Kế hoạch 212/KH-UBND năm 2016 phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 tỉnh Lào Cai

Số hiệu 212/KH-UBND
Ngày ban hành 28/07/2016
Ngày có hiệu lực 28/07/2016
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Lào Cai
Người ký Đặng Xuân Phong
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÀO CAI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 212/KH-UBND

Lào Cai, ngày 28 tháng 7 năm 2016

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI 5 NĂM 2016 - 2020 TỈNH LÀO CAI

Phần thứ nhất:

ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI 5 NĂM 2011 - 2015

Tỉnh Lào Cai triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015, với nhiều thuận lợi: Đảng và Nhà nước tiếp tục có nhiều chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội miền núi, vùng cao; kế thừa những thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội sau hơn 20 năm tái lập tỉnh cùng với việc xây dựng và tập trung triển khai thực hiện 7 chương trình, 27 đề án trọng tâm giai đoạn 2011-2015; tình hình chính trị và trật tự an toàn xã hội ổn định; quan hệ đối ngoại không ngừng được phát triển và mở rộng; vai trò và vị thế của Lào Cai trong khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc, cũng như vị trí “cầu nối” giữa Việt Nam với vùng Tây Nam - Trung Quốc và các nước trong khối ASEAN ngày càng được khẳng định, tạo cơ hội cho sự phát triển của tỉnh…

Bên cạnh những thuận lợi nói trên, việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015 cũng còn nhiều khó khăn, thách thức: Tác động của suy thoái kinh tế trong nước và toàn cầu; diễn biến phức tạp ở biển Đông, hoạt động xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu trên địa bàn không ổn định; thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu khó lường gây thiệt hại nặng nề. Kết cấu hạ tầng của tỉnh chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển. Nguồn thu ngân sách còn nhỏ, phụ thuộc nhiều vào Trung ương. Tỷ lệ hộ nghèo cao (chiếm 43%), tập quán canh tác của nhân dân vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn lạc hậu. Nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng với yêu cầu phát triển của tỉnh.

Với quyết tâm cao, tranh thủ những thời cơ, thuận lợi, đồng thời nỗ lực phấn đấu, khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức của các cấp, các ngành; 5 năm qua, kinh tế của tỉnh duy trì được tốc độ tăng trưởng khá cao, các vấn đề xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, an ninh quốc phòng được đảm bảo; các chỉ tiêu chủ yếu đều đạt và vượt so với kế hoạch (KH) đề ra.

I. NHỮNG KẾT QUẢ NỔI BẬT TRONG 5 NĂM QUA

1. Tăng trưởng kinh tế ổn định và duy trì ở mức cao

Tốc độ tăng trưởng kinh tế GDP giai đoạn 2011-2015 đạt bình quân 14,1%/năm[1], cao hơn giai đoạn 2006-2010 là 1,4%. GDP bình quân đầu người (giá hiện hành) đến hết năm 2015 đạt 39,4 triệu đồng/người/năm, gấp 2,4 lần so năm 2010, vượt 2,6% KH.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tích cực: Tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm từ 29,4% năm 2010 xuống còn 15,7% năm 2015; công nghiệp và xây dựng tăng từ 37,5% năm 2010 lên 43,1% năm 2015; dịch vụ tăng từ 33,1% năm 2010 lên 41,2% năm 2015.

2. Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tiếp tục tăng trưởng, cơ cấu kinh tế nội ngành có sự chuyển dịch tích cực; phát triển nông thôn được quan tâm và có bước chuyển biến mạnh mẽ

Giai đoạn 2011-2015, giá trị sản sản xuất ngành nông, lâm nghiệp và thuỷ sản của tỉnh tiếp tục tăng trưởng nhờ từng bước khai thác tiềm năng đất đai, lao động, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất; cơ cấu kinh tế nội ngành có sự chuyển dịch tích cực: Tỷ trọng trồng trọt giảm dần từ 67,9% năm 2010 xuống còn 57,1% năm 2015; tỷ trọng chăn nuôi tăng từ 29,9% năm 2010 lên 40,9% năm 2015; dịch vụ nông nghiệp từ 2,2% năm 2010 còn 2% năm 2015.

Sản xuất nông nghiệp được đẩy mạnh toàn diện, đã phát huy có hiệu quả những lợi thế về đất đai, khí hậu, bước đầu xây dựng các vùng sản xuất có hiệu quả như: cây chuối cấy mô, rau an toàn, hoa, cây ăn quả ôn đới[2]. Các tiến bộ khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao bước đầu được áp dụng vào sản xuất[3]. Năng suất, sản lượng các loại cây trồng đều tăng, năm sau cao hơn năm trước. Tổng sản lượng lương thực có hạt năm 2015 đạt trên 281.880 tấn, tăng trên 55.000 tấn so với năm 2010, bằng 110,5 so KH và bằng 114,7% so với mục tiêu Đại hội XIV. Giá trị sản xuất trên đơn vị đất canh tác bình quân đến hết năm 2015 đạt 46,5 triệu đồng/năm, tăng 1,4 lần so với năm 2010, bằng 122% so KH.

