Kế hoạch 100/KH-UBND năm 2023 thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ tiếp tục thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa do tỉnh Hưng Yên ban hành

Số hiệu 100/KH-UBND
Ngày ban hành 15/06/2023
Ngày có hiệu lực 15/06/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Hưng Yên
Người ký Nguyễn Lê Huy
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HƯNG YÊN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 100/KH-UBND

Hưng Yên, ngày 15 tháng 6 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA CHÍNH PHỦ TIẾP TỤC THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 10-NQ/TW NGÀY 03 THÁNG 6 NĂM 2017 HỘI NGHỊ LẦN THỨ NĂM BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG KHÓA XII VỀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ TƯ NHÂN TRỞ THÀNH MỘT ĐỘNG LỰC QUAN TRỌNG CỦA NỀN KINH TẾ THỊ TRƯỜNG ĐỊNH HƯỚNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA

Thực hiện Nghị quyết số 45/NQ-CP ngày 31/3/2023 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 03/6/2017 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện với những nội dung như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Việc xây dựng và ban hành Kế hoạch nhằm quán triệt và chỉ đạo các cấp, các ngành tiếp tục tập trung tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 03 tháng 6 năm 2017 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (sau đây gọi tắt là Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 03/6/2017 Ban Chấp hành Trung ương Đảng).

2. Cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp đề ra tại Chương trình hành động của Chính phủ (Nghị quyết số 45/NQ-CP ngày 31/3/2023 của Chính phủ) phù hợp với đặc điểm tình hình, điều kiện thực tế của tỉnh, đảm bảo tính thiết thực, hiệu quả và khả thi cao nhất. Đồng thời triển khai nhanh, quyết liệt các giải pháp đã đề ra; tổ chức kiểm tra, theo dõi, giám sát thường xuyên tiến độ triển khai các giải pháp.

3. Triển khai thực hiện Nghị quyết số 45/NQ-CP ngày 31/3/2023 của Chính phủ phải đảm bảo tính đồng bộ, nhất quán trong thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế tư nhân. Xác định rõ trách nhiệm, nhiệm vụ của các cấp, các ngành; nêu cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu các cấp, các ngành trong tổ chức triển khai thực hiện.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

Phát triển kinh tế tư nhân thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa góp phần phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, trong đó chú trọng sự phát triển bền vững không chỉ số lượng mà còn cả chất lượng, trong xu hướng phát triển các ngành, nghề mới liên quan đến kinh tế số, đổi mới sáng tạo trong thời gian tới.

Khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, thúc đẩy doanh nghiệp khu vực tư nhân tăng trưởng chất lượng và hiệu quả, tạo nền tảng vững chắc, động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hưng Yên trong giai đoạn tiếp theo.

2. Mục tiêu cụ thể

- Phấn đấu đến năm 2025 toàn tỉnh đạt 18.000 doanh nghiệp, năm 2030 có ít nhất 24.000 doanh nghiệp.

- Khu vực doanh nghiệp đóng góp khoảng 65-70% GDP toàn tỉnh, khoảng 30-35% tổng việc, 98-99% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu.

- 100% cơ sở kinh doanh bao gồm doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được nâng cao nhận thức về chuyển đổi số.

- Năng suất lao động tăng khoảng 5%/năm; Khoảng 35-40% tổng số doanh nghiệp có hoạt động ứng dụng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo.

III. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Tiếp tục tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho phát triển kinh tế tư nhân

1.1. Các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan liên quan

- Tiếp tục triển khai quyết liệt, thực hiện nghiêm túc theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao tại Nghị quyết, Chương trình, Kế hoạch của Trung ương, của Tỉnh cụ thể: (1) Kết luận số 223-KL/TU ngày 24/6/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Đề án đẩy mạnh thu hút đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; (2) Quyết định số 2136/QĐ-UBND ngày 07/9/2021 của UBND tỉnh về Đề án thu hút đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2021, định hướng đến năm 2030; (3) Chương trình hành động số 12a/CTr-UBND ngày 30/01/2023 của UBND tỉnh về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023; (4) Chương trình hành động số 88/CTr-UBND ngày 23/5/2023 của UBND tỉnh về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 21/4/2023 của Chính phủ về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025; (5) Quyết định số 1076/QĐ-UBND ngày 15/5/2023 của UBND tỉnh về việc ban hành Đề án xác định Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, cấp huyện (DDCI) trên địa bàn tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2023-2025 và các chương trình, kế hoạch khác có liên quan.

- Quán triệt, thống nhất nhận thức, tư tưởng, hành động trong triển khai các chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế tư nhân. Xác định các nhiệm vụ, giải pháp để cụ thể hóa các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế tư nhân tại Nghị quyết số 10-NQ/TW, phải đồng thời gắn với thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, các nghị quyết của Trung ương, của Tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội. Kế thừa, phát huy những kết quả đạt được và khắc phục những hạn chế yếu kém trong tổ chức thực hiện ở giai đoạn trước; trong đó chú trọng sự phát triển bền vững cả về số lượng và chất lượng, trong xu hướng phát triển các ngành nghề mới liên quan đến kinh tế số, đổi mới sáng tạo.

- Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ năng lực, phẩm chất đạo đức công vụ thực hiện tốt nhiệm vụ; xây dựng nền công vụ hiện đại, lấy doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ. Công khai quy trình, thủ tục và cán bộ công chức có trách nhiệm xử lý hồ sơ thủ tục hành chính trên Trang/Cổng thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị; kiên quyết xử cán bộ, công chức vi phạm, gây phiền hà cho doanh nghiệp.

- Tăng cường, nâng cao hiệu quả các hoạt động đối thoại doanh nghiệp ở các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở. Chủ động tiếp thu, nắm bắt tình hình, giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, hộ kinh doanh, với tinh thần “Lắng nghe, thấu hiểu và đồng hành cùng doanh nghiệp”.

1.2. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan

Triển khai các chương trình, kế hoạch hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, cụ thể:

- Tham mưu xây dựng các giải pháp nhằm phấn đấu đạt mục tiêu nâng hạng các chỉ số về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh đến năm 2025 đã đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 06/01/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023; cải thiện Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) tỉnh Hưng Yên trong giai đoạn tiếp theo; góp phần tạo đột phá, động lực và thiết thực trong cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh bền vững.

- Hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút đầu tư. Rà soát, kiến nghị đưa ra khỏi danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện đối với những ngành nghề có thể áp dụng các biện pháp quản lý khác hiệu quả hơn.

- Tiếp tục rà soát, kiến nghị bãi bỏ các điều kiện kinh doanh quy định tại các luật chuyên ngành liên quan theo hướng bãi bỏ điều kiện kinh doanh không phù hợp, thiếu thực tế, không khả thi.

[...]