Kế hoạch 115/KH-UBND năm 2023 thực hiện Chương trình hành động 71-CTr/TU thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới do tỉnh Lạng Sơn ban hành

Số hiệu 115/KH-UBND
Ngày ban hành 15/05/2023
Ngày có hiệu lực 15/05/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Lạng Sơn
Người ký Đoàn Thu Hà
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LẠNG SƠN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 115/KH-UBND

Lạng Sơn, ngày 15 tháng 5 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG SỐ 71-CTR/TU NGÀY 09/3/2023 CỦA BAN CHẤP HÀNH ĐẢNG BỘ TỈNH THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 20-NQ/TW, NGÀY 16/6/2022 CỦA BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG KHOÁ XIII VỀ TIẾP TỤC ĐỔI MỚI, PHÁT TRIỂN VÀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ KINH TẾ TẬP THỂ TRONG GIAI ĐOẠN MỚI

Thực hiện Chương trình hành động số 71-CTr/TU ngày 09/3/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới (sau đây gọi tắt là Chương trình hành động số 71-CTr/TU), UBND tỉnh xây dựng Kế hoạch thực hiện như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu đã xác định trong Chương trình hành động số 71-CTr/TU đến các cấp, các ngành, các đoàn thể, tổ chức chính trị, xã hội;

- Tạo sự thống nhất trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của các cấp, các ngành và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các ngành, các huyện, thành phố tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động số 71- CTr/TU, qua đó tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới.

2. Yêu cầu

- Xác định các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của từng ngành, từng cấp trong việc thực hiện chức năng quản lý, hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể làm cơ sở cho công tác chỉ đạo, điều hành tổ chức triển khai thực hiện, đảm bảo hoàn thành các mục tiêu về phát triển kinh tế tập thể của địa phương theo Chương trình hành động số 71-CTr/TU đã đưa ra.

- Các nhiệm vụ, giải pháp đề ra phải mang tính khả thi; quá trình tổ chức thực hiện phải vận dụng linh hoạt, sáng tạo, đúng với chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, bám sát vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và phù hợp với tình hình thực tiễn, điều kiện của tỉnh.

- Các cấp, các ngành căn cứ Chương trình hành động số 71-CTr/TU, các Chỉ thị, Nghị quyết chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và tình hình thực tiễn của tỉnh để xác định lộ trình, cách làm phù hợp để đảm bảo việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đạt hiệu quả, chất lượng.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

Phát triển kinh tế tập thể năng động, hiệu quả, bền vững với nhiều mô hình hợp tác, liên kết trên cơ sở tôn trọng bản chất, giá trị và nguyên tắc của kinh tế tập thể, thu hút ngày càng nhiều nông dân, hộ gia đình, cá nhân, tổ chức tham gia; cải thiện, nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống của các thành viên, hộ gia đình, nhất là tại các khu vực nông thôn, vùng khó khăn của tỉnh; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Lạng Sơn nhanh và bền vững; thực hiện tiến bộ, công bằng và an sinh xã hội; đảm bảo quốc phòng, an ninh trên địa bàn.

2. Mục tiêu cụ thể

Đến năm 2030

- Có khoảng 850 tổ hợp tác với 4.250 thành viên; 750 hợp tác xã với 10.500 thành viên; 05 liên hiệp hợp tác xã. Trong đó có khoảng 170 tổ hợp tác với 850 thành viên, 210 hợp tác xã với 3.000 thành viên hoạt động trong lĩnh vực phi nông nghiệp. Cụ thể:

+ Tổ hợp tác: hằng năm, mỗi huyện, thành phố thành lập mới ít nhất từ 05 đến 07 tổ hợp tác; toàn tỉnh thành lập mời từ 55 đến 70 tổ hợp tác; trung bình mỗi tổ hợp tác có khoảng 05 thành viên tham gia.

+ Hợp tác xã: hằng năm, mỗi huyện, thành phố thành lập mới ít nhất từ 04 đến 05 hợp tác xã; toàn tỉnh thành lập mới từ 45 đến 50 hợp tác xã; trung bình mỗi hợp tác xã có khoảng 14 thành viên tham gia.

- Bảo đảm trên 50% tổ chức kinh tế tập thể đạt loại tốt, khá. Trong đó, có ít nhất 50% tham gia liên kết theo chuỗi giá trị.

- Có trên 50 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; phát triển các chuỗi giá trị nông sản hàng hóa gắn với liên kết sản xuất, cung cấp dịch vụ chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; đẩy mạnh tham gia vào các chuỗi cung ứng đưa sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu trực tiếp ra nước ngoài.

- Có khoảng 40% hợp tác xã nông nghiệp liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị; có 100% hợp tác xã thực hiện chuỗi giá trị được tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại.

- Có 80% các tổ chức kinh tế tập thể áp dụng chuyển đổi số vào hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ.

Đến năm 2045

- Phấn đấu thu hút khoảng 20% dân số trên địa bàn tỉnh tham gia các tổ chức kinh tế tập thể. Mở rộng quy mô, lĩnh vực và nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức kinh tế tập thể.

- Đảm bảo tối thiểu 70% tổ chức kinh tế tập thể hoạt động hiệu quả, trong đó có khoảng 65% tham gia các chuỗi liên kết; ưu tiên phát triển các mô hình gắn với sản phẩm chủ lực của tỉnh và chương trình OCOP.

- 100% các tổ chức kinh tế tập thể áp dụng chuyển đổi số vào hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ.

III. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP

[...]