Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Kế hoạch 9019/KH-UBND năm 2020 thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19 do tỉnh Đồng Nai ban hành

Số hiệu 9019/KH-UBND
Ngày ban hành 03/08/2020
Ngày có hiệu lực 03/08/2020
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Đồng Nai
Người ký Cao Tiến Dũng
Lĩnh vực Đầu tư,Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 9019/KH-UBND

Đồng Nai, ngày 03 tháng 8 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

HÀNH ĐỘNG THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 84/NQ-CP NGÀY 29/5/2020 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ CÁC NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TIẾP TỤC THÁO GỠ KHÓ KHĂN CHO SẢN XUẤT KINH DOANH, THÚC ĐẨY GIẢI NGÂN VỐN ĐẦU TƯ CÔNG VÀ BẢO ĐẢM TRẬT TỰ AN TOÀN XÃ HỘI TRONG BỐI CẢNH ĐẠI DỊCH COVID-19

Trong những tháng đầu năm 2020, tình hình quốc tế, trong nước có những biến động lớn, chưa từng có trong nhiều thập kỷ do tác động của đại dịch Covid-19. Kinh tế thế giới rơi vào tình trạng suy thoái; các nước, đối tác lớn của Việt Nam đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Hầu hết các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế nước ta chịu ảnh hưởng nặng nề; nhiều hoạt động kinh tế - xã hội ngưng trệ. Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã chung sức, đồng lòng, nỗ lực vượt bậc, tập trung thực hiện “mục tiêu kép” - vừa quyết liệt phòng chống dịch bệnh với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, vừa quyết tâm duy trì, phục hồi, phát triển các hoạt động kinh tế xã hội và bảo đảm đời sống của nhân dân. Nhiệm vụ khôi phục và phát triển đất nước đòi hỏi cần đánh giá đúng tình hình, chủ động xây dựng các phương án, kịch bản, giải pháp thực hiện một cách đồng bộ, hiệu quả và khả thi nhằm tranh thủ cơ hội đã kiểm soát tốt dịch bệnh trước nhiều nước trên thế giới, tranh thủ thời cơ để cải thiện vị thế Việt Nam trên trường quốc tế ở tất cả các lĩnh vực.

Ngày 29/5/2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 84/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19; Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai ban hành Kế hoạch Hành động thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ, cụ thể như sau:

I. NGUYÊN TẮC

1. Thực hiện nghiêm các giải pháp phòng, chống dịch bệnh theo quan điểm, định hướng của Đảng, Nhà nước, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19.

2. Vận động sự vào cuộc của hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân chung sức, đồng lòng, phối hợp chặt chẽ vượt qua các khó khăn do đại dịch gây ra, quyết liệt thực hiện và nỗ lực phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 đề ra.

3. Động viên, khen thưởng kịp thời các tổ chức, cá nhân có sáng kiến, nâng cao hiệu quả làm việc, sản xuất, kinh doanh trong tình hình dịch bệnh. Xử lý nghiêm, kịp thời các tổ chức, cá nhân, cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực, trình độ, suy thoái về đạo đức nghề nghiệp, gây nhũng nhiễu, thao túng, chi phối khi thực thi công vụ, vi phạm quy định của pháp luật.

4. Khẩn trương tháo gỡ các nút thắt, điểm nghẽn, thúc đẩy cải cách, đổi mới, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút các nguồn lực đầu tư phục vụ phát triển đất nước. Thực hiện ngay các nhiệm vụ, giải pháp thuộc thẩm quyền; kịp thời báo cáo các cấp những vấn đề vượt thẩm quyền để khai thông nguồn lực cho sản xuất kinh doanh và thúc đẩy đầu tư.

5. Việc hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp phải đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách; không hỗ trợ đối tượng không tự nguyện tham gia. Thực hiện nghiêm Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17 tháng 5 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ, cắt giảm, hạn chế các cuộc thanh tra, kiểm tra trong năm 2020, không thanh tra ngoài kế hoạch, trừ trường hợp đặc biệt được cấp có thẩm quyền giao hoặc có dấu hiệu vi phạm. Chuyển từ phương pháp tiền kiểm sang hậu kiểm, xử lý nghiêm các đối tượng lợi dụng, vi phạm quy định trong quá trình thực hiện các chính sách.

6. Quyết liệt đẩy mạnh giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công, xem đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng để kích thích sản xuất kinh doanh, tiêu dùng, tạo việc làm và bảo đảm an sinh xã hội, góp phần thúc đẩy xây dựng và hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội cần thiết nhằm nâng cao sức cạnh tranh, hỗ trợ các hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân và doanh nghiệp, thu hút các nguồn vốn đầu tư xã hội khác.

II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CỤ THỂ

UBND tỉnh giao các đơn vị làm đầu mối thực hiện, tham mưu UBND tỉnh các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể như sau:

1. Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố Long Khánh và thành phố Biên Hòa:

- Tiếp tục tập trung thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, bảo đảm an sinh xã hội, thúc đẩy đầu tư tại các kết luận thông báo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Nghị quyết của Chính phủ và Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ.

