Chương trình hành động 88/CTr-UBND năm 2023 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Nghị quyết 58/NQ-CP về chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025 do tỉnh Hưng Yên ban hành

Số hiệu 88/CTr-UBND
Ngày ban hành 23/05/2023
Ngày có hiệu lực 23/05/2023
Loại văn bản Văn bản khác
Cơ quan ban hành Tỉnh Hưng Yên
Người ký Nguyễn Lê Huy
Lĩnh vực Doanh nghiệp

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HƯNG YÊN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 88/CTr-UBND

Hưng Yên, ngày 23 tháng 5 năm 2023

 

CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG

VỀ NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 58/NQ-CP NGÀY 21/4/2023 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ MỘT SỐ CHÍNH SÁCH, GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP CHỦ ĐỘNG THÍCH ỨNG, PHỤC HỒI NHANH VÀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG ĐẾN NĂM 2025

Thực hiện Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 21/4/2023 của Chính phủ về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Chương trình hành động với những nội dung như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Quán triệt và cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp được xác định trong Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 21/4/2023 của Chính phủ về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025.

2. Triển khai nhanh, quyết liệt các giải pháp đã đề ra, sát và phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương; đồng thời tổ chức kiểm tra, theo dõi, giám sát thường xuyên tiến độ triển khai các giải pháp.

II. CÁC CHỈ TIÊU PHẤN ĐẤU

Phấn đấu đến năm 2025:

1. Toàn tỉnh đạt 18.000 doanh nghiệp.

2. Khu vực doanh nghiệp đóng góp khoảng 65-70% GDP cả nước, khoảng 30-35% tổng việc làm trong nền kinh tế, 98-99% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu.

3. Khoảng 35-40% tổng số doanh nghiệp có hoạt động ứng dụng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo.

4. 100% cơ sở kinh doanh bao gồm doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được nâng cao nhận thức về chuyển đổi số.

5. 100% thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp đủ điều kiện được cung cấp dịch vụ công trực tuyến.

6. 80% doanh nghiệp sử dụng lao động qua đào tạo.

IV. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

A. Nhóm nhiệm vụ, giải pháp cần triển khai trong ngắn hạn

1. Khẩn trương tháo gỡ các vướng mắc, rào cản về pháp lý nhằm khơi thông nguồn lực cho đầu tư sản xuất kinh doanh

a) Các sở, ban, ngành và địa phương:

- Thực hiện rà soát tham mưu cấp có thẩm quyền tháo gỡ vướng mắc cho các dự án đầu tư đã được cấp phép, chưa triển khai hoặc đang triển khai nhằm khơi thông nguồn lực đầu tư cho sản xuất kinh doanh và phát triển kinh tế;

- Thông qua rà soát, tháo gỡ vướng mắc cho các dự án đầu tư xây dựng, đẩy mạnh công tác thực hiện, tạo điều kiện xử lý nhanh, đúng quy định pháp luật các thủ tục liên quan lĩnh vực xây dựng đối với các dự án bất động sản trên địa bàn đã đáp ứng đủ điều kiện để các doanh nghiệp bất động sản, xây dựng sớm triển khai theo quyết định đầu tư được phê duyệt và sớm hoàn thành đưa sản phẩm ra thị trường.

- Chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng; rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục liên quan đến việc triển khai đầu tư dự án. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch có biện pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các công trình, dự án trên địa bàn quản lý, sớm bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư (đối với dự án ngoài ngân sách) và nhà thầu thi công (đối với dự án đầu tư công) để triển khai đầu tư dự án.

b) Sở Xây dựng: Tiếp tục giám sát chặt chẽ hoạt động của thị trường bất động sản và việc huy động vốn của các doanh nghiệp. Chủ trì, hướng dẫn các Sở, ngành và địa phương, các chủ đầu tư dự án khẩn trương rà soát, kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc về PCCC trong đầu tư xây dựng nhà và công trình hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; Xác định nguyên nhân của những khó khăn, vướng mắc liên quan đến PCCC; Đề xuất những giải pháp bổ sung, sửa đổi cụ thể những quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đảm bảo phù hợp với thực tiễn tình hình của tỉnh, địa phương.

c) Sở Kế hoạch và Đầu tư và các sở ban ngành có liên quan: Đẩy mạnh công tác thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, chú trọng hơn ở các khu vực trọng điểm để thúc đẩy lan tỏa phát triển.

d) Cục thuế tỉnh: Đẩy mạnh cải cách hành chính thuế, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý thuế. Đảm bảo công khai, minh bạch và nâng cao trách nhiệm của cơ quan Nhà nước; hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thu hút đầu tư, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, nhờ đó góp phần tăng thu ngân sách. Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế, tạo mọi điều kiện cho người nộp thuế.

đ) Sở Tài nguyên và Môi trường: Tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, ngăn chặn tình trạng sử dụng đất lãng phí, sai mục đích. Hoàn thành và phê duyệt phê duyệt Kế hoạch sử dụng đất tỉnh thời kỳ 2021-2025; thẩm định, phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 cấp huyện; phê duyệt điều chỉnh, bổ sung KHSDĐ năm 2023 cấp huyện. Thực hiện tốt Đề án nâng cao hiệu quả trong công tác giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục thực hiện Kế hoạch số 93A/KH-UBND ngày 31/3/2017 của UBND tỉnh. Tham mưu xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở phát sinh chất thải lớn, các cơ sở là điểm nóng về ô nhiễm môi trường; phối hợp kiểm soát, xử lý, giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước sông Bắc Hưng Hải và cải thiện môi trường các kênh, mương, ao hồ trên địa bàn tỉnh.

e) Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn: Khẩn trương xây dựng Đề án “Chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Tiếp tục phối hợp, tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 214/2019/NQ-HĐND ngày 10/7/2019 của HĐND tỉnh về một số chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh Hưng Yên; Kế hoạch đổi mới, phát triển các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác trong nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025, nhằm củng cố và phát triển kinh tế hợp tác, tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện cho các HTX tổ chức hoạt động có hiệu quả; hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các hợp tác xã nông nghiệp dễ dàng tiếp cận về tín dụng, đào tạo, đất đai, thị trường,... Từng bước phát triển HTX đơn dịch vụ thành hợp tác xã đa dịch vụ cung cấp đầu vào, tổ chức đầu ra, song hành cùng với các doanh nghiệp trong phát triển sản xuất.

2. Hỗ trợ giảm chi phí cho doanh nghiệp, tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, nguồn lực hỗ trợ của nhà nước

a) Sở Tài chính: Sau khi có Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính về sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước vốn chi thường xuyên hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa theo Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26/8/2021 của Chính phủ, Sở Tài chính chủ động tham mưu UBND cơ chế hỗ trợ với các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh. Trong những năm tiếp theo, căn cứ khả năng cân đối của ngân sách địa phương và đề xuất của các cơ quan, đơn vị, Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh bố trí dự toán kinh phí ngân sách tỉnh cho các sở, ngành để thực hiện các nhiệm vụ hỗ trợ hoạt động xúc tiến thương mại và hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

[...]