Kế hoạch 200/KH-UBND năm 2021 thực hiện Chiến lược “Phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” trên địa bàn thành phố Đà Nẵng

Số hiệu 200/KH-UBND
Ngày ban hành 23/11/2021
Ngày có hiệu lực 23/11/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Đà Nẵng
Người ký Trần Phước Sơn
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 200/KH-UBND

Đà Nẵng, ngày 23 tháng 11 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC “PHÁT TRIỂN THƯƠNG MẠI TRONG NƯỚC GIAI ĐOẠN ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2045” TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

Thực hiện Quyết định số 1163/QĐ-TTg ngày 13/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược “Phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” (sau đây gọi là Chiến lược), UBND thành phố Đà Nẵng xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Tuyên truyền, phổ biến và triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả Chiến lược “Phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” gắn với thực hiện các đề án, nghị quyết, kết luận, kế hoạch của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXII và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn;

2. Cụ thể hóa quan điểm, mục tiêu, định hướng và nhiệm vụ, giải pháp của Chiến lược phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, gắn với trách nhiệm thực hiện của từng sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, các cơ quan, đơn vị có liên quan, đồng thời đảm bảo tính khả thi và hiệu quả trong quá trình thực hiện.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

Xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm thương mại của khu vực miền Trung - Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung; phát triển ngành thương mại theo hướng hiện đại, tăng trưởng nhanh và bền vững; mạng lưới siêu thị, trung tâm thương mại trở thành kênh bán buôn, bán lẻ hàng hóa chủ yếu tại khu vực đô thị; thúc đẩy việc ứng dụng rộng rãi thương mại điện tử trong doanh nghiệp và cộng đồng; đẩy mạnh hình thức mua sắm trực tuyến, thanh toán trực tuyến; từng bước thay đổi thói quen mua sắm, hành vi tiêu dùng của người tiêu dùng theo hướng văn minh, hiện đại; tạo cầu nối vững chắc giữa sản xuất với tiêu dùng, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh phát triển, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân, đảm bảo an ninh quốc phòng.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Giai đoạn 2021-2030

- Tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa dự kiến đạt bình quân 8-10% đến năm 2025; 10-12% đến năm 2030;

- 100% các doanh nghiệp kinh doanh siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn thành phố có hệ thống đảm bảo cung cấp nguồn hàng ổn định theo hợp đồng cung ứng với các cơ sở sản xuất hoặc cung cấp dịch vụ phân phối; hình thành hoặc thu hút ít nhất 01 doanh nghiệp quy mô lớn hoạt động trong lĩnh vực phân phối, có trụ sở chính tại thành phố Đà Nẵng, đủ sức cạnh tranh và điều kiện để hợp tác hiệu quả với các tập đoàn phân phối nước ngoài trong bối cảnh hội nhập. Đến năm 2030, chỉ tiêu này tăng lên 05 doanh nghiệp.

Đến năm 2030, thu hút và phát triển mới 05 trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm hiện đại phục vụ du lịch, 10 siêu thị; xây dựng trung tâm thương mại miễn thuế (duty free), cửa hàng (outlet) đẳng cấp; 02 chợ bán buôn (xây dựng mới chợ đầu mối Hòa Phước, nâng cấp chợ đầu mối thủy sản Thọ Quang); đầu tư nâng cấp, mở rộng quy mô và xây mới từ 20-30 chợ bán lẻ; phát triển mới các chợ đêm, chợ chuyên doanh trên địa bàn thành phố.