- Người đứng đầu đơn vị, địa phương rà soát lại từng nhiệm vụ, biện pháp để tạo điều kiện cho sản xuất kinh doanh, nhất là thu hút đầu tư phát triển, đẩy nhanh tiến độ xử lý, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh để phục hồi và phát triển nền kinh tế.

- Nâng cao tinh thần, thái độ, năng lực làm việc của đội ngũ cán bộ, đặc biệt là cán bộ ở vị trí thực thi chính sách; chấm dứt tình trạng quan liêu, nhũng nhiễu; phát huy tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp. Động viên, khen thưởng kịp thời các tổ chức, cá nhân có sáng kiến, nâng cao hiệu quả làm việc, sản xuất, kinh doanh trong tình hình dịch bệnh. Xử lý nghiêm, kịp thời các tổ chức, cá nhân, cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực, trình độ, suy thoái về đạo đức nghề nghiệp, gây nhũng nhiễu, thao túng, chi phối khi thực thi công vụ, vi phạm quy định của pháp luật.

- Tiếp tục rà soát, cắt giảm triệt để các thủ tục hành chính còn chồng chéo, vướng mắc, không cần thiết trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh thuộc thẩm quyền của cơ quan mình; quyết liệt đẩy nhanh việc phê duyệt hồ sơ các dự án đầu tư còn đang tồn đọng; có biện pháp kiểm điểm, xử lý nghiêm khắc đối với cá nhân, tập thể suy thoái về đạo đức nghề nghiệp, cố tình gây khó khăn, nhũng nhiễu trong xử lý công vụ. Tập trung triển khai Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12 tháng 5 năm 2020 của Chính phủ; khẩn trương ban hành và tổ chức thực hiện Kế hoạch cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh trong năm 2020.

- Cử đầu mối và thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận kiến nghị của người dân và doanh nghiệp để kịp thời xử lý hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định. Tổ chức tiếp nhận, xử lý kịp thời các phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp trên Trang thông tin điện tử của tỉnh và các sở, ban, ngành.

- Cắt giảm tối thiểu 70% kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước còn lại và tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2020, đặc biệt là các khoản chi mua sắm chưa thực sự cần thiết.

- Đối với các sở, ban, ngành có chức năng thanh tra, kiểm tra phải bám sát chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trên các lĩnh vực, nhất là các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sau quá trình diễn ra đại dịch Covid-19. Thực hiện nghiêm Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 04/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19. Đồng thời, rà soát, điều chỉnh kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2020 nhằm hạn chế, giảm bớt các cuộc thanh tra, kiểm tra chưa thật sự cần thiết trong thời kỳ diễn ra dịch bệnh. Không thanh tra, kiểm tra ngoài kế hoạch, ngoài ra đối với các cuộc thanh tra chuyên ngành theo kế hoạch năm 2020, cần xem xét kỹ tính chất, mức độ và phạm vi ảnh hưởng, trường hợp cần thiết phải triển khai thanh tra thì trước khi ban hành quyết định thanh tra phải có ý kiến đồng ý của Chủ tịch UBND tỉnh. Chuyển phương pháp tiền kiểm tra sang hậu kiểm tra. Đối với những cuộc đã kết thúc thanh tra, kiểm tra trực tiếp, cần khẩn trương hoàn thành kết luận, tham mưu đề xuất hướng xử lý theo quy định của pháp luật.

- Các sở, ban, ngành và địa phương có trách nhiệm khẩn trương triển khai hoặc tham mưu UBND tỉnh triển khai các chính sách tại Phần II Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ sau khi được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt hoặc sau khi có văn bản hướng dẫn của các cơ quan Trung ương.

2. Sở Y tế

- Chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương và các cơ quan liên quan chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất khẩu trang y tế, dung dịch sát khuẩn và các vật tư, thiết bị y tế để đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng và dự phòng trong tỉnh và xuất khẩu;

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan quy định các tiêu chuẩn, điều kiện về phòng, chống dịch Covid-19 trong hoạt động sản xuất kinh doanh nhằm bảo vệ sức khỏe cho người lao động trong thời gian dịch bệnh.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư

- Tham mưu UBND tỉnh đánh giá tác động của dịch Covid-19 đến tăng trưởng kinh tế và việc thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 của địa phương; phấn đấu hoàn thành đạt kết quả ở mức tốt nhất.

- Phối hợp với các đơn vị liên quan chuẩn bị tốt nhất các điều kiện cần thiết để thu hút nguồn lực đầu tư mới như: công tác quy hoạch; hạ tầng; công tác đào tạo nguồn nhân lực; đảm bảo về năng lượng; cải cách thủ tục hành chính, sẵn sàng đón nhận các dòng vốn đầu tư dịch chuyển, tập trung hướng vào các tập đoàn đa quốc gia lớn, công nghệ cao, hiện đại, thân thiện môi trường.

[...]