Công văn 4960/BTP-VP năm 2021 về sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự do Bộ Tư pháp ban hành
Số hiệu | 4960/BTP-VP |
Ngày ban hành | 29/12/2021 |
Ngày có hiệu lực | 29/12/2021 |
Loại văn bản | Công văn |
Cơ quan ban hành | Bộ Tư pháp |
Người ký | Lê Thành Long |
Lĩnh vực | Trách nhiệm hình sự |
BỘ TƯ PHÁP |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 4960/BTP-VP |
Hà Nội, ngày 29 tháng 12 năm 2021 |
Kính gửi: Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng
Bộ Tư pháp nhận được 02 kiến nghị của cử tri thành phố Hải Phòng do Ban Dân nguyện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuyển đến theo Công văn số 418/BDN ngày 02/11/2021 và 01 kiến nghị do Văn phòng Chính phủ chuyển đến theo Công văn số 8243/VPCP-QHĐP ngày 10/11/2021. Sau khi nghiên cứu nội dung các kiến nghị, Bộ Tư pháp xin trả lời như sau:
Kiến nghị số 11: Cử tri phản ánh, hiện nay các quan hệ vay mượn dựa trên các hợp đồng dân sự được thực hiện rất nhiều, tuy nhiên việc xử lý các tranh chấp gặp rất nhiều khó khăn do việc phân định giữa hành vi phạm tội và quan hệ dân sự chưa rõ ràng; việc xác định thủ đoạn gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản quy định tại Bộ luật Hình sự còn có nhiều cách hiểu khác nhau, không thống nhất, cụ thể:
+ Quy định “không có khả năng trả lại tài sản” trong tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản hiện chưa có văn bản hướng dẫn, giải thích cụ thể.
+ Thực tiễn việc chứng minh người vay tài sản bỏ trốn; có hành vi gian dối hoặc có mục đích “bất hợp pháp” là rất khó khăn.
Đề nghị nghiên cứu trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự theo hướng quy định cụ thể các nội dung trên.
Trả lời:
Về cơ bản, quy định của Điều 175 Bộ Luật Hình sự (BLHS) năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) được kế thừa từ quy định của BLHS năm 1999. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm, đặc biệt là tội phạm lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, BLHS năm 2015 đã bổ sung thêm trường hợp “đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả” để xem xét xử lý hình sự đối với hành vi phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Để hướng dẫn áp dụng thống nhất quy định này, theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao sẽ có thẩm quyền hướng dẫn quy định của BLHS bằng Nghị quyết trên cơ sở tổng kết thực tiễn thi hành pháp luật.
Kiến nghị số 22: Luật Hộ tịch ban hành đã có sự phân cấp mạnh cho cấp cơ sở đặc biệt là cấp huyện và cấp xã trong công tác quản lý hộ tịch tại địa phương. Cử tri đề nghị nghiên cứu trình Quốc hội sửa đổi Luật Hộ tịch theo hướng bổ sung thẩm quyền giải quyết việc bổ sung hộ tịch cho Ủy ban nhân dân cấp huyện đối với công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên cư trú ở trong nước.
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 27 Luật hộ tịch thì Ủy ban nhân dân cấp xã có thẩm quyền giải quyết việc bổ sung hộ tịch cho mọi trường hợp công dân Việt Nam cư trú ở trong nước (không phân biệt độ tuổi). Việc quy định thẩm quyền đối với mỗi loại việc căn cứ vào đối tượng, tính chất phức tạp của loại việc đó. Bổ sung hộ tịch là thủ tục đơn giản, chỉ căn cứ vào các giấy tờ của đương sự xuất trình để ghi bổ sung những thông tin còn thiếu vào mục tương ứng trong Sổ đăng ký hộ tịch và giấy tờ hộ tịch nên Luật quy định thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp xã nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân.
Tuy nhiên, trên thực tế một số trường hợp vừa có yêu cầu thực hiện thay đổi, cải chính hộ tịch cho người trên 14 tuổi (thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND cấp huyện), vừa có yêu cầu thực hiện bổ sung hộ tịch (thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND cấp xã) nên đã gặp khó khăn khi phải thực hiện 2 thủ tục ở 2 cấp khác nhau. Trong thời gian tới, ghi nhận kiến nghị của cử tri, Bộ Tư pháp sẽ tổng hợp và đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật hộ tịch và các văn bản quy định chi tiết thi hành để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân.
