Kế hoạch 138/KH-UBND năm 2016 phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi của thủ đô Hà Nội giai đoạn 2016-2020

Số hiệu 138/KH-UBND
Ngày ban hành 15/07/2016
Ngày có hiệu lực 15/07/2016
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Hà Nội
Người ký Nguyễn Văn Sửu
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PH HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 138/KH-UBND

Hà Nội, ngày 15 tháng 07 năm 2016

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIẾU SỐ MIỀN NÚI CỦA THỦ ĐÔ HÀ NỘI GIAI ĐOẠN 2016 - 2020

Căn cứ Quyết định số 2356/QĐ-TTg ngày 04/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020;

Căn cứ Chương trình hành động số 12-CTr/TU ngày 26/4/2016 của Đảng bộ Thành phố thực hiện Nghị quyết Đại hội của Đảng gắn với thực hiện Nghị quyết Đại hội XVI của Đảng bộ Thành phố;

Căn cứ nội dung chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội tại văn bản số 296-CV/TU ngày 05/7/2016 về việc xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi của thủ đô Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020;

Căn cứ các chính sách dân tộc của Trung ương quy định tại các Quyết định số: 551/QĐ-TTg ngày 04/4/2013; 755/2013/QĐ-TTg ngày 20/5/2013; 54/2012/QĐ-TTg ngày 04/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ; các văn bản hướng dẫn của các Bộ, ngành liên quan và Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 31/10/2011 của Ban Thường vụ Thành ủy, Quyết định số 3564/QĐ-UBND ngày 29/6/2016 UBND của UBND thành phố Hà Nội;

Căn cứ Quyết định số 204/QĐ-TTg ngày 01/02/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vào diện đầu tư của Chương trình 135 năm 2016; Quyết định số 75/QĐ-UBDT ngày 29/02/2016 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc phê duyệt danh sách thôn đặc biệt khó khăn vào diện đầu tư của Chương trình 135 năm 2016;

Xét đề nghị của UBND các huyện: Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức và các sở, ngành liên quan về triển khai thực hiện phát triển kinh tế - xã hội các thôn, xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi của thủ đô Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020 và đề nghị của Ban Dân tộc tại Tờ trình số: 20/TTr-BDT ngày 12/7/2016;

Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội phê duyệt Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi của thủ đô Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020 như sau:

I. Mục tiêu và giải pháp:

1. Mục tiêu:

1.1. Mục tiêu chung:

Tạo sự chuyển biến về sản xuất, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, tăng dần tỷ trọng dịch vụ, du lịch, công nghiệp. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới; sử dụng có hiệu quả nguồn lực đất đai và lao động; tập trung nguồn lực đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật, chăm lo phát triển văn hóa - xã hội trên địa bàn, xây dựng đời sống văn hóa, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc. Củng cố quốc phòng an ninh, giữ vững trật tự an toàn, xã hội. Xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Đảm bảo có đủ cơ sở hạ tầng thiết yếu phù hợp với quy hoạch dân cư và quy hoạch sản xuất, đáp ứng yêu cầu giao thông, phát triển kinh tế xã hội vùng dân tộc thiểu số phục vụ có hiệu quả trong sản xuất và dân sinh. Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi theo hướng bền vững, gắn phát triển kinh tế với giải quyết tốt các vấn đề xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái; nâng cao đời sống nhân dân, từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển giữa miền núi với đồng bằng và thành thị.

Nâng cao năng lực cán bộ, trang bị, bổ sung kiến thức cho đội ngũ cán bộ cơ sở và cộng đồng, năng lực quản lý và triển khai thực hiện các Chương trình, dự án, chính sách giảm nghèo; chỉ đạo hỗ trợ phát triển sản xuất, cán bộ khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư; dịch vụ bảo vệ thực vật, thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm.

1.2. Mục tiêu cụ thể:

Phấn đấu đạt các mục tiêu cụ thể như: Tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm trên 10%; Giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm, phấn đấu cuối năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2016 - 2020 còn dưới 1,8%; Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia về giáo dục đạt từ 80% trở lên; Tỷ lệ thanh niên trong độ tuổi đạt trình độ THPT và tương đương đạt 85% trở lên; Giữ vững tỷ lệ 100% xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế; Giữ vững chỉ tiêu giảm tỷ lệ sinh bình quân từ 0,01% đến 0,02% năm; Giữ vững tỷ lệ hộ dân được dùng nước sinh hoạt đảm bảo vệ sinh đạt 100%; Tỷ lệ lao động đang làm việc đã qua đào tạo đạt 50%; 100% đường giao thông liên xã, liên thôn, trục đường thôn, bản được bê tông hóa; 60% hệ thống thủy lợi, kênh mương phục vụ sản xuất nông nghiệp được cứng hóa, đáp ứng nhu cầu tưới 100% diện tích đất nông nghiệp; Phấn đấu 08 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 04 xã đạt từ 15 - 18 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới (đã có 02 xã đạt chuẩn NTM năm 2015); 100% các thôn, xã có nhà văn hóa phục vụ sinh hoạt cộng đồng; phấn đấu đến hết năm 2018 không còn xã, thôn trong diện đặc biệt khó khăn; trên 50% đảng bộ xã và 60% chi bộ thôn đạt danh hiệu trong sạch, vững mạnh.

