Kế hoạch 1071/KH-UBND năm 2020 triển khai Chỉ thị 11/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19 do tỉnh Kon Tum ban hành

Số hiệu 1071/KH-UBND
Ngày ban hành 03/04/2020
Ngày có hiệu lực 03/04/2020
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Kon Tum
Người ký Nguyễn Văn Hòa
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1071/KH-UBND

Kon Tum, ngày 03 tháng 4 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 11/CT-TTG NGÀY 04 THÁNG 3 NĂM 2020 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ CÁC NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CẤP BÁCH THÁO GỠ KHÓ KHĂN CHO SẢN XUẤT KINH DOANH, ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI ỨNG PHÓ VỚI DỊCH COVID-19

Thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 04 tháng 3 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19 (gọi tắt là Chỉ thị số 11/CT-TTg), Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Tập trung phòng, chống, giảm thiểu tác động của dịch Covid-19, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh, an toàn đời sống và sức khỏe của nhân dân trên địa bàn tỉnh.

2. Triển khai kịp thời, đồng bộ các biện pháp, giải pháp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 11/CT-TTg.

3. Việc triển khai thực hiện phải xác định rõ nhiệm vụ của từng sở, ngành, đơn vị, địa phương chủ trì, đơn vị phối hợp thực hiện và đảm bảo tính đồng bộ, thông suốt.

II. TINH THẦN CHỈ ĐẠO HÀNH ĐỘNG

1. Quán triệt kịp thời, sâu sắc, rộng rãi đến tất cả mọi người dân trên địa bàn tỉnh tinh thần chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, của Chính phủ, các Bộ, ban ngành trung ương, của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, các Ban Chỉ đạo phòng chống dịch covid-19 từ Trung ương đến địa phương. Thực hiện quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch tại các văn bản chỉ đạo của các cấp, các ngành, Ban Chỉ đạo đạo phòng chống dịch covid-19.

2. Tập trung thực hiện “nhiệm vụ kép” vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội. Tuyệt đối không chủ quan, lơ là, thiếu trách nhiệm trong chỉ đạo phòng chống dịch; có giải pháp phù hợp, nhằm ứng phó với mọi tình huống, không để bị động, bất ngờ. Đồng thời, thực hiện ngay các biện pháp hỗ trợ cho các đối tượng, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, góp phần tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội; nỗ lực phấn đấu cao nhất thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 đã được Tỉnh ủy kết luận, Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua(1).

III. CÁC NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CỤ THỂ

1. Tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi về tiếp cận vốn, tín dụng, tài chính, thuế, thương mại, thanh toán điện tử.

a) Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Kon Tum.

- Chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời các tổ chức tín dụng cân đối, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ vay, nâng cao khả năng tiếp cận vốn vay của khách hàng; kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí… theo đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

- Tiếp tục triển khai các giải pháp đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt; các chương trình miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán trực tuyến đối với các dịch vụ hành chính công.

b) Cục Thuế tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các đơn vị liên quan: Triển khai thực hiện kịp thời các chính sách về miễn, giảm thuế, phí, lệ phí khi Trung ương ban hành chính sách để tháo gỡ khó khăn cho các đối tượng bị ảnh hưởng dịch Covid-19.

c) Bảo hiểm Xã hội tỉnh chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan: Hướng dẫn thực hiện kịp thời tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội đối với các đối tượng bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến hết tháng 6 hoặc tháng 12 năm 2020 và không tính lãi phạt chậm nộp khi Trung ương có quy định.

d) Đề nghị Liên Đoàn lao động tỉnh chủ động liên hệ với Tổng Liên Đoàn lao động Việt Nam để kịp thời hướng dẫn, thông báo cho các đơn vị liên quan thực hiện về thời điểm đóng kinh phí công đoàn khi Tổng Liên Đoàn lao động Việt Nam có quy định để góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tổ chức bị ảnh hưởng dịch Covid-19.

* Thời gian thực hiện: Tham mưu kịp thời khi có chủ trương và thực hiện thường xuyên.

2. Rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, chi phí cho doanh nghiệp.

a) Cục Thuế tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư và các đơn vị liên quan: Xem xét không tổ chức kiểm tra định kỳ trong năm 2020 đối với các doanh nghiệp không có dấu hiệu vi phạm, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tập trung giải quyết khó khăn, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh; đồng thời không để doanh nghiệp lợi dụng chủ trương này vi phạm pháp luật.

b) Thanh tra tỉnh, thanh tra chuyên ngành của các Sở: Tổ chức thực hiện nghiêm Chỉ thị 20/CT-TTg ngày 17 tháng 5 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ, không thanh tra ngoài kế hoạch, trừ trường hợp đặc biệt được cơ quan có thẩm quyền giao.

c) Các cơ quan chuyên môn thuộc tỉnh: Trong phạm vi, lĩnh vực quản lý rà soát, đề xuất tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành theo thẩm quyền việc giảm phí, lệ phí đối với các đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định.

* Thời gian thực hiện: Tham mưu kịp thời khi có chủ trương và thực hiện thường xuyên.

3. Tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy xuất, nhập khẩu.

a) Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan:

- Thường xuyên theo dõi, dự báo và kịp thời thông tin đến các doanh nghiệp trên địa bàn về các văn bản, chính sách ưu đãi, hỗ trợ các doanh nghiệp tiêu thụ, xuất khẩu nông sản, tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa, vận chuyển hàng hóa qua các cửa khẩu, đặc biệt là các cửa khẩu giáp với Trung Quốc trong thời điểm diễn ra dịch bệnh để các doanh nghiệp biết, chủ động triển khai các hoạt động sản xuất, kinh doanh.

- Vận động doanh nghiệp tiếp tục sản xuất kinh doanh, tăng cường công tác Xúc tiến Thương mại, tổ chức Hội nghị giao thương, kết nối cung cầu, tìm kiếm thị trường mới ngoài thị trường Trung Quốc, tạo đầu ra cho sản phẩm, giải quyết hàng tồn kho hỗ trợ doanh nghiệp; có kế hoạch tổ chức làm việc cụ thể với các siêu thị, nhà phân phối trong và ngoài tỉnh thu mua nông sản cho người dân trong thời gian xảy ra dịch, đặc biệt đối với các mặt hàng là thế mạnh của tỉnh.

[...]