Kế hoạch 107/KH-UBND năm 2017 về thực hiện Quyết định 938/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017-2027" trên địa bàn tỉnh Cà Mau

Số hiệu 107/KH-UBND
Ngày ban hành 06/11/2017
Ngày có hiệu lực 06/11/2017
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Cà Mau
Người ký Thân Đức Hưởng
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH CÀ MAU

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 107/KH-UBND

Cà Mau, ngày 06 tháng 11 năm 2017

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 938/QĐ-TTG NGÀY 30/6/2017 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “TUYÊN TRUYỀN, GIÁO DỤC, VẬN ĐỘNG, HỖ TRỢ PHỤ NỮ THAM GIA GIẢI QUYẾT MỘT SỐ VẤN ĐỀ XÃ HỘI LIÊN QUAN ĐẾN PHỤ NỮ GIAI ĐOẠN 2017 - 2027” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH CÀ MAU

Thực hiện Quyết định số 938/QĐ-TTg ngày 30/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017 - 2027” (gọi tắt là Đề án 938) và Hướng dẫn số 11/HD-ĐCT ngày 16/8/2017 của Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam về triển khai thực hiện Đề án “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017 - 2027”.

Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án 938 trên địa bàn tỉnh như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mc đích

Thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả nhiệm vụ tuyên truyền nâng cao kiến thức, kỹ năng, thực hành của phụ nữ; phát huy vai trò chủ động của phụ nữ trong ứng phó và tham gia giải quyết có hiệu quả một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ, trẻ em; chuyển đổi hành vi, giảm thiểu những tác động tiêu cực, nâng cao chất lượng cuộc sống của phụ nữ, trẻ em.

Góp phần thực hiện mục tiêu phát triển, vì sự tiến bộ phụ nữ, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, của đất nước.

2. Yêu cầu

Xác định rõ nội dung công việc, tiến độ thực hiện các nhiệm vụ của Đề án 938, đảm bảo tính khả thi, có trọng tâm, trọng điểm. Phân công trách nhiệm cụ thể, thực hiện tốt công tác phối kết hợp, các hoạt động phải tiến hành đồng bộ, xuyên suốt, tạo được sức lan tỏa, khai thác, lồng ghép các chương trình, dự án, đề án có liên quan để tăng cường nguồn lực.

Đảm bảo giải quyết được một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ, trẻ em; lấy phụ nữ làm trung tâm, vừa là chủ thể vừa là đối tượng thụ hưởng; chuyển biến rõ nét trong việc phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội ưu tiên.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu giai đoạn 2017 - 2022

- Hàng năm, có 100% hội viên phụ nữ; 30% ông bố, bà mẹ có con dưới 16 tuổi được cung cấp thông tin, kiến thức về giữ gìn, rèn luyện phẩm chất đạo đức và ý thức chấp hành pháp luật; kiến thức làm cha mẹ; khả năng, vai trò của phụ nữ trong bảo đảm an toàn thực phẩm.

- Có 80% cán bộ chuyên trách của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể có liên quan tham gia triển khai thực hiện kế hoạch được bồi dưỡng nâng cao năng lực về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng nhằm hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội.

- Hàng năm, có ít nhất 16.000 phụ nữ được tiếp cận, cung cấp kiến thức, kỹ năng phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, bạo lực gia đình, sẵn sàng lên tiếng trước các hành vi bạo lực.

- Hàng năm, 100% ấp, khóm; 100% hội viên phụ nữ; 30% ông bố, bà mẹ có con dưới 16 tuổi được tuyên truyền nâng cao nhận thức pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới, phòng chống xâm hại phụ nữ, trẻ em, phòng chống mua bán người.

- Các vụ việc xâm hại, bạo lực nghiêm trọng đối với phụ nữ, trẻ em xảy ra trên địa bàn Hội phải biết và phản ánh kịp thời đến cơ quan hữu quan theo quy định.

- Hàng năm, mỗi xã, phường, thị trấn chỉ đạo các ngành chức năng tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ ít nhất 01 phụ nữ còn thiếu kiến thức, kỹ năng, có nguy cơ hoặc vi phạm đạo đức, pháp luật trong các vấn đề xã hội nổi cộm có chuyn biến tích cực về hành vi.

- Mỗi xã, phường, thị trấn xây dựng được ít nhất 01 mô hình vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết, giám sát một số vấn đề xã hội ưu tiên có thể nhân rộng.

- 100% ấp, khóm xây dựng, duy trì hoạt động địa chỉ tin cậy tại cộng đồng.

2. Phấn đấu đến năm 2027

- Hàng năm, 100% hội viên phụ nữ, 30% ông bố, bà mẹ có con dưới 16 tuổi được cung cấp thông tin, kiến thức về sự cần thiết phải giữ gìn và rèn luyện phẩm chất đạo đức, ý thức chấp hành pháp luật; về giáo dục làm cha mẹ; về khả năng, vai trò của phụ nữ trong bảo đảm an toàn thực phẩm; phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, trong đó 60% thực hiện chuyển đổi hành vi.

- Có 95% cán bộ chuyên trách của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể có liên quan tham gia triển khai thực hiện kế hoạch được bồi dưỡng nâng cao năng lực về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng nhằm hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết các vấn đề xã hội ưu tiên.

- Hàng năm, có ít nhất 16.000 phụ nữ được cung cấp kiến thức, kỹ năng phòng chống bạo lực giới, bạo lực gia đình; sẵn sàng lên tiếng trước các hành vi bạo lực.

- Hàng năm, mỗi xã, phường, thị trấn tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ ít nhất 01 phụ nữ còn thiếu kiến thức, kỹ năng, có nguy cơ hoặc vi phạm đạo đức, pháp luật trong các vấn đề xã hội nổi cộm có chuyển biến tích cực về hành vi.

- Các vụ việc xâm hại, bạo lực nghiêm trọng đối với phụ nữ, trẻ em xảy ra trên địa bàn Hội phải biết và phản ánh kịp thời đến cơ quan hữu quan theo quy định.

- Các mô hình hiệu quả về vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết, giám sát một số vấn đề xã hội ưu tiên được duy trì và nhân rộng, làm cơ sở để đề xuất các chính sách.

[...]