- Đến năm 2025, Đà Nẵng thuộc nhóm 03 địa phương dẫn đầu về thương mại điện tử của cả nước; 90% doanh nghiệp có tài khoản giao dịch thương mại điện tử; tối thiểu 50% dân số tham gia các hoạt động mua sắm trực tuyến; doanh số thương mại điện tử B2C (kinh doanh từ doanh nghiệp, công ty tới khách hàng) chiếm ít nhất 10% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của thành phố; phấn đấu đạt 50% số doanh nghiệp nhỏ và vừa sản xuất, kinh doanh sản phẩm, hàng hóa phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu tham gia các sàn thương mại điện tử lớn trong và ngoài nước, bao gồm mạng xã hội có chức năng sàn thương mại điện tử.

b) Giai đoạn 2031-2045

- Tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa dự kiến đến năm 2045 đạt bình quân 13-15%/năm;

- Đến năm 2045, phấn đấu tăng tỷ trọng bán lẻ hàng hóa qua hệ thống phân phối hiện đại trong tổng mức bán lẻ hàng hóa trên địa bàn thành phố lên mức tối thiểu 80%. Hình thành hệ thống doanh nghiệp thương mại đảm nhận vai trò nòng cốt trong điều tiết thị trường;

- Thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ, đóng vai trò chủ đạo trong giao dịch thương mại; phấn đấu đạt trên 70% số doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động trong lĩnh vực thương mại (bao gồm các doanh nghiệp thương mại nhỏ và vừa, các doanh nghiệp chuyển đổi từ cơ sở kinh tế cá thể thương mại và doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo) tham gia các sàn thương mại điện tử lớn trong và ngoài nước;

- Hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại được hiện đại hóa, được dán nhãn công trình thương mại xanh, bảo đảm vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, phòng chống cháy nổ...; 100% các hệ thống hạ tầng thương mại khu vực thành thị vận hành dựa trên áp dụng công nghệ số hóa, hạ tầng thương mại khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo phát triển đầy đủ theo quy hoạch, các loại hình hiện đại như cửa hàng tiện lợi, siêu thị chuyên doanh, trung tâm thương mại chiếm số lượng lớn, dần đảm nhiệm vai trò chủ đạo trong phân phối bán lẻ hàng hóa trên thị trường.

III. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU PHÁT TRIỂN THƯƠNG MẠI THÀNH PHỐ GIAI ĐOẠN ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2045

1. Thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và quản lý hoạt động thương mại theo cam kết quốc gia và quốc tế

- Rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp với các quy định và điều kiện thực tế của địa phương để thúc đẩy hoạt động thương mại trên địa bàn thành phố phát triển. Trong đó, tập trung rà soát, sửa đổi và triển khai chính sách hỗ trợ xúc tiến thương mại của thành phố Đà Nẵng ban hành tại Quyết định số 13/2016/QĐ-UBND ngày 20/4/2016 của UBND thành phố Đà Nẵng Quy định về xây dựng, quản lý và chính sách hỗ trợ thực hiện chương trình xúc tiến thương mại của thành phố Đà Nẵng; lập đề án xây dựng và triển khai chính sách phát triển sản phẩm thương mại mang tính đặc trưng của thành phố Đà Nẵng;

- Xây dựng và triển khai hiệu quả Kế hoạch tổng thể Cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030 tại thành phố Đà Nẵng; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh nhằm thu hút đầu tư và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thành phố; đẩy nhanh việc cung ứng và nâng cấp các dịch vụ công trực tuyến cho các chủ thể hoạt động kinh doanh trên thị trường.

- Triển khai chính sách, áp dụng các quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn về phát triển hệ thống phân phối xanh, bền vững, trước hết áp dụng đối với hệ thống phân phối bán lẻ gồm: Chợ, trung tâm thương mại, siêu thị trên địa bàn thành phố.

- Hướng dẫn triển khai Nghị định số 85/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 của Chính phủ về thương mại điện tử.

2. Gia tăng cầu tiêu dùng cuối cùng trong nước, phát triển doanh nghiệp phân phối, gắn kết lưu thông với sản xuất, đẩy mạnh liên kết các chuỗi cung ứng sản phẩm, hàng hóa

- Triển khai hiệu quả Kế hoạch thực hiện Đề án Đổi mới phương thức kinh doanh, tiêu thụ nông sản trên địa bàn thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030[1]; Kế hoạch thực hiện Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2021-2025[2];

[...]