Chăn nuôi đại gia súc phát triển theo hướng tập trung, mở rộng quy mô, áp dụng tiến bộ kỹ thuật chăn nuôi nâng cao chất lượng, đạt hiệu quả cao[4]. Sản lượng thịt hơi bình quân tăng 17%/năm, sản phẩm chăn nuôi đã cơ bản đáp ứng đủ cho nhu cầu tiêu dùng của tỉnh và đã có một phần sản phẩm xuất bán ra ngoại tỉnh. Bước đầu khai thác những ưu thế về mặt nước, khí hậu để phát triển thủy sản đa dạng; đã hình thành một số vùng nuôi thủy sản tập trung tại Sa Pa, Bát Xát, Bảo Thắng, Bảo Yên, Văn Bàn[5]. Đặc biệt tỉnh đã phát triển được nghề nuôi cá nước lạnh trong bồn, bể với sản phẩm đặc trưng là cá hồi tại Sa Pa, mang lại hiệu quả kinh tế cao, dần trở thành thương hiệu được thị trường ưa chuộng.

Lâm nghiệp được quan tâm đầu tư; đã dần chuyển đổi từ trồng rừng gỗ nhỏ sang trồng rừng gỗ lớn và trồng rừng đa mục đích; phát huy chức năng rừng phòng hộ, rừng đặc dụng; từng bước hình thành vùng nguyên liệu tập trung theo hướng chuyên canh, phát triển rừng nguyên liệu gắn với quy hoạch các cơ sở chế biến. Các chỉ tiêu trồng mới rừng tập trung (sản xuất, phòng hộ, đặc dụng) đều đạt và vượt kế hoạch giao[6]. Các nhà máy chế biến đang được đầu tư với công nghệ tiên tiến, phù hợp góp phần nâng cao giá trị của sản phẩm lâm nghiệp. Tài nguyên rừng được bảo vệ, các nguồn gen quý hiếm và đặc hữu được bảo tồn và phát triển. Tỷ lệ che phủ rừng hàng năm tăng 0,71%/năm, năm 2015 đạt tỷ lệ 53,3%, vượt 0,3% so KH, tăng 2,3% so năm 2010.

Nông thôn có bước phát triển theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, chuyển giao ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và đời sống. Hệ thống dịch vụ nông nghiệp được củng cố, tăng cường. Kết cấu hạ tầng nông thôn được cải thiện rõ rệt. Ngành nghề nông thôn được khuyến khích phát triển, giảm sản xuất thuần nông, tăng dần tỷ trọng tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ. Làng nghề truyền thống được khôi phục, số lượng làng nghề có tăng, quy mô nhiều làng nghề được mở rộng tạo được nhiều việc làm, làm gia tăng giá trị nông sản[7].

Chương trình mục tiêu quốc gia về Xây dựng nông thôn mới được các cấp, các ngành tích cực triển khai. Trong giai đoạn 2011-2015, tỉnh đã xây dựng 05 nhiệm vụ trọng tâm để phát động phong trào thi đua trong xây dựng nông thôn mới, đó là: (1) Phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân; (2) Phát triển giao thông nông thôn; (3) Vệ sinh môi trường nông thôn; (4) An ninh trật tự xã hội nông thôn; (5) Phát triển hệ thống giáo dục mầm non cho trẻ dưới 5 tuổi. Đến hết năm 2015, có 21 xã đạt tiêu chí nông thôn mới, bằng 60% KH, bằng 14,5% tổng số xã trên địa bàn. Thành phố Lào Cai hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trên toàn địa bàn. Bình quân số tiêu chí đạt chuẩn/xã: 9,63 tiêu chí, tăng 6,33 so với năm 2010[8]. 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm xã; 100% số thôn bản có đường giao thông liên thôn và đi được xe máy đến tất cả các thôn bản; hệ thống thuỷ lợi đã đảm bảo nước tưới cho 99% diện tích ruộng vụ Xuân và 95% diện tích ruộng vụ Mùa; 100% số xã có trường, lớp học kiên cố tại trung tâm, 70% thôn, bản có điểm trường kiên cố; 100% số xã có điện lưới quốc gia đến trung tâm xã với 93% số hộ ở nông thôn được dùng điện; 100% số xã có trạm y tế xã; 85% số hộ nông thôn được dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; cơ bản xoá nhà tạm cho hộ nghèo tại khu vực nông thôn, trên 8.500 lao động vùng nông thôn được đào tạo nghề; sắp xếp ổn định dân cư được đẩy mạnh, bố trí, di chuyển trên 1.700 hộ dân ra khỏi vùng thiên tai, sạt lở...