- Cử tri phản ánh, hiện nay hoạt động chứng thực đang được điều chỉnh bởi Nghị định của Chính phủ, trong khi đó một số lĩnh vực liên quan đến chứng thực được điều chỉnh bằng các Luật, Bộ luật (như Bộ luật Dân sự, Luật Đất đai, Luật Công chứng). Trong thời gian tới đề nghị Chính phủ rà soát, nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện pháp luật về chứng thực theo hướng ban hành một đạo luật riêng về chứng thực.
- Cử tri đề nghị Chính phủ xem xét, sửa đổi nâng mức xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi khai báo không trung thực khi từ vùng dịch trở về địa phương, trốn khi qua chốt kiểm soát dịch.
- Cử tri đề nghị các Bộ, ngành cần tăng cường phối hợp với liên ngành tư pháp Trung ương hướng dẫn giải quyết những vướng mắc, khó khăn trong thực hiện áp dụng các đạo luật mới về tư pháp, nhất là Bộ luật Hình sự năm 2015, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015; đồng thời tổ chức tập huấn, hướng dẫn tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng pháp luật vào thực tiễn để thực hiện đồng bộ, thống nhất.
Trả lời:
1. Đối với nội dung kiến nghị về đề nghị Chính phủ rà soát, nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện pháp luật về chứng thực theo hướng ban hành một đạo luật riêng về chứng thực:
Sau hơn 06 năm triển khai thi hành Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16/02/2015 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch cho thấy hoạt động chứng thực đã đi vào nền nếp, khá ổn định, đáp ứng yêu cầu cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân. Tuy còn một số tồn tại, hạn chế, nhưng căn nguyên của một số tồn tại, hạn chế bắt nguồn từ những quy định pháp luật về thủ tục hành chính ở lĩnh vực khác; một số vấn đề khác có thể được giải quyết được bằng các công văn hướng dẫn nghiệp vụ, vận dụng những quy định pháp luật liên quan để giải quyết. Hiện nay, Bộ Tư pháp nhận thấy chưa có vấn đề vướng mắc lớn trong pháp luật chứng thực cần giải quyết ở các quy phạm pháp luật tầm luật, do đó, nếu đề xuất xây dựng Luật chứng thực trong thời điểm hiện nay sẽ chưa thực sự thích hợp. Do vậy, với chủ trương cải cách thủ tục hành chính, thực tiễn hoạt động chứng thực cũng như các quan hệ phát sinh liên quan đến hoạt động chứng thực như hiện nay, Bộ Tư pháp thấy rằng, Nghị định là văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh phù hợp.
Bộ Tư pháp đánh giá cao sự quan tâm của cử tri thành phố Hải Phòng đối với công tác chứng thực. Chúng tôi xin ghi nhận ý kiến kiến nghị và sẽ lưu ý nghiên cứu, đánh giá một cách toàn diện trong quá trình xây dựng, hoàn thiện pháp luật về chứng thực để đề xuất xây dựng luật vào thời điểm thích hợp.
2. Đối với nội dung kiến nghị về đề nghị Chính phủ xem xét, sửa đổi nâng mức xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi khai báo không trung thực khi từ vùng dịch trở về địa phương, trốn khi qua chốt kiểm soát dịch:
Theo quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm và Quyết định số 173/QĐ-TTg ngày 01/02/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc công bố dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra thì bệnh Covid-19 được xếp vào bệnh truyền nhiễm nhóm A. Như vậy, đối với dịch bệnh Covid-19, Bộ Tư pháp thấy rằng, mức phạt theo quy định của điểm a khoản 3 Điều 7 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP đối với các hành vi không khai báo, khai báo không trung thực khi từ vùng dịch trở về địa phương hoặc trốn khi đi qua chốt kiểm dịch là phù hợp với tính chất, mức độ hành vi vi phạm; phù hợp với mức thu nhập, mức sống trung bình của người dân. Đồng thời, để thực hiện mục tiêu kép là vừa phòng, chống và ngăn chặn kịp thời dịch COVID-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội thì việc nâng mức xử phạt vi phạm hành chính trong trường hợp này là chưa phù hợp với điều kiện thực tế.
Trường hợp người thực hiện hành vi khai báo không trung thực khi từ vùng dịch trở về địa phương, trốn khi qua chốt kiểm dịch nếu gây ra hậu quả làm lây lan dịch bệnh thì sẽ bị xem xét, xử lý hình sự về Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người (quy định tại Điều 240 Bộ luật Hình sự năm 2015 - sửa đổi, bổ sung năm 2017).
