Quyết định 557/QĐ-UBND phê duyệt Chương trình Phát triển thương mại điện tử tỉnh Điện Biên năm 2022

Số hiệu 557/QĐ-UBND
Ngày ban hành 30/03/2022
Ngày có hiệu lực 30/03/2022
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Điện Biên
Người ký Phạm Đức Toàn
Lĩnh vực Thương mại,Công nghệ thông tin

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐIỆN BIÊN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 557/QĐ-UBND

Điện Biên, ngày 30 tháng 3 năm 2022

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ TỈNH ĐIỆN BIÊN NĂM 2022

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐIỆN BIÊN

Căn cứ Luật tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Luật Giao dịch điện tử ngày 29/11/2005;

Căn cứ Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 của Chính phủ về thương mại điện tử;

Căn cứ Quyết định số 645/QĐ-TTg ngày 15/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021-2025;

Căn cứ Quyết định số 708/QĐ-UBND ngày 22/7/2020 của UBND tỉnh Điện Biên về việc ban hành Kế hoạch Phát triển thương mại điện tử tỉnh Điện Biên giai đoạn 2021-2025;

Căn cứ Quyết định số 2951/QĐ-BCT ngày 27/12/2021 của Bộ Công Thương về việc phê duyệt các đề án thuộc Chương trình phát triển thương mại điện tử quốc gia năm 2022;

Xét đề nghị của Sở Công Thương tại Tờ trình số: 364/TTr-SCT ngày 19/03/2022.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Chương trình Phát triển thương mại điện tử tỉnh Điện Biên năm 2022, với nội dung như sau:

1. Mục tiêu

- Đẩy mạnh tuyên truyền kiến thức pháp luật về thương mại điện tử cho cộng đồng; cung cấp những những kiến thức cơ bản, kỹ năng cần thiết nhằm triển khai và ứng dụng có hiệu quả các hoạt động thương mại điện tử vào hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

- Giúp doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, nâng cao hiệu quả kinh doanh, cải thiện khả năng quản lý hiệu quả các nguồn lực, đồng thời giảm chi phí hoạt động của doanh nghiệp, tăng năng lực cốt lõi và lợi thế chiến lược, thúc đẩy phát triển thương mại điện tử trong ngành kinh doanh bán lẻ.

- Hỗ trợ, thúc đẩy việc ứng dụng thương mại điện tử trong doanh nghiệp và cộng đồng, duy trì các dịch vụ hỗ trợ ứng dụng thương mại điện tử.

- Phát triển thương mại điện tử để góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong hội nhập kinh tế quốc tế, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

2. Các chương trình phát triển thương mại điện tử năm 2022

a) Tổ chức lớp đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thương mại điện tử tỉnh Điện Biên.

Tổ chức 01 lớp đào tạo, tập huấn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thương mại điện tử cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh với nội dung “ Thiết lập hệ thống kênh bán hàng trực tuyến”.

b) Duy trì bản đồ số ngành công thương tại website congthuongdienbien.com. Duy trì 4 năm phần mềm Bản đồ số về các doanh nghiệp, cơ sở, đại lý phân phối hàng Việt trên địa bàn tỉnh Điện Biên; tích hợp bằng tọa độ trên Bản đồ với tên miền http://congthuongdienbien.com phục vụ nhu cầu cung cấp thông tin cho sản xuất kinh doanh và tiêu dùng hàng Việt của doanh nghiệp và người dân trên địa bàn tỉnh.

c) Tổ chức khảo sát học tập kinh nghiệm về thương mại điện tử.

Tổ chức đoàn khảo sát học tập kinh nghiệm phát triển thương mại điện tử tại một số tỉnh ứng dụng thành công thương mại điện tử và có chỉ số thương mại điện tử cao để học tập trao đổi kinh nghiệm điều hành, và các giải pháp nhằm giúp doanh nghiệp tiếp cận lĩnh vực thương mại điện tử, trao đổi những kinh nghiệm trong công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực thương mại điện tử cũng như những vướng mắc, khó khăn khi thực hiện thương mại điện tử, gồm: Hà Nội, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An.

d) Hỗ trợ Doanh nghiệp, hợp tác xã ứng dụng chứng thư số trên USB token. Hỗ trợ 15 doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở kinh doanh trên địa bàn tỉnh sử dụng Chứng thư số trên USB token dùng để xác nhận danh tính của một đối tượng trong môi trường máy tính và internet của tổ chức sử dụng dịch vụ chứng thực chữ ký số. Dùng để ký thay cho chữ ký thông thường hoặc con dấu của tổ chức, được ký trên các ứng dụng của bên thứ 3 như Thuế, Bảo hiểm xã hội, Hải quan,...

e) Tổ chức thực hiện đề án thuộc chương trình phát triển thương mại điện tử quốc gia.

Hỗ trợ 15 doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở kinh doanh trên địa bàn tỉnh Điện Biên ứng dụng giải pháp bán hàng thông minh cho các nhà bán lẻ: Phần mềm quản lý bán hàng thông minh là một hệ thống được sử dụng để tiết kiệm thời gian và chi phí, có thể xử lý một khối lượng dữ liệu lớn, nâng cao hiệu quả kinh doanh, cải thiện khả năng quản lý hiệu quả các nguồn lực, đồng thời giảm chi phí hoạt động của doanh nghiệp. Phần mềm cho phép các đơn vị kinh doanh tập trung vào năng lực cốt lõi và lợi thế chiến lược, ngoài ra còn giúp sắp xếp các mục tiêu kinh doanh của doanh nghiệp với các chương trình khuyến mãi và bán hàng, thúc đẩy phát triển thương mại điện tử trong ngành kinh doanh bán lẻ.

Điều 2. Kinh phí thực hiện

- Nguồn ngân sách Trung ương: 150.000.000 đồng (Một trăm năm mươi triệu đồng chẵn) theo Quyết định số 2951/QĐ-BCT ngày 27/12/2021 của Bộ Công Thương.

[...]