Công văn 89/TANDTC-PC năm 2020 về thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc trong xét xử do Tòa án nhân dân tối cao ban hành

Số hiệu 89/TANDTC-PC
Ngày ban hành 30/06/2020
Ngày có hiệu lực 30/06/2020
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Tòa án nhân dân tối cao
Người ký Nguyễn Trí Tuệ
Lĩnh vực Thủ tục Tố tụng

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 89/TANDTC-PC
V/v thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc trong xét xử

Hà Nội, ngày 30 tháng 6 năm 2020

 

Kính gửi:

- Các Tòa án nhân dân và Tòa án quân sự;
- Các đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối cao.

Ngày 18-5-2020, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã tổ chức phiên họp trực tuyến để giải đáp một số vướng mắc trong quá trình giải quyết các vụ án hình sự, hành chính và dân sự. Trên cơ sở các ý kiến phản ánh vướng mắc và giải đáp của Hội đồng Thẩm phán, Tòa án nhân dân tối cao thông báo kết quả giải đáp vướng mắc như sau:

I. HÌNH SỰ

1. Đối tượng có hành vi đưa ma túy cho người khác sử dụng, nhưng không phát hiện có người chỉ huy, phân công, điều hành đối tượng để đưa ma túy cho người khác sử dụng. Vậy trường hợp này có xử lý đối tượng là người trực tiếp đã cung cấp ma túy cho người khác về tội “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy” hay không?

Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy không đồng nhất với khái niệm “phạm tội có tổ chức”. Theo quy định tại Điều 17 của Bộ luật Hình sự thì “Phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm.” Người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm. Còn tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy được hiểu là thực hiện một trong các hành vi bố trí, sắp xếp, điều hành con người, phương tiện; cung cấp ma túy, điểm, phương tiện, dụng cụ… để thực hiện việc sử dụng trái phép chất ma túy[1]. Trong tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy cũng có đồng phạm nhưng đồng phạm ở đây được hiểu là thực hiện theo sự chỉ huy, phân công điều hành (không có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm, không bắt buộc phải có sự phân công, chỉ đạo, điều hành chặt chẽ trong các đồng phạm).

Do đó, hành vi cung cấp ma túy cho người khác sử dụng là một trong các hành vi “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy”. Người có hành vi này bị xử lý theo quy định tại Điều 255 của Bộ luật Hình sự.

2. Trường hợp rủ nhau sử dụng trái phép chất ma túy thì có được xác định là rủ rê, dụ dỗ người khác sử dụng trái phép chất ma túy để xử lý hình sự theo quy định tại Điều 258 của Bộ luật Hình sự hay không?

Khoản 1 Điều 258 của Bộ luật Hình sự quy định: “Người nào rủ rê, dụ dỗ, xúi giục hoặc bằng các thủ đoạn khác nhằm lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm”.

Như vậy, người có hành vi dụ dỗ, khêu gợi sự ham muốn của người khác để họ sử dụng trái phép chất ma túy với mình thì thuộc trường hợp rủ rê, lôi kéo theo quy định tại Điều 258 của Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, đối với trường hợp các con nghiện cùng nhau góp tiền, cùng nhau sử dụng ma túy thì không xác định là rủ rê, lôi kéo người khác sử dụng ma túy theo quy định tại Điều 258 của Bộ luật Hình sự.

Ví dụ:

- Nguyễn Văn A (không nghiện ma túy) nhưng A đã dụ dỗ, khêu gợi sự ham muốn của Nguyễn Văn B để B sử dụng trái phép chất ma túy với mình. Trường hợp này xác định là rủ rê, lôi kéo người khác sử dụng ma túy theo quy định tại Điều 258 của Bộ luật Hình sự.

- Nguyễn Văn A (nghiện ma túy) đã dụ dỗ, khêu gợi sự ham muốn của Nguyễn Văn B (không nghiện ma túy) để B sử dụng trái phép chất ma túy với mình. Trường hợp này xác định là rủ rê, lôi kéo người khác sử dụng ma túy theo quy định tại Điều 258 của Bộ luật Hình sự.

- Nguyễn Văn A (nghiện ma túy) rủ Nguyễn Văn B (nghiện ma túy) cùng nhau góp tiền, cùng nhau sử dụng trái phép chất ma túy, mặc dù A đã có hành vi dụ dỗ để B cùng sử dụng trái phép chất ma túy, nhưng không xác định đây là rủ rê, lôi kéo người khác sử dụng ma túy theo quy định tại Điều 258 của Bộ luật Hình sự.

3. Tình tiết “đối với 02 người trở lên” quy định tại điểm c khoản 2 Điều 251 (tội mua bán trái phép chất ma túy) của Bộ luật Hình sự được hiểu là trong 01 lần phạm tội với 02 người trở lên hay bao gồm cả phạm tội từ 02 lần trở lên nhưng mỗi lần là 01 người khác nhau?

