Kế hoạch 4054/KH-UBND năm 2022 truyền thông về giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2022-2025

Số hiệu 4054/KH-UBND
Ngày ban hành 23/06/2022
Ngày có hiệu lực 23/06/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Nam
Người ký Trần Anh Tuấn
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương,Giáo dục

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4054/KH-UBND

Quảng Nam, ngày 23 tháng 6 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

TRUYỀN THÔNG VỀ GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIAI ĐOẠN 2022 - 2025

Căn cứ Quyết định số 534/QĐ-LĐTBXH ngày 07/5/2021 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về ban hành Kế hoạch truyền thông về giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2025; Quyết định số 270/QĐ-TCGDNN ngày 18/6/2021 của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp về việc xây dựng và phát triển không gian truyền thông giáo dục nghề nghiệp, hình thành hệ sinh thái truyền thông giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 - 2025; Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam ban hành Kế hoạch truyền thông về giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2025 với các nội dung như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Tập trung xây dựng, phát triển không gian truyền thông giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trên địa bàn tỉnh nhằm tiến tới xây dựng hệ sinh thái truyền thông GDNN để truyền tải đầy đủ, kịp thời đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước tới người dân và toàn xã hội; lan toả sâu rộng hình ảnh, giá trị GDNN trong đời sống kinh tế - xã hội; nâng cao nhận thức người dân, xã hội, doanh nghiệp và cải thiện hình ảnh GDNN góp phần mở rộng quy mô, đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả GDNN; tạo sự chuyển biến trong công tác phân luồng học sinh trung học cơ sở (THCS), trung học phổ thông (THPT) vào GDNN; hỗ trợ công tác tuyển sinh, hướng nghiệp, lập nghiệp, khởi nghiệp.

2. Yêu cầu

- Quán triệt đầy đủ và cụ thể hoá chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để tuyên truyền, phổ biến đến người dân và xã hội; bám sát nội dung, yêu cầu của Luật Giáo dục nghề nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành.

- Công tác truyền thông về GDNN phải được tổ chức rộng rãi, bằng nhiều hình thức, phù hợp với từng nội dung và đối tượng, đảm bảo yêu cầu thiết thực, hiệu quả và tiết kiệm; có sự tham gia, phối hợp của các cơ quan, ban, ngành, địa phương, đơn vị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, các cơ sở GDNN, các doanh nghiệp...

- Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động truyền thông; áp dụng mô hình truyền thông mới, có hiệu quả trong thực tiễn; hướng công tác truyền thông đến cơ sở GDNN, các bậc phụ huynh học sinh và các em học sinh THCS, THPT và doanh nghiệp.

- Ngân sách đảm bảo nguồn lực cần thiết thực hiện công tác truyền thông về GDNN; thực hiện xã hội hoá công tác truyền thông về GDNN.

II. ĐỐI TƯỢNG TUYÊN TRUYỀN

1. Người học tiềm năng: Học sinh THCS, THPT và gia đình; lao động nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; lao động trong doanh nghiệp, hợp tác xã; bộ đội xuất ngũ; thanh niên hoàn thành nghĩa vụ công an, nghĩa vụ quân sự...

2. Người học: Học sinh, sinh viên đang theo học tại các cơ sở GDNN; sinh viên, học viên các cơ sở giáo dục đại học...

3. Doanh nghiệp, người sử dụng lao động: Các doanh nghiệp FDI, người sử dụng lao động, doanh nghiệp trong nền kinh tế.

4. Các cấp ủy; tổ chức đảng; chính quyền; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội; các cơ quan quản lý: Cơ quan dân cử (Hội đồng nhân dân các cấp); cơ quan quản lý nhà nước về GDNN và các cơ sở GDNN; cơ quan chủ quản của các cơ sở GDNN.

5. Các tổ chức quốc tế: Các tổ chức quốc tế có hợp tác về GDNN với tỉnh Quảng Nam, đang hợp tác, đầu tư các chương trình; dự án phát triển kinh tế - xã hội.

6. Người dân và các đối tượng khác.

III. NỘI DUNG TRUYỀN THÔNG

Xác định rõ nhiệm vụ chính trị của GDNN là một nội dung trọng tâm trong khâu đột phá chiến lược về phát triển nhân lực trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, đặc biệt là đối với đào tạo nguồn lao động kỹ thuật chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Công tác truyền thông giai đoạn 2022-2025 tập trung truyền tải về nội dung: Đổi mới, nâng cao chất lượng GDNN đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; lan tỏa các thông điệp của GDNN: “Đồng hành nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam”; “Giáo dục nghề nghiệp: Thực học, thực hành - Vững khởi nghiệp, sáng tương lai”; “Tương lai tươi sáng cùng GDNN”...

1. Nâng cao nhận thức

- Chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về GDNN.

- Đổi mới, nâng cao chất lượng GDNN; đào tạo chất lượng cao, đào tạo gắn với nhu cầu xã hội, gắn với giải quyết việc làm; chuyển đổi nghề nghiệp trước yêu cầu của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và trong xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư... góp phần ổn định và đảm bảo an sinh xã hội bền vững.

- Công tác đào tạo nghề nghiệp thường xuyên, vừa học vừa làm; đào tạo nghề cho lao động nông thôn, người khuyết tật, người yếu thế.

- Về hoạt động cải cách hành chính, dịch vụ công trong lĩnh vực GDNN và các hoạt động khác liên quan.

- Quá trình chuyển đổi số của GDNN.

- Mô hình, kinh nghiệm trong phát triển GDNN.

- Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, chương trình đào tạo theo khu vực và quốc tế đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động. Các mô hình đào tạo mới, hiệu quả: Mô hình 9+, Mô hình gắn kết giữa doanh nghiệp và cơ sở GDNN...

[...]