3. Đối với nội dung kiến nghị về đề nghị các Bộ, ngành cần tăng cường phối hợp với liên ngành tư pháp Trung ương hướng dẫn giải quyết những vướng mắc, khó khăn trong thực hiện áp dụng các đạo luật mới về tư pháp, nhất là Bộ luật Hình sự năm 2015, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015; đồng thời tổ chức tập huấn, hướng dẫn tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng pháp luật vào thực tiễn để thực hiện đồng bộ, thống nhất.:
Ngay khi các đạo luật về tư pháp như Bộ luật Hình sự năm 2015, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Luật Thi hành án hình sự năm 2019,... và các Nghị quyết của Quốc hội về triển khai thi hành các đạo luật về tư pháp1 được ban hành, Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương đã khẩn trương ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện, trong đó Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1359/QĐ-TTg ngày 13/9/2015 ban hành Kế hoạch triển khai Bộ luật Hình sự, Quyết định số 371/QĐ-TTg ngày 9/3/2016 ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Bộ luật tố tụng hình sự, Quyết định số 1041/QĐ-TTg ngày 19/8/2019 ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Thi hành án hình sự năm 2019,... Tại các Quyết định nêu trên, Thủ tướng Chính phủ giao các cơ quan thực hiện nhiệm vụ cụ thể liên quan đến tổ chức thi hành luật như xây dựng các tài liệu tập huấn chuyên sâu, sách bình luận; tổ chức tập huấn, phổ biến pháp luật; xây dựng trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền văn bản hướng dẫn thi hành/quy định chi tiết; thực hiện rà soát pháp luật liên quan để kiến nghị sửa đổi, bổ sung, ban hành mới phù hợp với luật mới được ban hành.
Để triển khai thi hành hiệu quả các luật về tư pháp mới được ban hành, nhất là Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, trên cơ sở các Nghị quyết, Quyết định triển khai thi hành nêu trên, trong thời gian qua, các Bộ, ngành, cơ quan liên quan đã cơ bản thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được giao, các đạo luật đều được phổ biến, tuyên truyền trong toàn quốc; đội ngũ cán bộ tiến hành tố tụng, cán bộ làm công tác tư pháp được tập huấn chuyên sâu; các văn bản hướng dẫn thi hành/quy định chi tiết được ban hành đầy đủ, cơ bản đúng tiến độ.
Đồng thời, trong quá trình áp dụng pháp luật, để giải quyết những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực tiễn, các bộ, ngành, cơ quan trung ương đã xây dựng, đề xuất cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc tự mình ban hành các văn bản hướng dẫn áp dụng, ví dụ: i) trong phạm vi thẩm quyền, Tòa án nhân dân tối cao đã xây dựng một số nghị quyết hướng dẫn áp dụng các quy định của Bộ luật Hình sự (như: Nghị quyết số 06/2019/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng thống nhất một số quy định tại các điều 141, 142, 143, 144, 145, 146, 147... của Bộ luật Hình sự và việc xét xử các vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi, Nghị quyết số 03/2020/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự trong xét xử tội phạm tham nhũng và tội phạm khác về chức vụ..) ii) liên ngành các cơ quan tư pháp trung ương đã ban hành Thông tư liên tịch số 01/2021/TTLT-VKSNDTC-BCA-BQP-BNN&PTNN-BTC ngày 29/11/2021 quy định chi tiết việc áp dụng căn cứ tạm đình chỉ vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh theo điểm c khoản 1 Điều 148, điểm d khoản 1 Điều 229 và điểm khoản 1 Điều 247 Bộ luật Tố tụng hình sự, Thông tư liên tịch số 02/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP ngày 12/8/2021 quy định quan hệ phối hợp trong việc thực hiện trình tự, thủ tục tạm đình chỉ và giảm thời hạn chấp hành án phạt tù;...
Trong thời gian tới, trong quá trình áp dụng các quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và các đạo luật về tư pháp khác, nếu phát sinh khó khăn, vướng mắc, bất cập, đề nghị các địa phương tiếp tục gửi kiến nghị đến các cơ quan tiến hành tố tụng ở trung ương, các cơ quan liên quan để kịp thời có giải pháp khắc phục, tạo thuận lợi cho quá trình thi hành các luật nói trên.