Tình tiết “đối với 02 người trở lên” quy định tại điểm c khoản 2 Điều 251 Bộ luật Hình sự được hiểu là trong một lần phạm tội, người phạm tội đã mua bán trái phép chất ma túy đối với từ 02 người trở lên. Nội dung này cũng phù hợp với hướng dẫn tại tiểu mục 2.4 Phần I Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 24-12-2007 là “phạm tội đối với nhiều người” quy định tại khoản 2 các điều 197, 198 và 200 của Bộ luật Hình sự năm 1999 được hiểu là trong một lần phạm tội, người phạm tội đã thực hiện tội phạm đối với từ hai người trở lên”.

Ví dụ:

- Trong một lần phạm tội, Nguyễn Văn A vừa bán ma túy cho Nguyễn Văn C, vừa bán ma túy cho Nguyễn Văn D. Trường hợp này, A bị áp dụng tình tiết “đối với 02 người trở lên” quy định tại điểm c khoản 2 Điều 251 của Bộ luật Hình sự.

- Ngày 12-8-2019, Nguyễn Văn A bán ma túy cho Nguyễn Văn C. Ngày 01-10-2019, A bán ma túy cho Nguyễn Văn D. Trường hợp này, A bị áp dụng tình tiết “phạm tội 02 lần trở lên” quy định tại điểm b khoản 2 Điều 251 của Bộ luật Hình sự.

- Ngày 12-4-2020, Nguyễn Văn A vừa bán ma túy cho Nguyễn Văn C, vừa bán ma túy cho Nguyễn Văn D. Ngày 10-5-2020, A bán ma túy cho Nguyễn Thị H. Trường hợp này, A bị áp dụng tình tiết “phạm tội 02 lần trở lên” và tình tiết “đối với 02 người trở lên” quy định tại điểm b và c khoản 2 Điều 251 của Bộ luật Hình sự.

4. Trường hợp thu giữ được chất ma túy tổng hợp (dạng viên nén), bên trong có chứa nhiều loại chất ma túy khác nhau và theo quy định của Bộ luật Hình sự các chất ma túy này bị xử lý ở các điểm khác nhau (Ví dụ: chất thu giữ được là ma túy tổng hợp có chứa MDMA, Methamphetamine và Methylphenidate, trong đó MDMA, Methamphetamine được quy định tại điểm c khoản 1 Điều 249, Methylphenidate là ma túy thể rắn được quy định tại điểm g khoản 1 Điều 249), thì có phải giám định hàm lượng để phân tách khối lượng từng loại chất ma túy làm căn cứ xử lý trách nhiệm hình sự hay không?

Điểm i khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20-6-2017 của Quốc hội quy định: “Trường hợp chất thu giữ được nghi là chất ma túy ở thể rắn đã được hòa thành dung dịch, chất ma túy ở thể lỏng đã được pha loãng, xái thuốc phiện hoặc thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần quy định tại các Điều 248, 249, 250, 251 và 252 của Bộ luật Hình sự năm 2015 thì phải xác định hàm lượng chất ma túy làm cơ sở để xác định khối lượng hoặc thể tích chất ma túy thu giữ được. Đối với các trường hợp khác thì thực hiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự số 101/2015/QH13.”.

Điều 206 của Bộ luật Tố tụng hình sự quy định: “Bắt buộc phải trưng cầu giám định khi cần xác định:

…5. Chất ma tuý…”.

Như vậy, trong trường hợp chất thu giữ đã được xác định là ma túy dạng MDMA, Methamphetamine và Methylphenidate thì không thuộc trường hợp phải giám định hàm lượng.

5. Trong vụ án mua bán trái phép chất ma túy, các đối tượng đã trộn ma túy ở thể rắn vào chất rắn khác, sau đó dập thành viên nén để bán. Qua giám định xác định chất thu giữ là chất ma túy nhưng hàm lượng ma túy thấp. Trường hợp này để xử lý hình sự thì căn cứ vào khối lượng chất thu giữ hay phải giám định hàm lượng để xác định khối lượng ma túy trong chất thu giữ.

Về nguyên tắc việc giám định để xác định chất ma túy, khối lượng và hàm lượng chất ma túy phải thực hiện theo đúng quy định tại Điều 206 của Bộ luật Tố tụng hình sựđiểm i khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20-6-2017 của Quốc hội.

Đối với trường hợp có căn cứ xác định đối tượng đã trộn ma túy với chất rắn khác để bán và qua giám định xác định chất thu giữ là chất ma túy nhưng hàm lượng ma túy thấp thì cần căn cứ và kết luận giám định về hàm lượng để xác định khối lượng chất ma túy làm cơ sở để xử lý hình sự.

Cũng cần lưu ý rằng, nếu theo kết luận giám định chất thu giữ ko phải là ma túy, nhưng người thực hiện hành vi mua bán, trao đổi… ý thức rằng đó là chất ma túy thì bị xử lý về tội mua bán trái phép chất ma túy theo quy định tại khoản 1 Điều 251 của Bộ luật Hình sự, nếu ko có các tình tiết định khung tăng nặng khác.

[...]