Công văn 5442/VKSTC-V14 năm 2020 về giải đáp khó khăn, vướng mắc liên quan đến quy định của Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và thi hành án dân sự do Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành

Số hiệu 5442/VKSTC-V14
Ngày ban hành 30/11/2020
Ngày có hiệu lực 30/11/2020
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Viện kiểm sát nhân dân tối cao
Người ký Hoàng Thị Quỳnh Chi
Lĩnh vực Trách nhiệm hình sự,Thủ tục Tố tụng

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN
TỐI CAO

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 5442/VKSTC-V14
V/v giải đáp một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến quy định của BLHS, BLTTHS năm 2015 và thi hành án hình sự

Hà Nội, ngày 30 tháng 11 năm 2020

 

Kính gửi:

- Viện trưởng VKS quân sự trung ương;
- Thủ trưởng đơn vị thuộc VKSND tối cao: Vụ 1, Vụ 2, Vụ 3, Vụ 4, Vụ 5, Vụ 6, Vụ 7, Vụ 8, Vụ 12, Vụ 13, Cục 1, Văn phòng, Thanh tra, Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội, Trường Đào tạo, bồi dưng nghiệp vụ kiểm sát tại thành phố Hồ Chí Minh;
- Viện trưởng VKSND cấp cao 1, 2, 3;
- Viện trưởng VKSND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Qua thực tiễn công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết vụ án hình sự, kiểm sát thi hành án hình sự, VKSND tối cao nhận được ý kiến phản ánh về khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) (sau đây viết tắt là BLHS năm 2015), Bộ luật Ttụng hình sự năm 2015 (sau đáy viết tắt là BLTTHS năm 2015); khó khăn, vướng mc liên quan đến thi hành án hình sự. Để thống nhất nhận thức các quy định này trong ngành Kiểm sát nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác, VKSND tối cao có ý kiến như sau:

I. Một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến quy định của BLHS năm 2015

1. Khi đã có quyết định khởi tố bị can thì có tiếp tục tính thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hay không?

Trả lời:

Khoản 1 Điều 27 BLHS năm 2015 quy định: “Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là thời hạn do Bộ luật này quy định mà khi hết thời hạn đó thì người phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự”. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là thời hạn mà cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền truy cứu (xác định) trách nhiệm hình sự đối với người đã thực hiện hành vi phạm tội và theo quy định của BLTTHS, khi có đủ căn cứ xác định thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng sẽ ra quyết định khởi tố bị can. Quyết định khởi tố bị can chính là bước xác định trách nhiệm hình sự của người bị buộc tội, căn cứ vào đó, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng sẽ tiến hành các hoạt động điều tra, thu thập chứng cứ để truy tố, xét xử người phạm tội, làm rõ trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội. Do vậy, sau khi có quyết định khởi tố bị can, quá trình điều tra, truy tố, xét xử sẽ không tính thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự (bao gồm cả trường hợp vụ án bị hủy đi hủy lại nhiều lần để xét xử lại hoặc để điều tra lại hoặc trả hồ sơ để điều tra bổ sung nhiều lần...).

Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, nếu tạm đình chỉ điều tra, tạm đình chỉ vụ án đối với bị can và các hoạt động tố tụng bị tạm dừng (trừ trường hợp tạm đình chỉ do không xác định được bị can đang ở đâu và đã có quyết định truy nã) thì thời gian tiến hành các hoạt động nhằm khắc phục lý do tạm đình chỉ như: bắt buộc chữa bệnh, giám định tư pháp, tương trợ tư pháp... sẽ phải được tính vào thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự và nếu hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự mà không chứng minh được tội phạm thì Cơ quan điều tra, VKS, Tòa án sẽ ra quyết định đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án.

Đối với trường hợp sau khi khởi tố bị can, nếu người phạm tội thuộc một trong hai trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 27 BLHS năm 2015: (1) Người phạm tội lại thực hiện hành vi phạm tội mới mà Bộ luật này quy định mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy trên 01 năm tù; (2) Người phạm tội cố tình trốn tránh và đã có quyết định truy nã thì thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ được tính lại kể từ ngày người đó thực hiện hành vi phạm tội mới hoặc kể từ khi người đó ra đầu thú hoặc bị bắt giữ.

2. Việc miễn trách nhiệm hình sự cho người thực hiện tội phạm theo quy định tại khoản 3 Điều 29 BLHS năm 2015 có phải là căn cứ để ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự hay không?

Trả lời:

Chế định miễn trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 29 BLHS năm 2015 chỉ xem xét, áp dụng đối với người đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự, tức là đã có quyết định khởi tbị can đối với họ. Mặt khác, theo quy định tại Điều 157 BLTTHS năm 2015, trong 08 căn cứ không khởi tố vụ án hình sự thì không có căn cứ là miễn trách nhiệm hình sự cho người thực hiện tội phạm theo quy định tại khoản 3 Điều 29 BLHS năm 2015. Do vậy, miễn trách nhiệm hình sự cho người thực hiện tội phạm theo quy định tại khoản 3 Điều 29 BLHS năm 2015 không phải là căn cứ để ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự. Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng chỉ ra quyết định không khi tố vụ án hình sự khi có căn cứ quy định tại Điều 157 BLTTHS năm 2015.

