Kế hoạch 977/KH-UBND về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã năm 2023 trên địa bàn tỉnh Gia Lai

Số hiệu 977/KH-UBND
Ngày ban hành 27/04/2023
Ngày có hiệu lực 27/04/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Gia Lai
Người ký Nguyễn Hữu Quế
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH GIA LAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 977/KH-UBND

Gia Lai, ngày 27 tháng 04 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN KINH TẾ TẬP THỂ, HỢP TÁC XÃ NĂM 2023 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIA LAI

Thực hiện Báo cáo số 164/BC-BCĐ ngày 09/01/2023 của Ban Chỉ đạo đổi mới phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã về việc báo cáo tình hình phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã năm 2022 và kế hoạch phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã năm 2023; Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai ban hành kế hoạch phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã năm 2023 trên địa bàn tỉnh Gia Lai như sau:

Phần thứ nhất

ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ TẬP THỂ, HỢP TÁC XÃ NĂM 2022

I. TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ TẬP THỂ, HỢP TÁC XÃ

1. Đánh giá chung

a) Về số lượng, doanh thu và thu nhập của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, THT (sau đây viết tắt là HTX, LH HTX, THT)

- Về HTX: Tính đến 31/12/2022 trên địa bàn tỉnh hiện có 388 HTX[1], trong đó có 318 HTX đang hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012, 47 HTX ngưng hoạt động, 23 HTX chưa chuyển đổi theo Luật Hợp tác xã năm 2012; doanh thu bình quân đạt 2.805 triệu đồng/năm; lãi bình quân đạt 101 triệu đồng/năm.

- Về LH HTX: Tính đến 31/12/2022, trên địa bàn tỉnh có 02 LH HTX, doanh thu bình quân của một LH HTX là 400 triệu đồng/năm.

- Về THT: Tính đến 31/12/2022 trên địa bàn tỉnh có 504 THT, trong đó có 403 THT có đăng ký hoạt động với chính quyền cấp xã, đa số các THT hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, doanh thu bình quân mỗi THT là 33,04 triệu đồng.

b) Về thành viên, lao động của HTX, LH HTX, THT

- Tổng số thành viên của HTX là 18.163 người (trong đó thành viên mới là 348 người). Tổng số lao động thường xuyên trong HTX là 6.755 người (trong đó lao động là thành viên là 4.082 người, lao động mới là 610 người). Thu nhập bình quân của lao động thường xuyên trong HTX khoảng 38 triệu đồng.

- Về LH HTX: trên địa bàn tỉnh có 02 LH HTX với 09 HTX thành viên.

- Về THT: Tổng số thành viên THT có 4.435 thành viên, trong đó số thành viên mới thu hút là 646 thành viên.

c) Về trình độ cán bộ quản lý HTX, LH HTX: Tổng số cán bộ quản lý HTX, LH HTX có 1.192 người, trong đó số lượng cán bộ quản lý đạt trình độ sơ cấp, trung cấp có 504 người, chiếm 42,28% tổng số cán bộ quản lý; cán bộ có trình độ cao đẳng, đại học có 303 người chiếm 25,41% tổng số cán bộ quản lý.

2. Đánh giá theo lĩnh vực

- Lĩnh vực nông nghiệp: Có 308 HTX với sự tham gia của 9.900 thành viên, vốn điều lệ đăng ký 641.474 triệu đồng.

Nhìn chung, các HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp đã có sự chuyển biến tích cực và bước đầu có những đạt được kết quả đáng ghi nhận, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho các thành viên, góp phần đẩy mạnh công cuộc xây dựng nông thôn mới.

Một số HTX hoạt động có hiệu quả, điển hình như: HTX Mộc Nguyên, HTX An Phú Thịnh tại thành phố Pleiku sản xuất sản phẩm nông nghiệp theo quy trình khép kín; HTX nông nghiệp Chư A Thai tại huyện Phú Thiện đang triển khai xây dựng cánh đồng mẫu lớn sản xuất gạo an toàn; HTX nông nghiệp Tân Tiến tại huyện Ia Pa và HTX nông lâm nghiệp và dịch vụ vận tải Nam Yang tại huyện Kông Chro đang triển khai xây dựng cánh đồng mẫu lớn đối với cây mì và cây mía; một số HTX hoạt động hiệu quả như HTX mật ong Phương Di tại huyện Ia Grai; HTX Nông nghiệp và dịch vụ Hùng Thơm Gia Lai tại huyện Mang Yang,…

Tuy nhiên, bên cạnh những HTX hoạt động hiệu quả, vẫn tồn tại các HTX hoạt động sản xuất kinh doanh còn yếu, thiếu tính ổn định, năng lực cạnh tranh yếu, thiếu nguồn vốn đầu tư cho sản xuất, thiếu đội ngũ cán bộ có trình độ, phương thức hoạt động kinh doanh chưa phù hợp và chưa theo kịp với sự phát triển chung của thị trường. Việc chủ động tìm kiếm mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm còn yếu. Các HTX hoạt động còn manh mún, nhỏ lẻ, chủ yếu hoạt động các dịch vụ “đầu vào”, số HTX làm dịch vụ “đầu ra” còn hạn chế.

- Lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp: Có 16 HTX với sự tham gia của 505 thành viên, giải quyết việc làm cho 443 lao động, vốn điều lệ đăng ký 17.822 triệu đồng. Phần lớn các HTX có quy mô nhỏ, trình độ kỹ thuật công nghệ lạc hậu, lao động thủ công là chính, hiệu quả kinh doanh thấp. Một số HTX đã chủ động tìm hướng đi thích hợp, như đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người lao động.

- Lĩnh vực vận tải: Có 36 HTX với sự tham gia của 454 thành viên, giải quyết việc làm cho 198 lao động, vốn điều lệ đăng ký 61.487 triệu đồng. Các HTX vận tải hoạt động theo mô hình dịch vụ hỗ trợ là chính như khai thác luồng, tuyến, bến bãi và hợp đồng vận chuyển khách, hàng hóa ở trong tỉnh, trong nước và nước ngoài; thành viên tự quản lý phương tiện. Nhìn chung các HTX vận tải hoạt động khá ổn định, kinh doanh có hiệu quả. Nhiều HTX đã huy động thành viên cùng với HTX góp vốn đổi mới phương tiện vận chuyển, đa dạng các loại hình phục vụ vận tải hành khách, phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân trên địa bàn.

- Lĩnh vực xây dựng: Có 09 HTX đang hoạt động với sự tham gia của 64 thành viên, giải quyết việc làm cho 87 người lao động, vốn điều lệ đăng ký 45.108 triệu đồng. Ngành nghề kinh doanh chủ yếu là buôn bán vật liệu xây dựng, nhận thi công công trình... Nhìn chung, các HTX xây dựng gặp nhiều khó khăn do các HTX có quy mô nhỏ, vốn ít, chưa đủ năng lực để tham gia đấu thầu các công trình lớn mà chủ yếu chỉ nhận những công trình vừa và nhỏ trên địa bàn huyện, xã như công trình giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, sửa chữa kênh mương, những công trình cấp IV,…

- Lĩnh vực thương mại: Có 13 HTX đang hoạt động với sự tham gia của 94 thành viên, vốn điều lệ đăng ký 38.237 triệu đồng. Phần lớn các HTX hoạt động ổn định, phát triển các hình thức liên doanh, liên kết đem lại hiệu quả cao, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho thành viên và người lao động. Tuy nhiên, vẫn gặp khó khăn do quy mô nhỏ, chưa đủ điều kiện mở rộng nguồn hàng và địa bàn kinh doanh.

- Lĩnh vực quỹ tín dụng nhân dân (QTD): Trên địa bàn tỉnh hiện có 06 QTD nhân dân đang hoạt động với 7.206 thành viên, vốn điều lệ đăng ký 23.562 triệu đồng. Các QTD nhân dân hoạt động dưới sự quản lý và giám sát của Chi nhánh Ngân hàng nhà nước tỉnh, do đó hệ thống QTD nhân dân được tổ chức chặt chẽ, đảm bảo tính liên kết hệ thống và là lĩnh vực hoạt động ổn định, có hiệu quả nhất hiện nay (100% quỹ hoạt động có lãi). QTD nhân dân thực sự trở thành kênh huy động vốn và cho vay rất hiệu quả ở khu vực nông thôn, góp phần hỗ trợ thành viên phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo, hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi và tạo cho người dân làm quen với dịch vụ tài chính ngân hàng.

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có 02 LH HTX nông nghiệp với 09 HTX thành viên (LH HTX tinh dầu Bạc Hà Tây Bắc Gia Lai với 04 HTX thành viên và LH HTX Nông dược Tây Nguyên với 05 HTX thành viên), với tổng vốn điều lệ là 10.500 triệu đồng. Hiện nay các LH HTX có hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm ổn định và có khả năng mở rộng quy mô phát triển các sản phẩm nông nghiệp; áp dụng tốt tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào trồng trọt; các LH HTX bước đầu đáp ứng được các dịch vụ cho các thành viên HTX; tập trung đẩy mạnh hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các HTX thành viên, hỗ trợ nhau trong hoạt động và đáp ứng nhu cầu khác của các thành viên tham gia. Tuy nhiên, trình độ cán bộ quản lý, điều hành còn hạn chế, còn nhiều cán bộ HTX chưa qua đào tạo, thiếu cán bộ trẻ có trình độ chuyên môn nghiệp vụ và thiếu vốn lưu động phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.

3. Đánh giá tác động của HTX, LH HTX, THT tới thành viên, kinh tế hộ thành viên

[...]