Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Kế hoạch 103/KH-UBND năm 2022 thực hiện Quyết định 1163/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược "Phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế

Số hiệu 103/KH-UBND
Ngày ban hành 15/03/2022
Ngày có hiệu lực 15/03/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Thừa Thiên Huế
Người ký Phan Quý Phương
Lĩnh vực Thương mại,Công nghệ thông tin

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 103/KH-UBND

Thừa Thiên Huế, ngày 15 tháng 3 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI QUYẾT ĐỊNH SỐ 1163/QĐ-TTG NGÀY 13/7/2021 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ PHÊ DUYỆT CHIẾN LƯỢC “PHÁT TRIỂN THƯƠNG MẠI TRONG GIAI ĐOẠN ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2045” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

Thực hiện Quyết định số 1163/QĐ-TTg ngày 13 tháng 7 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Chiến lược "Phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045"; Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện như sau:

I. MỤC ĐÍCH YÊU CẦU

1. Mục đích

- Xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Chiến lược "Phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" phù hợp với điều kiện thực tiễn của tỉnh, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của tỉnh vừa góp phần phát triển thương mại trong nước.

- Khai thác tiềm năng thế mạnh của tỉnh, tranh thủ cơ hội của hội nhập kinh tế quốc tế, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư để phát triển thương mại trên địa bàn tỉnh trở thành cầu nối vững chắc giữa sản xuất với tiêu dùng, đóng vai trò quan trọng trong định hướng, dẫn dắt cho sản xuất phát triển theo tín hiệu của thị trường.

- Thúc đẩy phát triển thương mại trên địa bàn tỉnh, đồng thời tăng cường quản lý nhà nước, xây dựng ngành thương mại của tỉnh theo hướng văn minh, hiện đại gắn với bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp, quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng.

2. Yêu cầu

- Bám sát các nhiệm vụ, giải pháp được xác định trong kế hoạch và thực tiễn hoạt động sản xuất, kinh doanh thương mại của tỉnh để cụ thể hóa bằng các nội dung, nhiệm vụ giải pháp và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị liên quan trên địa bàn tỉnh.

- Bảo đảm sự phối hợp thường xuyên, hiệu quả giữa các sở, ban, ngành, địa phương và các đơn vị có liên quan trong việc thực hiện Kế hoạch.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung:

- Phát triển thương mại trên cơ sở phát huy lợi thế so sánh của địa phương, giá trị văn hóa trong thương mại truyền thống, đồng thời tăng cường ứng dụng công nghệ, hiện đại hóa và tối ưu hóa phương thức lưu chuyển, giao dịch hàng hóa; đảm bảo nhu cầu sản xuất, tiêu dùng, chất lượng hàng hóa và ổn định thị trường; tăng khả năng kết nối giữa hệ thống phân phối và cơ sở sản xuất, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm địa phương, đưa hàng hóa sản xuất tại địa phương vào các kênh phân phối trên thị trường; phát triển thương mại gắn liền phát triển các ngành dịch vụ du lịch, tài chính, vận tải và động lực thúc đẩy phát triển sản xuất, góp phần tích cực trong quá trình phát triển kinh tế địa phương.

- Phát triển các loại hình thương mại đồng bộ, phù hợp với bản sắc văn hóa và phong tục, tập quán của dân cư; gắn với việc xây dựng, quảng bá hình ảnh Thừa Thiên Huế ra thị trường khu vực và thế giới.

- Phát triển thương mại theo hướng “văn minh, hiện đại, xanh và bền vững”, gắn liền với phát triển du lịch và dịch vụ, đưa thương mại - dịch vụ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và có tốc độ phát triển nhanh hơn tốc độ tăng trưởng GDP của tỉnh.

2. Mục tiêu cụ thể:

a) Giai đoạn 2021 - 2030

- Phấn đấu đóng góp của ngành thương mại vào tổng sản phẩm của tỉnh đạt tỷ trọng 12-15% vào năm 2025 và 13-18% vào năm 2030.

- Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt khoảng 60 nghìn tỷ đồng vào năm 2025 và đạt khoảng 100 nghìn tỷ đồng vào năm 2030.

- Tỷ trọng mức bán lẻ hàng hóa qua mạng lưới thương mại hiện đại đạt 20% vào năm 2025, 35% vào năm 2030.

- Kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 10-12%/năm. Kim ngạch xuất khẩu năm 2025 đạt 1,5 tỉ USD vào năm 2030 đạt 2,5 tỉ USD.

- Về thương mại điện tử: hoàn thiện hành lang pháp lý trong lĩnh vực công nghệ thông tin, tăng cường đầu tư công nghệ, hạ tầng kỹ thuật hiện đại, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người tiêu dùng tham gia giao dịch. Phấn đấu giai đoạn 2021 - 2030 trên 40% các doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động trong lĩnh vực thương mại (bao gồm các doanh nghiệp thương mại nhỏ và vừa, các doanh nghiệp chuyển đổi từ cơ sở kinh tế cá thể thương mại và doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo) tham gia các sàn thương mại điện tử trong và ngoài nước, 70-80% doanh nghiệp có website riêng để quảng bá thương hiệu sản phẩm...

- Tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, cạnh tranh lành mạnh cho các thành phần kinh tế tham gia thị trường; hình thành khung chính sách về hỗ trợ triển khai, phát triển có hiệu quả các mô hình phân phối xanh bền vững.

- Hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại phát triển đồng bộ, đa dạng, kết hợp hài hòa giữa thương mại truyền thống với thương mại hiện đại, phù hợp với trình độ phát triển của thị trường trên từng địa bàn; hạ tầng thương mại khu vực thành thị được hiện đại hóa, áp dụng công nghệ số hóa trong quản lý, khai thác, vận hành; hạ tầng thương mại thiết yếu khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa được phát triển đầy đủ, phục vụ hiệu quả cho hoạt động kinh doanh và nhu cầu sinh hoạt cho người dân.

b) Giai đoạn 2031 - 2045

- Đóng góp của ngành thương mại vào tổng sản phẩm của tỉnh đạt tỷ trọng 15-16% vào năm 2045.

- Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt khoảng 270 nghìn tỷ đồng vào năm 2045.

[...]