Kế hoạch 1365/KH-UBND năm 2023 thực hiện Chỉ thị 08/CT-TTg về tăng cường triển khai công tác xây dựng văn hóa học đường trên địa bàn tỉnh Quảng Nam

Số hiệu 1365/KH-UBND
Ngày ban hành 14/03/2023
Ngày có hiệu lực 14/03/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Nam
Người ký Trần Anh Tuấn
Lĩnh vực Giáo dục,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1365/KH-UBND

Quảng Nam, ngày 14 tháng 3 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 08/CT-TTG NGÀY 01 THÁNG 6 NĂM 2022 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG TRIỂN KHAI CÔNG TÁC XÂY DỰNG VĂN HÓA HỌC ĐƯỜNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NAM

Căn cứ Quyết định số 1299/QĐ-TTg ngày 03 tháng 10 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018-2025”;

Căn cứ Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 01 tháng 6 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường triển khai công tác xây dựng văn hóa học đường;

Căn cứ Quyết định số 54/QĐ-BGDĐT ngày 09/01/2023 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Kế hoạch triển khai Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 01 tháng 6 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường triển khai công tác xây dựng văn hóa học đường (sau đây gọi tắt là Chỉ thị số 08/CT-TTg);

Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Quảng Nam ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 08/CT-TTg trên địa bàn tỉnh (sau đây gọi tắt là Kế hoạch), cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

Triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 08/CT-TTg, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, người đứng đầu; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân nhằm rèn luyện nhân cách và giáo dục thế hệ học sinh, sinh viên tỉnh thành những con người phát triển toàn diện đức- trí- thể- mỹ, có lòng yêu nước, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, có ý thức và trách nhiệm đối với đất nước, cộng đồng, gia đình và bản thân.

Triển khai thực hiện có hiệu quả chủ trương của Đảng, Nhà nước về xây dựng văn hóa học đường, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi nhất để học sinh, sinh viên học tập, phát triển. Đề xuất, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện công tác xây dựng văn hóa học đường trên địa bàn tỉnh.

II. NỘI DUNG TRIỂN KHAI THỰC HIỆN

1. Triển khai văn bản chỉ đạo, quán triệt thực hiện văn hóa học đường

- Tập trung thực hiện hiệu quả các chương trình, đề án[1] đã được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND tỉnh ban hành[2] về xây dựng văn hóa trong trường học, giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, khơi dậy khát vọng cống hiến, nâng cao sức khỏe học đường cho học sinh, sinh viên, lối sống văn hóa cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng trên không gian mạng và xây dựng xã hội học tập.

- Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng, chính sách pháp luật, quy định của Nhà nước về văn hóa học đường; nâng cao nhận thức văn hóa học đường là trong những nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt được triển khai thực hiện từ cấp cơ sở đến tỉnh.

2. Xây dựng kế hoạch chi tiết, triển khai đồng bộ các nhiệm vụ theo ngành, lĩnh vực được phân công quản lý, phụ trách; phối hợp tốt giữa các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.

Các Sở, Ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch triển khai đồng bộ theo ngành, lĩnh vực được phân công quản lý, chỉ đạo các xã, phường, thị trấn, các phòng ban chuyên môn phối hợp chặt chẽ trong công tác xây dựng văn hóa học đường thuộc phạm vi quản lý; bảo đảm xây dựng trường học xanh, sạch, đẹp, an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường trên địa bàn. Đưa công tác xây dựng văn hóa học đường vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đảm bảo công tác xây dựng văn hóa học đường là hoạt động thường xuyên, liên tục.

3. Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, an toàn

Tăng cường quản lý, chỉ đạo của các sở, ban, ngành trong việc phối hợp với ngành Giáo dục và Đào tạo và các cơ sở giáo dục trong công tác xây dựng văn hóa học đường; bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường. Bảo đảm công tác xây dựng văn hóa học đường là hoạt động thường xuyên, liên tục. Phát huy vai trò của gia đình, cộng đồng, xã hội trong việc xây dựng môi trường văn hóa học đường, làm cho văn hóa trở thành nhân tố bồi đắp giá trị chân- thiện- mỹ.

Tăng cường các giải pháp bảo đảm an ninh, trật tự xã hội khu vực xung quanh trường học; thông tin, tuyên truyền, giáo dục về phòng chống tội phạm, phòng ngừa tệ nạn xã hội, phòng chống bạo lực học đường..., giáo dục nếp sống văn hóa trong gia đình, trách nhiệm của ông bà, cha mẹ trong giáo dục đạo đức, lối sống cho con cháu. Tăng cường các hoạt động về nguồn, thăm và chăm sóc các di tích lịch sử - văn hóa tại địa phương.

4. Nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của mọi thành viên trong các cơ sở giáo dục

Các cấp, các ngành, nhất là các cơ sở giáo dục cần đổi mới nội dung, phương thức và tổ chức nhiều hoạt động phong phú, bổ ích nhằm nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh, tạo sự lan tỏa với cộng đồng xã hội, từng bước thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa các cơ sở giáo dục, các vùng miền, tạo nên sự gắn kết hướng đến mục tiêu xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh. Chú trọng công tác quy hoạch các phòng chức năng, sân chơi, bãi tập, nhà đa năng, các công trình vệ sinh, khu vui chơi, trồng cây xanh trong sân trường bảo đảm môi trường sư phạm thân thiện, an toàn; đáp ứng yêu cầu về cơ sở bảo đảm chất lượng hoạt động biểu diễn văn hóa, văn nghệ, thể thao.

5. Xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, công chức, viên chức ngành Giáo dục đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới

Xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, nhân viên theo hướng chuẩn hóa, bảo đảm đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu, nâng cao chất lượng, đặc biệt chú trọng nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, lương tâm nghề nghiệp và trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp giáo dục. Tạo bước đột phá trong phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục tương xứng với yêu cầu định hướng của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và nhiệm vụ phát triển văn hóa Việt Nam trong giai đoạn mới.

6. Tăng cường nguồn lực thực hiện văn hóa học đường

- Tăng cường các nguồn lực cho lĩnh vực giáo dục, khơi dậy và huy động tiềm năng sáng tạo của các tổ chức, doanh nghiệp và của toàn dân tham gia xây dựng văn hóa học đường tại tỉnh. Phát huy thế mạnh, hiệu quả của mô hình quản lý nhà nước đa ngành, đa lĩnh vực trong tổ chức các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng văn hóa học đường thực sự trở thành nền tảng xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường.

- Hằng năm bố trí nguồn ngân sách địa phương để thực hiện các nhiệm vụ xây dựng văn hóa học đường theo quy định của pháp luật.

- Xây dựng nội dung giáo dục giá trị văn hóa truyền thống; tình yêu quê hương; giá trị di tích lịch sử văn hóa của địa phương. Tăng cường các giải pháp phù hợp, đồng bộ trong công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình, xã hội bảo đảm phát huy vai trò, trách nhiệm của gia đình trong việc giáo dục văn hóa học đường cho học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh.

- Phối hợp thực hiện rà soát, quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục phù hợp với điều kiện cụ thể và bảo đảm yêu cầu phát triển giáo dục của từng đại phương. Bảo đảm các cơ sở giáo dục đạt mức tối thiểu về cơ sở vật chất theo quy định, trong đó chú trọng công tác quy hoạch các phòng học chức năng, sân chơi, bãi tập, nhà đa năng, các công trình vệ sinh, khu vui chơi, trong cây xanh trong sân trường bảo đảm môi trường sư phạm thân thiện, an toàn.

7. Kiểm tra, đánh giá công tác văn hóa học đường

[...]