3. Sản xuất công nghiệp phát triển nhanh với tốc độ tăng trưởng cao, đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế của tỉnh

Sản xuất công nghiệp phát huy có hiệu quả những tiềm năng, lợi thế về khai thác chế biến khoáng sản, đầu tư phát triển thuỷ điện, sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến nông lâm sản; đã tạo được cơ sở quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đưa Lào Cai từng bước trở thành trung tâm công nghiệp luyện kim và hóa chất, phân bón của vùng và cả nước. Nhiều dự án, nhà máy lớn chế biến sâu khoáng sản của địa phương: Apatit, sắt, đồng… đi vào hoạt động[9]. Tiềm năng về thủy điện được quan tâm đầu tư triển khai thực hiện, theo tiến độ đề ra[10]. Sản xuất công nghiệp và tiểu - thủ công nghiệp đang đà phát triển mạnh, giá trị sản xuất ngành công nghiệp (theo giá cố định năm 1994) đạt 7.403 tỷ đồng, gấp 3,4 lần so năm 2010, bằng 145% so KH[11]. Cơ cấu nội ngành công nghiệp cũng có bước chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm tỷ trọng giá trị sản xuất công nghiệp khai thác, tăng nhanh tỷ trọng giá trị sản xuất công nghiệp chế biến[12].

Hoạt động trong các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh có bước chuyển biến tích cực, tỷ lệ lấp đầy tại các khu công nghiệp đều trên 80%, thu hút 179 dự án đăng ký đầu tư với tổng vốn đầu tư trên 23.000 tỷ đồng, trong đó có 97 dự án đi vào hoạt động sản xuất, tạo việc làm cho trên 7.300 lao động, trong đó có trên 80% là lực lượng lao động trên địa bàn tỉnh.

Các chính sách khuyến khích phát triển tiểu thủ công nghiệp của tỉnh đã được triển khai hiệu quả. Trên địa bàn có trên 7,3 nghìn cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp với giá trị sản xuất đạt 520 tỷ đồng, tạo ra nhiều sản phẩm có thương hiệu đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, mua sắm của khách du lịch và tạo việc làm cho gần 14,2 nghìn lao động.

4. Huy động vốn đầu tư phát triển đạt nhiều kết quả, kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 79,3 nghìn tỷ đồng; gấp 3,17 lần giai đoạn trước, bình quân hàng năm tăng 18%. Cơ cấu vốn đầu tư chuyển biến theo hướng giảm dần tỷ trọng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, tăng nhanh nguồn vốn tín dụng và vốn của các thành phần kinh tế (đầu tư từ ngân sách nhà nước giảm từ 40,3% giai đoạn 2006-2010 xuống còn 34,1% giai đoạn 2011-2015; vốn ngoài ngân sách tăng từ 59,7% lên 65,9%). Các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh đã đóng góp tích cực cho đầu tư phát triển của tỉnh và chiếm 63,6% tổng vốn đầu tư. Trong 5 năm 2011-2015, trên địa bàn tỉnh có 217 dự án được cấp chứng nhận đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký là 28,1 nghìn tỷ đồng; thu hút được 27 chương trình, dự án ODA với tổng số vốn khoảng 3.322 tỷ đồng; có 10 dự án FDI được cấp mới và 24 dự án FDI chuyển tiếp từ giai đoạn trước với tổng vốn giải ngân trong cả giai đoạn 2011-2015 khoảng 9.896 tỷ đồng[13]. Nhiều công trình đầu tư bằng nguồn vốn ODA đã hoàn thành, đưa vào sử dụng và đem lại hiệu quả thiết thực như Dự án Giảm nghèo (WB) giai đoạn 2, Dự án Ngành cơ sở hạ tầng nông thôn (vốn AFD, ADB), dự án WB đô thị,… nhờ vậy kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội được quan tâm đầu tư và liên tục cải thiện qua các năm, đặc biệt là kết cấu hạ tầng cho phát triển vùng cao, vùng nông thôn và phát triển vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh, góp phần tích cực vào quá trình xoá đói giảm nghèo, thúc đẩy kinh tế phát triển, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Đã phối hợp chặt chẽ với bộ, ngành trung ương hoàn thành đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, cải tạo nâng cấp QL4E, thực hiện nâng cấp đường sắt Yên Viên - Lào Cai, hoàn thiện các điều kiện, thủ tục để khởi động dự án đường nối đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đi Sa Pa; nghiên cứu xây dựng Cảng hàng không Lào Cai. Tiếp tục tập trung đầu tư xây dựng Trung tâm hành chính hiện đại của tỉnh, chỉnh trang khu đô thị cũ và hoàn thành việc di chuyển toàn bộ các cơ quan hành chính sự nghiệp của tỉnh về khu đô thị mới Lào Cai - Cam Đường; tháng 11 năm 2014, thành phố Lào Cai đã được công nhận là đô thị loại II. Hoàn thành cầu Phố Lu, cầu Giang Đông, nhà văn hóa Trung tâm, sân vận động trung tâm, Bảo tàng tỉnh, Trung tâm trưng bày ngoài trời. Tiếp tục đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng thiết yếu tại Cửa khẩu quốc tế Lào Cai và các cửa khẩu phụ, Khu thương mại - công nghiệp Kim Thành, hạ tầng kỹ thuật và xử lý nước thải tại các cụm công nghiệp Đông Phố Mới, Tằng Loỏng, khu vực Kim Tân thành phố Lào Cai; hạ tầng kỹ thuật sau kè sông Hồng đoạn từ cầu Cốc Lếu đến cầu Phố Mới…; tăng cường đầu tư hạ tầng thiết yếu đô thị huyện Sa Pa, Văn Bàn, Mường Khương tạo nên hệ thống đô thị miền núi. Hoàn thành nâng cấp 296 km đường tỉnh lộ, 539 km đường đến trung tâm xã, 2.476 km đường giao thông nông thôn…

