Kế hoạch 251/KH-UBND năm 2023 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới do tỉnh Kiên Giang ban hành

Số hiệu 251/KH-UBND
Ngày ban hành 20/10/2023
Ngày có hiệu lực 20/10/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Kiên Giang
Người ký Lê Quốc Anh
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KIÊN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 251/KH-UBND

Kiên Giang, ngày 20 tháng 10 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

VỀ VIỆC TIẾP TỤC ĐỔI MỚI, PHÁT TRIỂN VÀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ KINH TẾ TẬP THỂ TRONG GIAI ĐOẠN MỚI

Căn cứ Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới;

Căn cứ Nghị quyết số 09/NQ-CP ngày 02/02/2023 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới;

Thực hiện Chương trình hành động số 34-CTr/TU ngày 08/11/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới.

Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng Kế hoạch về việc tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới (gọi tắt là Kế hoạch), với những nội dung cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

a) Quán triệt sâu sắc và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 09/NQ-CP ngày 02/02/2023 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới (Nghị quyết số 09/NQ-CP); Chương trình hành động số 34-CTr/TU ngày 08/11/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới (Chương trình hành động số 34-CTr/TU).

b) Nâng cao nhận thức và tinh thần trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của kinh tế tập thể (KTTT) đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tiếp tục phát triển KTTT với nhiều hình thức tổ chức kinh tế hợp tác đa dạng, phát triển từ thấp đến cao (tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã...), trong đó hợp tác xã (HTX) là nòng cốt. Tăng cường liên kết giữa các HTX, hình thành các liên hiệp hợp tác xã, không giới hạn về quy mô, lĩnh vực và địa bàn. KTTT lấy lợi ích kinh tế là trọng tâm, bao gồm lợi ích của thành viên, tập thể và Nhà nước, đồng thời coi trọng lợi ích chính trị, văn hóa, xã hội trên địa bàn.

c) Tạo sự chuyển biến tích cực trong KTTT, góp phần xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo, nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống của các thành viên, hộ gia đình, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, thúc đây phát triển nhanh, bền vững, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

d) Kế hoạch này là căn cứ để các Sở, ban, ngành; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai nghiêm túc, đồng bộ, hiệu quả quan điểm chỉ đạo, phấn đấu cao nhất để thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển KTTT mà Nghị quyết số 09/NQ-CP và Chương trình hành động số 34-CTr/TU đã đề ra.

2. Yêu cầu

a) Việc đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT phải bám sát Nghị quyết số 09/NQ-CP, Chương trình hành động số 34-CTr/TU; phát triển KTTT cả về số lượng và chất lượng, trong đó chú trọng chất lượng, bảo đảm sự hài hòa trong tất cả các ngành, lĩnh vực, địa bàn; có chính sách ưu tiên cho các tổ chức KTTT trong lĩnh vực nông nghiệp, gắn hoạt động sản xuất kinh doanh với chuỗi giá trị sản phẩm, ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

b) Tập trung chỉ đạo củng cố tổ chức, đổi mới nội dung phương thức hoạt động của KTTT, bảo đảm nguyên tắc tự nguyện cùng có lợi. Tập trung phát triển lực lượng sản xuất trong khu vực KTTT nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, khai thác tốt hơn các tiềm năng lợi thế của địa phương.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

a) Phát triển KTTT năng động, hiệu quả, bền vững, thu hút càng nhiều nông dân, hộ gia đình, cá nhân và tổ chức tham gia; góp phần nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống của các thành viên, hộ gia đình, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

b) Tập trung chỉ đạo củng cố tổ chức, đổi mới nội dung phương thức hoạt động, khắc phục những hạn chế, yếu kém, nâng cao chất lượng hoạt động khu vực KTTT, khai thác tốt hơn các tiềm năng lợi thế của địa phương.

c) Quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc nội dung của Nghị quyết số Nghị quyết số 20-NQ/TW, Nghị quyết số 09/NQ-CP và Chương trình hành động số 34-CTr/TU, xác định rõ nội dung, nhiệm vụ chủ yếu để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, toàn diện, đồng bộ, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân, đi đôi với nâng cao vai trò, trách nhiệm, tính tiên phong, gương mẫu của người đứng đầu các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị, gắn với phát huy tốt sức mạnh của tập thể để thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển KTTT.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Đến năm 2030:

- Toàn tỉnh có khoảng 3.000 tổ hợp tác với 63.000 thành viên; 700 hợp tác xã với 100.000 thành viên; 03 liên hiệp hợp tác xã với 20 hợp tác xã thành viên.

- Số hợp tác xã hoạt động đạt loại tốt, khá chiếm từ 70% - 85% trên tổng số hợp tác xã của tỉnh, trong đó có ít nhất 50% tham gia liên kết theo chuỗi giá trị.

- Tỷ lệ cán bộ quản lý hợp tác xã tốt nghiệp cao đẳng, đại học đạt ít nhất 29%; Giám đốc hợp tác xã được đào tạo sơ cấp nghề giám đốc là 80%.

- Thực hiện đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp, phấn đấu đến năm 2030 toàn tỉnh có trên 100 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và tiêu thụ nông sản; thực hiện truy xuất nguồn gốc đối với hàng hóa nông sản.

- Phát triển các chuỗi giá trị nông sản hàng hóa gắn với liên kết sản xuất, cung cấp dịch vụ chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, phấn đấu có khoảng 50% hợp tác xã nông nghiệp liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị; đẩy mạnh tham gia vào các chuỗi cung ứng đưa sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu trực tiếp ra nước ngoài.

- Xử lý dứt điểm các hợp tác xã đã ngừng hoạt động.

[...]