Kế hoạch 2519/KH-UBND năm 2021 thực hiện Đề án phát triển công nghiệp sinh học ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đến năm 2030

Số hiệu 2519/KH-UBND
Ngày ban hành 11/11/2021
Ngày có hiệu lực 11/11/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Bình
Người ký Đoàn Ngọc Lâm
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2519/KH-UBND

Quảng Bình, ngày 11 tháng 11 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP SINH HỌC NGÀNH NÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG BÌNH ĐẾN NĂM 2030

Thực hiện Quyết định số 429/QĐ-TTg ngày 24/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển công nghiệp sinh học ngành nông nghiệp đến năm 2030, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện với các nội dung sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

Phát triển công nghiệp sinh học (CNSH) ngành nông nghiệp có giá trị gia tăng cao, bền vững, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, tạo được một số sản phẩm quy mô công nghiệp trên cơ sở nghiên cứu, tiếp cận, ứng dụng nhanh các thành tựu khoa học, công nghệ sinh học nông nghiệp tiên tiến trong nước, khu vực, thế giới; phù hợp với tiềm năng, lợi thế của tỉnh; góp phần xây dựng nền nông nghiệp tỉnh phát triển bền vững, toàn diện, từng bước theo hướng hiện đại.

2. Mục tiêu cụ thể

2.1. Đến năm 2025:

- Ứng dụng các chế phẩm sinh học (sản phẩm phân bón và thuốc bảo vệ thực vật nguồn gốc sinh học, chế phẩm bảo quản, xử lý môi trường, vắc-xin thế hệ mới, bộ dụng cụ chuẩn đoán (KIT chuẩn đoán)...) trong trồng trọt, lâm nghiệp, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, cụ thể: Trên 40% diện tích trồng rau, cây ăn quả sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật sinh học; tăng tỷ lệ sử dụng chế phẩm sinh học thay thế kháng sinh, hóa chất dùng trong chăn nuôi, thủy sản 40-50%, đáp ứng 50% nhu cầu vắc xin cho vật nuôi, tiến tới thay thế dần các sản phẩm nguồn gốc hóa học.

- Ứng dụng công nghệ mới, công nghệ hiện đại vào sản xuất ở quy mô công nghiệp; phát triển được giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản có khả năng chống chịu đối với các loại sâu bệnh, dịch bệnh hại chính, các điều kiện bất thuận... phù hợp với điều kiện của tỉnh.

- Áp dụng diện rộng các quy trình sản xuất an toàn sinh học và đa dạng hóa các sản phẩm sinh học phục vụ sản xuất nông nghiệp.

- Nâng cao năng lực cơ sở vật chất, trang thiết bị, chất lượng nguồn nhân lực chuyên ngành lĩnh vực nông nghiệp để tiếp nhận, chuyển giao, ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

2.2. Tầm nhìn đến năm 2030:

- Làm chủ được một số công nghệ sinh học nông, lâm, ngư nghiệp thế hệ mới; tạo ra một số sản phẩm có quy mô công nghiệp được áp dụng vào thực tiễn sản xuất trên địa bàn tỉnh, cụ thể: Diện tích trồng trọt các giống cây trồng mới tạo ra bằng các kỹ thuật của công nghệ sinh học chiếm > 30%; trên 70% diện tích trồng rau, cây ăn quả sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật sinh học; tỷ lệ sử dụng chế phẩm sinh học thay thế kháng sinh, hóa chất dùng trong chăn nuôi, thủy sản 60-70%, đáp ứng cơ bản nhu cầu vắc xin cho vật nuôi.

- Phát triển doanh nghiệp CNSH; thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, dịch vụ các sản phẩm, hàng hoá chủ lực của CNSH nông nghiệp. CNSH nông nghiệp đóng góp từ 10-20% tổng số đóng góp của khoa học công nghệ vào sự gia tăng giá trị ngành nông nghiệp.

- Tiếp tục hỗ trợ, khuyến khích nâng cao năng lực cơ sở vật chất kỹ thuật, đào tạo nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp CNSH, tổ chức khoa học, công nghệ và tổ chức chuyển giao công nghệ lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

II. NỘI DUNG KẾ HOẠCH

1. Phát triển khoa học, công nghệ phục vụ CNSH nông nghiệp

1.1. Lĩnh vực Trồng trọt, Lâm nghiệp:

- Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học trong chọn, tạo giống cây trồng (công nghệ nhân giống invitro, công nghệ ghép...) cải thiện nguồn giống thoái hóa; tăng nhanh tỷ lệ sử dụng giống năng suất, chất lượng, kháng sâu bệnh...

- Ứng dụng công nghệ sinh học trong bảo tồn nguồn gen các giống cây trồng đặc sản địa phương có giá trị kinh tế; bảo tồn đa dạng sinh học, làm phong phú thêm nguồn vật liệu lai tạo giống mới hoặc tái sản xuất.

- Tiếp nhận và làm chủ công nghệ nhân giống vô tính quy mô công nghiệp đối với một số cây trồng lâu năm (cây ăn quả, cây dược liệu, cây lâm nghiệp...); tạo cây giống đủ số lượng, đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu sản xuất hàng hóa.

- Nghiên cứu, ứng dụng các chế phẩm sinh học thế hệ mới, KIT chẩn đoán, quản lý dịch bệnh cây trồng và kiểm soát dư lượng các chất cấm trong nông sản có nguồn gốc từ cây trồng và giám định, chẩn đoán độ phì nhiêu đất trồng trọt, đánh giá nguồn nước tưới phục vụ sản xuất.

- Ứng dụng các chế phẩm sinh học quy mô công nghiệp như: phân bón vi sinh, thuốc, chế phẩm sinh học trong bảo quản, chế biến, xử lý ô nhiễm môi trường nông nghiệp.

- Ứng dụng công nghệ trong sơ chế, chế biến, bảo quản, nâng cao giá trị đối với sản phẩm trồng trọt.

1.2. Lĩnh vực Chăn nuôi, Thủy sản:

- Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ trong chọn tạo giống, sinh sản ở vật nuôi và thủy sản; ưu tiên ứng dụng các giống vật nuôi, thủy sản năng suất cao, chất lượng, có sức chống chịu tốt với dịch bệnh, điều kiện môi trường. Đặc biệt, tiếp cận nhanh các công nghệ sinh sản (công nghệ sản xuất, bảo quản tinh đông lạnh, phương pháp thụ tinh nhân tạo trong chăn nuôi; công nghệ kiểm soát giới tính và khả năng sinh sản trong nuôi trồng thủy sản,... tăng hiệu quả sinh sản, cải thiện chất lượng và qui mô đàn vật nuôi, thủy sản.

- Ứng dụng và làm chủ công nghệ chuẩn đoán, kiểm soát dịch bệnh và chất lượng sản phẩm: ứng dụng KIT phát hiện nhanh, kiểm định, đánh giá chất lượng con giống; phát hiện nhanh, giám định tác nhân gây một số bệnh nguy hiểm, bệnh mới phát sinh; kiểm soát dư lượng các chất cấm trong thực phẩm từ vật nuôi, thủy sản; ứng dụng vắc-xin thế hệ mới, thuốc thú y sinh học phòng bệnh vật nuôi, thủy sản.

[...]