2. Các giải pháp chủ yếu:

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân về mục tiêu kế hoạch thực hiện đảm bảo các chính sách dân tộc của Trung ương quy định tại các Quyết định số: 551/QĐ-TTg ngày 04/4/2013; 755/2013/QĐ-TTg ngày 20/5/2013; 54/2012/QĐ-TTg ngày 04/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ; các văn bản hướng dẫn của các Bộ, ngành liên quan và Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 31/10/2011 của Ban Thường vụ Thành ủy, Quyết định số 3564/QĐ-UBND ngày 29/6/2016 UBND của UBND thành phố Hà Nội;

- Tập trung, tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng đối với công tác dân tộc. Quan tâm chỉ đạo xây dựng cơ chế, chính sách, chương trình tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế - xã hội các thôn, xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi. Tăng cường công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, sử dụng đội ngũ cán bộ, đảng viên người dân tộc thiểu số;

- Giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế xã hội với bảo đảm an ninh quốc phòng;

- Kêu gọi, thu hút các nguồn lực đầu tư, ưu tiên lựa chọn đầu tư vào các địa bàn có tiềm năng phát triển du lịch và các lĩnh vực sản xuất gắn với vùng có nhiều lợi thế về nguyên liệu, lao động;

- Phát triển văn hóa - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, từng bước cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân. Ưu tiên phát triển giáo dục và đào tạo, nâng cao dân trí. Phát triển y tế, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và cán bộ phục vụ công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Thực hiện có hiệu quả chương trình Dân số kế hoạch hóa gia đình; phòng, chống dịch bệnh và các tệ nạn xã hội. Chú trọng đào tạo nghề, giải quyết việc làm; giảm hộ nghèo; thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với đối tượng chính sách. Nâng cao đời sống tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc; từng bước hoàn thiện thiết chế văn hóa, bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa, cách mạng, danh lam thắng cảnh trên địa bàn;

- Phát triển kinh tế gắn với tiềm năng, lợi thế của từng thôn, xã và cả vùng. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng. Từng bước phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến và cơ giới hóa, thay thế lao động thủ công, tập quán sản xuất lạc hậu. Chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng chuyên canh, sản xuất tập trung, nâng cao năng suất, chất lượng hàng hóa gắn với thị trường. Đẩy mạnh kinh tế trang trại, kinh tế đồi rừng, phát triển lâm nghiệp toàn diện từ khâu quy hoạch, quản lý, trồng mới, chăm sóc, bảo vệ rừng tới bảo vệ môi trường; chú trọng bảo vệ rừng đặc dụng và rừng phòng hộ. Khuyến khích phát triển các cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp làng nghề gắn với bảo vệ môi trường, sinh thái, phát huy tiềm năng, thế mạnh của vùng và lực lượng lao động của các thôn, xã đặc biệt khó khăn; tiếp tục khôi phục, xây dựng các làng nghề mới phù hợp với địa phương. Phát triển mạnh du lịch, dịch vụ, với nhiều loại hình, như: Du lịch văn hóa, lịch sử, sinh thái, nghỉ dưỡng;

- Tập trung nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật và xã hội theo quy hoạch, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ đời sống nhân dân của 14 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, đặc biệt ưu tiên đầu tư các lĩnh vực: Giao thông, thủy lợi, giáo dục, y tế, văn hóa, du lịch, cấp nước, cấp điện, thông tin truyền thông cho 02 xã đặc biệt khó khăn, gồm: xã Ba Vì, huyện Ba Vì; xã An Phú, huyện Mỹ Đức và 17 thôn đặc biệt khó khăn trên địa bàn 07 xã, gồm: Sui Quán, Đồng Sống, Gò Đình Muôn, Ninh (thuộc xã Khánh Thượng, huyện Ba Vì); Đầm Sản, Cốc Đồng Tam, Dy (thuộc xã Minh Quang, huyện Ba Vì); Muồng Cháu, Rùa (thuộc xã Vân Hòa, huyện Ba Vì); 8, 9 (thuộc xã Ba Trại, huyện Ba Vì); Mái Mít, Quýt (thuộc xã Yên Bài, huyện Ba Vì); Đồng Vỡ, Trán Voi (thuộc xã Phú Mãn, huyện Quốc Oai); Đá Thâm, Đồng Bồ (thuộc xã Đông Xuân, huyện Quốc Oai);

- Việc đầu tư xây dựng đảm bảo theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt, xây dựng đồng bộ, tránh đầu tư dàn trải, phát huy hiệu quả vốn đầu tư, đầu tư đúng đối tượng theo mục tiêu được duyệt, hiệu quả, tiết kiệm, tránh lãng phí thất thoát trong quá trình triển khai thực hiện.

II. Nội dung:

1. Đối với đầu tư hỗ trợ phát triển sản xuất:

[...]