Kế hoạch 230/KH-UBND năm 2023 thực hiện Chỉ thị 08/CT-TTg về tăng cường triển khai công tác xây dựng văn hóa học đường trên địa bàn tỉnh Nghệ An

Số hiệu 230/KH-UBND
Ngày ban hành 04/04/2023
Ngày có hiệu lực 04/04/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Nghệ An
Người ký Bùi Đình Long
Lĩnh vực Giáo dục,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 230/KH-UBND

Nghệ An, ngày 04 tháng 4 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 08/CT-TTg NGÀY 01/6/2022 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG TRIỂN KHAI CÔNG TÁC XÂY DỰNG VĂN HÓA HỌC ĐƯỜNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN

Thực hiện Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 01/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác xây dựng văn hóa học đường (sau đây gọi tắt là Chỉ thị số 08); Quyết định số 54/QĐ-BGDĐT ngày 09/01/2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Kế hoạch triển khai Chỉ thị số 08 của ngành Giáo dục, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 01/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác xây dựng văn hóa học đường trên địa bàn tỉnh Nghệ An (Kế hoạch) như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Tổ chức triển khai Chỉ thị số 08 trên địa bàn tỉnh bảo đảm kịp thời, hiệu quả theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo.

- Phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các Sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội trong công tác thực hiện Chỉ thị số 08.

- Định hướng nội dung tổ chức các hoạt động triển khai văn hóa học đường trên địa bàn tỉnh; tiếp tục nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên, học sinh, sinh viên (HSSV) và các tầng lớp Nhân dân về ý nghĩa công tác xây dựng văn hóa học đường, góp phần xây dựng hình ảnh con người Nghệ An có hiểu biết, trí tuệ, văn hóa, thích ứng với sự phát triển của xã hội hiện đại, luôn ý thức, trách nhiệm với quê hương, đất nước, gia đình và bản thân.

2. Yêu cầu

- Bám sát nội dung của Kế hoạch, thực hiện công tác phối hợp chặt chẽ, thường xuyên, hiệu quả giữa các địa phương, đơn vị;

- Xác định nhiệm vụ cụ thể của các cơ quan, đơn vị; triển khai Kế hoạch sâu rộng, hiệu quả, tiết kiệm, hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp với tình hình thực tế; lồng ghép triển khai với chương trình, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, trật tự an toàn xã hội của địa phương.

II. NỘI DUNG TRIỂN KHAI THỰC HIỆN

1. Tăng cường đôn đốc, triển khai thực hiện có hiệu quả các văn bản chỉ đạo về văn hóa học đường

- Tập trung thực hiện hiệu quả các Chương trình, Đề án, Quyết định đã được được Thủ tướng Chính phủ1, Bộ Giáo dục và Đào tạo2, UBND tỉnh3 ban hành về giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, khơi dậy khát vọng cống hiến, nâng cao sức khỏe học đường, lối sống văn hóa cho HSSV trên không gian mạng và xây dựng xã hội học tập.

- Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng, chính sách pháp luật, quy định của Nhà nước về văn hóa học đường; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức văn hóa học đường là một trong những nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt được triển khai thực hiện từ cấp cơ sở đến tỉnh.

- Các Sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh và UBND các huyện, thành phố, thị xã xây dựng kế hoạch chi tiết triển khai đồng bộ theo ngành, lĩnh vực được phân công quản lý; chỉ đạo các xã, phường, thị trấn, phòng ban chuyên môn, đơn vị trường học phối hợp chặt chẽ trong công tác xây dựng văn hóa học đường thuộc phạm vi quản lý; bảo đảm xây dựng trường học xanh, sạch, đẹp, an toàn, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường trên địa bàn. Đưa công tác xây dựng văn hóa học đường vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đảm bảo thực hiện thường xuyên, liên tục.

- Tăng cường các giải pháp bảo đảm an ninh, trật tự xã hội khu vực xung quanh trường học; thông tin, tuyên truyền, giáo dục về phòng chống tội phạm, phòng ngừa tệ nạn xã hội, phòng chống bạo lực học đường..., giáo dục nếp sống văn hóa trong gia đình, trách nhiệm của ông bà, cha mẹ trong giáo dục đạo đức, lối sống cho con cháu.

2. Đổi mới, đa dạng hóa công tác tuyên truyền, giáo dục

Tiếp tục đổi mới công tác tuyên truyền về xây dựng văn hóa học đường bằng nhiều hình thức nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vị trí, vai trò của văn hóa và xây dựng môi trường văn hóa học đường. Xây dựng và duy trì thường xuyên chuyên mục về xây dựng văn hóa học đường trên các trang thông tin điện tử, diễn đàn trực tuyến, Fanpage trên mạng xã hội của các đơn vị.

3. Tiếp tục hoàn thiện thể chế văn hóa và triển khai thực hiện hiệu quả trong các cơ sở giáo dục

- Các cơ sở giáo dục tiếp tục hoàn thiện việc xây dựng, ban hành Bộ Quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học (căn cứ hướng dẫn tại Thông tư số 06/2019/TT-BGDĐT ngày 12/4/2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định Quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên, Kế hoạch số 520/KH-UBND ngày 26/8/2019 của UBND tỉnh về việc thực hiện Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2019 - 2025 ” trên địa bàn tỉnh Nghệ An) đảm bảo thực chất, hiệu quả.

- Tăng cường công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho học sinh thông qua các hoạt động trải nghiệm, các câu lạc bộ. Quan tâm cơ chế, hiệu quả hoạt động của Tổ tư vấn tâm lý, Tổ công tác xã hội trường học để kịp thời có các giải pháp tư vấn, định hướng khắc phục những khó khăn cho học sinh nhằm giảm thiểu nguy cơ về bạo lực học đường, góp phần xây dựng môi trường văn hóa học đường lành mạnh.

- Đa dạng hóa nội dung, phương pháp, hình thức trong hoạt động giảng dạy và hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ giá trị văn hóa tinh thần, tạo sự lan tỏa với cộng đồng xã hội. Tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí phù hợp với đặc điểm văn hóa của từng địa phương. Phát triển văn hóa đọc, định hướng nội dung đọc, tổ chức các hội thảo chia sẻ kinh nghiệm giữa các cơ sở giáo dục, các địa phương về đổi mới thư viện trường học và phát triển văn hóa đọc trong nhà trường, cộng đồng.

- Thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện thể chế văn hóa tại các cơ sở giáo dục, nhân rộng cách làm hay, sáng tạo.

4. Tăng cường nguồn lực thực hiện xây dựng văn hóa học đường

- Tăng cường các nguồn lực cho lĩnh vực giáo dục, khơi dậy và huy động tiềm năng sáng tạo của tổ chức, doanh nghiệp và toàn dân tham gia xây dựng văn hóa học đường trên địa bàn toàn tỉnh. Phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa hiện có, phục vụ nhu cầu giao lưu văn nghệ, luyện tập thể dục thể thao, vui chơi, giải trí lành mạnh của HSSV; huy động các nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp xây dựng văn hóa học đường, nhất là thực hiện Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018 - 2025”.

- Hàng năm, cân đối, bố trí nguồn kinh phí để thực hiện nhiệm vụ xây dựng văn hóa học đường theo chức năng, nhiệm vụ của từng ngành, từng địa phương, đơn vị.

- Xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, nhân viên theo hướng chuẩn hóa, số lượng đảm bảo, cơ cấu hợp lý, đặc biệt chú trọng nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, lương tâm nghề nghiệp và trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp giáo dục.

[...]