Sau khi ra quyết định khởi tố vụ án, quyết định khởi tố bị can, trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, nếu xác định người thực hiện tội phạm thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 29 BLHS năm 2015 thì cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền xem xét, quyết định và thực hiện các thủ tục để miễn trách nhiệm hình sự đối với họ theo quy định của pháp luật.

3. Tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “Xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội” quy định tại điểm o khoản 1 Điều 52 BLHS năm 2015 có áp dụng đối với trường hợp người xúi giục cũng là người dưới 18 tuổi không?

Trả lời:

Điều 90 BLHS năm 2015 quy định: “Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tui phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự theo những quy định của Chương XII; theo quy định khác của Phần thứ nhất của BLHS năm 2015 mà không trái với quy định của Chương này”. Phần thứ nhất và Chương XII của BLHS năm 2015 không có quy định loại trừ việc áp dụng tình tiết tăng nặng “Xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội” đối với người dưới 18 tuổi. Do vậy, nếu người dưới 18 tuổi có hành vi xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội thì vẫn có thể bị xem xét áp dụng tình tiết tăng nặng “Xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội”. Tuy nhiên, khi áp dụng tình tiết này, cần bảo đảm nguyên tắc xử lý đối với người dưới 18 tuổi phạm tội theo quy định tại Điều 91 BLHS năm 2015.

4. Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên có phải là pháp nhân thương mại không? Trường hợp có 02 pháp nhân thương mại trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm thì có được xác định là đồng phạm không?

Trả lời:

4.1. Khoản 2 Điều 75 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Pháp nhân thương mại bao gồm doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác”. Theo Điều 1 và khoản 1 Điều 4 Luật Doanh nghiệp năm 2014 thì công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là 01 loại hình doanh nghiệp. Do vậy, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là pháp nhân thương mại.

Theo quy định tại khoản 23 Điều 4 Luật Doanh nghiệp năm 2014 thì “Thành viên công ty là cá nhân, tổ chức sở hữu một phần hoặc toàn bộ vốn điều lệ của công ty trách nhiệm hữu hạn..”. Như vậy, pháp luật không đòi hỏi pháp nhân thương mại phải có từ 02 thành viên trở lên. Do đó, việc quy định điều kiện “lợi nhuận được chia cho các thành viên” của pháp nhân thương mại tại khoản 1 Điều 75 Bộ luật Dân sự năm 2015 cần được hiểu là trong trường hợp pháp nhân thương mại có từ 02 thành viên trở lên thì lợi nhuận được chia cho các thành viên tương ứng với tỷ lệ góp vốn của thành viên tại pháp nhân; trường hợp pháp nhân thương mại chỉ có 01 thành viên thì thành viên đó được hưởng toàn bộ phần lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh.

4.2. Điều 74 BLHS năm 2015 quy định: “Pháp nhân thương mại phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự theo những quy định của Chương này; theo quy định khác của Phần thứ nhất của Bộ luật này không trái với quy định của Chương này. Điều 17 Chương III quy định về đồng phạm không trái với quy định của Chương XI BLHS năm 2015. Do vậy, trường hợp có 02 pháp nhân thương mại trở lên cý cùng thực hiện một tội phạm thì được xác định là đồng phạm.

5. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội đặc biệt nghiêm trọng thì có thể áp dụng biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng không?

Trả lời:

Biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng quy định tại Điều 96 BLHS năm 2015 là biện pháp do Tòa án áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội, nếu thấy do tính chất nghiêm trọng của hành vi phạm tội, do nhân thân và môi trường sống của người đó mà cần đưa người đó vào một tổ chức giáo dục có kỷ luật chặt chẽ.

Khoản 4 và khoản 6 Điều 91 BLHS năm 2015 quy định:

“4. Khi xét xử, Tòa án chỉ áp dụng hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội nếu xét thấy việc miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng một trong các biện pháp quy định tại Mục 2 hoặc việc áp dụng biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng quy định tại Mục 3 Chương này không bảo đảm hiệu quả giáo dục, phòng ngừa.

6. Tòa án chỉ áp dụng hình phạt tù có thời hạn đối với người dưới 18 tuổi phạm tội khi xét thấy các hình phạt và biện pháp giáo dục khác không có tác dụng răn đe, phòng ngừa.

Khoản 1 Điều 430 BLTTHS năm 2015 cũng quy định: “Khi xét thấy không cần thiết phải áp dụng hình phạt thì Hội đồng xét xử quyết định trong bản án việc áp dụng biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội”.

[...]