Nghị quyết 44/2016/NQ-HĐND phát triển kinh tế - xã hội miền núi giai đoạn 2016-2020 do tỉnh Ninh Thuận ban hành

Số hiệu 44/2016/NQ-HĐND
Ngày ban hành 23/08/2016
Ngày có hiệu lực 02/09/2016
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Ninh Thuận
Người ký Nguyễn Đức Thanh
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH NINH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 44/2016/NQ-HĐND

Ninh Thuận, ngày 23 tháng 8 năm 2016

 

NGHỊ QUYẾT

PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI MIỀN NÚI GIAI ĐOẠN 2016 - 2020

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH NINH THUẬN
KHÓA X KỲ HỌP THỨ 2

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;

Thực hiện Quyết định số 1222/QĐ-TTg ngày 22 tháng 7 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020;

Thực hiện Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XIII nhiệm kỳ 2015 - 2020 và Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIII về phát triển kinh tế - xã hội miền núi giai đoạn 2016 - 2020;

Căn cứ Nghị quyết số 33/2015/NQ-HĐND ngày 11 tháng 12 năm 2015 của Hội đồng nhân dân tỉnh Ninh Thuận về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020;

Xét Tờ trình số 93/TTr-UBND ngày 29 tháng 7 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh trình HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội miền núi giai đoạn 2016 - 2020; Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Mục tiêu và chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội miền núi giai đoạn 2016 - 2020

1. Mục tiêu: phát triển kinh tế - xã hội miền núi theo hướng bền vững, gắn phát triển kinh tế với giải quyết tốt các vấn đề xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, đa dạng sinh học. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, tăng dần tỷ trọng dịch vụ, du lịch, công nghiệp; trong đó cơ cấu kinh tế nông nghiệp chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa, gắn với thị trường; thực hiện tốt Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững, đẩy nhanh tiến độ Chương trình xây dựng nông thôn mới; sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư, tạo sự chuyển biến căn bản về phát triển kinh tế xã hội, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng nếp sống văn minh, từng bước xóa bỏ tập quán lạc hậu. Củng cố vững chắc quốc phòng-an ninh, đảm bảo trật tự an toàn xã hội.

2. Một số chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2020

a) Về kinh tế: phấn đấu mỗi huyện miền núi có ít nhất 1 dự án nông nghiệp công nghệ cao; khu vực miền núi của tỉnh hình thành 1 - 2 cụm công nghiệp và xây dựng 1-2 làng nghề truyền thống. Phấn đấu các huyện có từ 3 xã miền núi trở lên hình thành 1-2 mô hình kinh tế phát triển bền vững gắn với bảo vệ, khoanh nuôi và trồng rừng; phấn đấu đến năm 2020 có 12/27 xã đạt chuẩn nông thôn mới; thu nhập bình quân đầu người đạt 25 triệu đồng (trong đó huyện Bác Ái 18 triệu đồng).

b) Về xã hội: giải quyết việc làm mới bình quân 4.700 - 5.000 người/năm, trong đó phấn đấu mỗi năm đưa từ 60 - 70 lao động miền núi đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 5 - 6%/năm; có trên 30% số trường đạt chuẩn quốc gia; phấn đấu 90% trạm y tế có bác sĩ làm việc; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế/dân số đạt trên 95%; đào tạo nghề cho 8.000 lao động nông thôn, bình quân hàng năm 1.600 lao động, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 40% vào năm 2020.

c) Về môi trường: tỷ lệ che phủ rừng đạt 77%, để đạt tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh 50%; tỷ lệ dân cư nông thôn sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 88% vào năm 2020.

d) Quốc phòng, an ninh: tỷ lệ giao quân hàng năm đạt 100%; hàng năm 100% xã đạt vững mạnh về quốc phòng - an ninh; tỷ lệ dân quân tự vệ đạt 1,5 - 2% so với tổng dân số.

Điều 2. Một số nhiệm vụ chủ yếu trên các lĩnh vực

1. Phát triển nông, lâm nghiệp

a) Về nông nghiệp: tập trung tái cơ cấu ngành nông nghiệp miền núi phù hợp với lợi thế của từng vùng và điều kiện sản xuất của đồng bào miền núi. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng từ các cây trồng kém hiệu quả sang các loại cây trồng có hiệu quả theo hướng bền vững, tiết kiệm nước. Khuyến khích nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả; hình thành các vùng sản xuất chuyên canh mía, mì, bắp tập trung chủ yếu trên địa bàn các huyện Ninh Sơn và một số vùng của huyện Thuận Bắc, Bác Ái,... gắn với thị trường, nâng cao giá trị gia tăng, phục vụ cho ngành công nghiệp chế biến. Hình thành các vùng trồng cây ăn quả gắn với du lịch sinh thái nhà vườn.

Phát triển chăn nuôi theo quy mô bán công nghiệp gắn với quy hoạch phát triển trồng cỏ, từng bước đưa chăn nuôi trở thành ngành sản xuất chính trong cơ cấu ngành nông nghiệp; đồng thời coi trọng phát triển chăn nuôi dưới tán rừng với quy mô hộ gia đình.

b) Về lâm nghiệp: phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững có sự tham gia của người dân. Rà soát quy hoạch 3 loại rừng, thực hiện việc giao đất, giao rừng khoán quản cho dân sản xuất. Xây dựng và nhân rộng các mô hình tốt về phát triển kinh tế rừng để giúp người dân vươn lên làm giàu từ rừng. Hình thành và phát triển các sản phẩm hàng hóa lâm sản đặc thù địa phương.

2. Phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch

a) Về công nghiệp: phát huy tốt nhất tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lý, quỹ đất để hình thành các cụm công nghiệp, trước hết là tập trung đầu tư hạ tầng Cụm công nghiệp Quảng Sơn để thu hút các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, doanh nghiệp chế biến nông sản nhằm nâng cao giá trị và tạo hiệu ứng lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng. Thúc đẩy phát triển các cơ sở sản xuất hiện có trên địa bàn.

b) Về tiểu thủ công nghiệp: phát triển tiểu thủ công nghiệp trên cơ sở khôi phục các ngành nghề truyền thống, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ gắn các làng nghề, tổ sản xuất nhằm khai thác lợi thế nguồn nguyên liệu tại chỗ, trong đó tập trung hình thành 02 làng nghề thủ công mỹ nghệ từ hạt cây rừng thôn Cầu Gãy xã Vĩnh Hải huyện Ninh Hải và làng nghề thủ công mỹ nghệ thôn Tập Lá xã Phước Chiến huyện Thuận Bắc. Gắn phát triển làng nghề với phát triển du lịch, tạo ra hướng phát triển mới đối với làng nghề ở khu vực miền núi.

c) Về thương mại - dịch vụ: thực hiện có hiệu quả chủ trương đưa hàng Việt về nông thôn miền núi; mở rộng các kênh phân phối hàng hóa, phát huy hiệu quả các chợ hiện có. Khuyến khích phát triển các hoạt động thương mại cung cấp hàng hóa thiết yếu và thu mua, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của người dân.

d) Về du lịch: khai thác có hiệu quả các tiềm năng lợi thế của vùng, phát triển du lịch miền núi theo hướng du lịch sinh thái, du lịch khám phá, du lịch cộng đồng, tìm hiểu văn hóa vùng đồng bào dân tộc.

3. Phát triển sự nghiệp giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao dân trí; chăm sóc sức khỏe nhân dân và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc

[...]
4
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