên phát triển các sản phẩm chủ lực ứng dụng công nghệ sinh học, có lợi thế cạnh tranh của tỉnh như: Công nghiệp chế biến thực phẩm, sản xuất hàng tiêu dùng nhằm nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của các sản phẩm chế biến, phục vụ tốt nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

c) Tăng cường đầu tư tiềm lực cho nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực công nghệ sinh học; thúc đẩy hình thành và phát triển doanh nghiệp khoa học công nghệ ứng dụng công nghệ sinh học; tạo điều kiện thuận lợi để tăng cường thu hút đầu tư đối với doanh nghiệp đầu tư và sản xuất sản phẩm ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực Công Thương.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Đến năm 2025:

- Kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia nghiên cứu, tiếp nhận ứng dụng và chuyển giao công nghệ quy mô công nghiệp nhằm tăng số lượng, giá trị sản xuất công nghiệp của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tăng tối thiểu 10% số lượng doanh nghiệp công nghiệp sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến của tỉnh.

- Triển khai các nghiên cứu phát triển công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến theo hướng hiện đại hóa thiết bị, đổi mới công nghệ và nâng cấp về quy mô.

- Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trong đó chú trọng đào tạo chuyên gia trình độ cao (tiến sĩ, sau tiến sĩ) theo nhóm chuyên ngành phục vụ phát triển công nghiệp sinh học ngành Công Thương.

- Triển khai đầu tư 02 cụm công nghiệp chế biến sâu tại huyện Định Quán, Cẩm Mỹ và lộ trình mở rộng Chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây giai đoạn 2 sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm và chuỗi liên kết phát triển. Duy trì tốc độ tăng, giá trị gia tăng công nghiệp chế biến thực phẩm đạt tối thiểu 8 - 10%/năm.

b) Đến năm 2030

- Hình thành và phát triển số lượng doanh nghiệp công nghiệp sinh học ngành Công Thương tăng thêm tối thiểu 50% so với giai đoạn 2021 - 2025.

- Tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao, bao gồm ứng dụng công nghệ sinh học trong các ngành công nghiệp chế biến đạt tối thiểu 20%.

- Hình thành và đưa vào hoạt động tối thiểu 01 cụm liên kết ngành công nghiệp, chuỗi giá trị sau khi Bộ Công Thương có hướng dẫn; trong đó ưu tiên thu hút doanh nghiệp thuộc nhóm ngành công nghiệp hỗ trợ, ứng dụng công nghiệp công nghệ cao bao gồm ứng dụng công nghệ sinh học.

III. NHIỆM VỤ CHỦ YẾU

1. Phát triển khoa học và công nghệ phục vụ công nghiệp sinh học ngành Công Thương

Chủ động triển khai nghiên cứu, tiếp nhận, giải mã công nghệ mới từ các nước có nền công nghiệp sinh học tiên tiến trên thế giới để làm chủ, ứng dụng và phát triển các công nghệ sinh học thuộc lĩnh vực Công Thương ở quy mô công nghiệp, tập trung vào các công nghệ theo chuỗi công nghệ khép kín, sản xuất tuần hoàn đối với từng nhóm nguyên liệu chủ yếu trong nước (các sản phẩm nông sản; nấm ăn, nấm dược liệu, cây dược liệu, thịt, sữa...) tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường vào các ngành, lĩnh vực:

a) Công nghiệp

- Các chế phẩm vi sinh và sản phẩm thứ cấp từ công nghiệp vi sinh, công nghệ sinh khối vi sinh vật, các chất bảo quản, phụ gia, màu thực phẩm, axit hữu cơ, axit amin, protein..., sản phẩm enzyme (bao gồm cả protein, enzyme tái tổ hợp).

[...]