5. Kinh tế cửa khẩu, du lịch tiếp tục được khẳng định là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng cao. Các ngành dịch vụ khác tiếp tục phát triển

Thương mại phát triển mạnh đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn; đặc biệt đối với vùng sâu, vùng xa. Hệ thống chợ, cửa hàng thương nghiệp, vật tư nông nghiệp được quan tâm phát triển tới các trung tâm cụm xã, các khu vực vùng sâu, vùng xa... đã góp phần tích cực thúc đẩy sản xuất hàng hóa, đáp ứng các nhu cầu phân phối hàng hóa thiết yếu và tiêu thụ nông sản cho nông dân. Tổng mức luân chuyển hàng hoá bán lẻ và doanh thu dịch vụ năm 2015 đạt trên 14.892 tỷ đồng, tăng gấp 2,6 lần so năm 2010, bằng 117% so KH; tốc độ bình quân trên 20%/năm.

Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai hoạt động sôi động, Khu thương mại - công nghiệp Kim Thành, khu cửa khẩu Quốc tế đường bộ số 2 đã đi vào vận hành, thủ tục hành chính tại cửa khẩu được giải quyết nhanh gọn, thông thoáng. Đến hết năm 2015, đã thu hút trên 600 đơn vị doanh nghiệp trong tỉnh cũng như nhiều doanh nghiệp ngoài tỉnh tham gia sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu của tỉnh Lào Cai. Giá trị hàng hóa XNK theo xu hướng tăng lên hàng năm, năm 2015 đạt 2.144,3 triệu USD; gấp 2,6 lần so với năm 2010 (822 triệu USD), bằng 120% so KH; tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011-2015 đạt 21,1%, tăng 2,6% so với giai đoạn trước (18,5%)[14]. Hoạt động xuất, nhập khẩu đã đóng góp quan trọng vào tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn với tốc độ tăng thu bình quân 5 năm 2011-2015 đạt khoảng 30%.

Du lịch phát triển nhanh, toàn diện cả địa bàn, sản phẩm và chất lượng; nổi bật với các khu du lịch Sa Pa, Bắc Hà và thành phố Lào Cai. Công tác quảng bá, xúc tiến du lịch được triển khai với nhiều hình thức; quan tâm liên kết du lịch với các tỉnh trong khu vực. Hoạt động du lịch thu được nhiều kết quả, tạo thêm nhiều việc làm và tăng thu nhập cho lao động địa phương; các cơ sở phục vụ du lịch như nhà hàng, khách sạn cơ bản đáp ứng được yêu cầu của du khách. Cơ sở lưu trú tăng gần 2 lần so với năm 2010, phòng nghỉ tiêu chuẩn 3 - 5 sao chiếm 21%[15]. Lượng khách đến Lào Cai hằng năm tăng bình quân trên 20%; năm 2015, đón trên 2.091 nghìn lượt khách, gấp 2,2 lần năm 2010; doanh thu du lịch đạt 4.675 tỷ đồng, gấp 5,7 lần so năm 2010.

[...]