Kế hoạch 110/KH-UBND năm 2023 thực hiện Chỉ thị 17-CT/TW về "Tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới" trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk

Số hiệu 110/KH-UBND
Ngày ban hành 23/06/2023
Ngày có hiệu lực 23/06/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Đắk Lắk
Người ký H'Yim Kđoh
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮK LẮK
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 110/KH-UBND

Đắk Lắk, ngày 23 tháng 6 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 17-CT/TW NGÀY 21/10/2022 CỦA BAN BÍ THƯ VỀ “TĂNG CƯỜNG BẢO ĐẢM AN NINH, AN TOÀN THỰC PHẨM TRONG TÌNH HÌNH MỚI” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

Căn cứ Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 21/10/2022 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới”;

Căn cứ Quyết định số 426/QĐ-TTg ngày 21/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị 17-CT/TW ngày 21/10/2022 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới (gọi tắt là Chỉ thị 17-CT/TW);

Thực hiện Chương trình số 38-CTr/TU ngày 21/4/2023 của Tỉnh ủy về thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TW, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TW trên địa bàn tỉnh, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm ở các cấp, các ngành nhằm tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước, tạo bước chuyển biến tích cực trong việc kiểm soát bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong toàn bộ chuỗi cung ứng thực phẩm, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, hội nhập trong nước và quốc tế.

- Kiện toàn, hoàn thiện tổ chức bộ máy quản lý Nhà nước theo hướng thống nhất chỉ một đầu mối thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm tại địa phương đảm bảo trách nhiệm, đủ năng lực, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

2. Yêu cầu

- Xác định rõ vai trò, trách nhiệm của các ngành, các cấp, các đơn vị đối với công tác đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm; công tác này phải được thực hiện thường xuyên, liên tục và là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.

- Triển khai đầy đủ các nội dung tại Chỉ thị 17-CT/TW và Chương trình số 38-CTr/TU ngày 21/4/2023 của Tỉnh ủy về thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TW đến các cơ quan, đơn vị, địa phương, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng thực phẩm.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Phát huy vai trò của cấp ủy, tổ chức đảng, hệ thống chính trị và Nhân dân trong việc bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm. Phấn đấu thực phẩm được sản xuất, kinh doanh, lưu thông và tiêu dùng trên địa bàn tỉnh cơ bản đều là thực phẩm an toàn; bảo đảm về an ninh thực phẩm, góp phần bảo vệ và nâng cao sức khỏe Nhân dân, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2030

- Trên 90% người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; người quản lý; người tiêu dùng có kiến thức và thực hành đúng về an toàn thực phẩm.

- 100% cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm được tư vấn, hướng dẫn và kiểm tra, giám sát điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm.

- 100% đơn vị cấp huyện xây dựng và duy trì các mô hình chuỗi liên kết sản xuất, cung ứng thực phẩm an toàn.

- Trên 90% cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm (thuộc diện cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định) phải được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

- 100% cơ sở dữ liệu về bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm của tỉnh được liên thông với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia và chuyên ngành.

- 100% vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra trên địa bàn tỉnh được tổ chức điều tra, xác minh, xử lý và báo cáo theo quy định. Tỷ lệ ca mắc ngộ độc trong các vụ ngộ độc thực phẩm được ghi nhận hằng năm là dưới 7 ca/100.000 dân.

III. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP

1. Tăng cường sự chỉ đạo của UBND các cấp đối với công tác an ninh, an toàn thực phẩm

- Các cấp chính quyền tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo các ngành, các đơn vị chức năng tiếp tục thực hiện đầy đủ trách nhiệm quản lý Nhà nước về an ninh, an toàn thực phẩm theo đúng quy định của phát luật; quán triệt thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Chỉ thị, Nghị quyết, Kế hoạch của Tỉnh ủy và UBND tỉnh về công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm; đưa các tiêu chí, chỉ tiêu cụ thể về công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, cơ quan, đơn vị và được thanh tra, kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện định kỳ hằng năm. Nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm thuộc lĩnh vực được phân công quản lý.

- Kiểm tra việc chấp hành pháp luật về an ninh, an toàn thực phẩm của các cơ quan Nhà nước, xử lý nghiêm cán bộ, công chức thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý. Chủ tịch UBND các cấp chịu trách nhiệm khi để xảy ra vi phạm về an ninh, an toàn thực phẩm trên địa bàn.

2. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục và vận động thực hiện chính sách, pháp luật về an ninh, an toàn thực phẩm

- Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục và phổ biến kiến thức về an ninh, an toàn thực phẩm, nhất là các chủ trương, chính sách và Luật An toàn thực phẩm nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội, của doanh nghiệp, của người dân trong sản xuất, kinh doanh và sử dụng thực phẩm an toàn, thực phẩm sạch.

[...]