Công văn 4333/BKHĐT-TH năm 2016 về Khung hướng dẫn xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2017 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành

Số hiệu 4333/BKHĐT-TH
Ngày ban hành 06/06/2016
Ngày có hiệu lực 06/06/2016
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Người ký Nguyễn Chí Dũng
Lĩnh vực Đầu tư,Thương mại,Văn hóa - Xã hội

BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4333/BKHĐT-TH
V/v Khung hướng dẫn xây dựng kế hoạch phát triển KTXH năm 2017

Hà Nội, ngày 06 tháng 6 năm 2016

 

Kính gửi:

- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các cơ quan khác ở Trung ương;
- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Hợp tác xã;
- Các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước.

 

Thực hiện Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 02 tháng 6 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2017, Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi đến các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước (dưới đây gọi tắt là các Bộ, ngành trung ương và địa phương) Khung hướng dẫn xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017.

Phần thứ nhất

TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI 5 THÁNG ĐẦU NĂM VÀ  ƯỚC THỰC HIỆN KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2016

Tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Nghị quyết số 98/2015/QH13 ngày 10 tháng 11 năm 2015 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016, Nghị quyết số 99/2015/QH13 ngày 11 tháng 11 năm 2015 của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2016 và Nghị quyết số 101/2015/QH13 ngày 14 tháng 11 năm 2015 về phân bổ ngân sách trung ương năm 2016.

Căn cứ các Nghị quyết của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các Quyết định[1] giao kế hoạch năm 2016, gồm giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; dự toán ngân sách nhà nước; kế hoạch đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước; kế hoạch đầu tư vốn trái phiếu Chính phủ. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 07 tháng 01 năm 2016 về các giải pháp chủ yếu chỉ đạo Điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2016 với 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp hướng tới Mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tạo môi trường và động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh phát triển khoa học và công nghệ; bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân, phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ công bằng xã hội; quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu; đẩy mạnh xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, năng động, phục vụ tốt nhất người dân và doanh nghiệp; tạo chuyển biến căn bản về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, giải quyết khiếu nại, tố cáo; tăng cường quốc phòng an ninh, giữ vững chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ và bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, giữ vững môi trường hoà bình, ổn định và tạo Điều kiện thuận lợi để phát triển đất nước; tăng cường công tác thông tin truyền thông. Đồng thời, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các các cấp, các ngành khẩn trương triển khai giao và tổ chức thực hiện kế hoạch ngay từ đầu năm.

Dưới đây là đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội 5 tháng đầu năm, dự báo khả năng thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 và một số giải pháp chủ yếu cần tập trung chỉ đạo thực hiện trong những tháng cuối năm:

I. VỀ TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI 5 THÁNG ĐẦU NĂM 2016

1. Về thực hiện Mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô

a) Về giá cả thị trường:

Trong 5 tháng đầu năm, với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa và tiền tệ, quản lý giá, lạm phát tiếp tục được kiểm soát theo Mục tiêu đề ra. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 tăng 1,88% so với tháng 12/2015. So với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 5 tăng 2,28%, bình quân 5 tháng tăng 1,59%.

Tuy nhiên, đáng chú ý là chỉ số giá tiêu dùng (CPI) so với tháng trước đã liên tục tăng trong 4 tháng qua[2]. Nguyên nhân chủ yếu là do: (i) Giá xăng, dầu được Điều chỉnh tăng theo giá dầu thế giới, tác động làm tăng chỉ số giá nhóm giao thông; (ii) Giá lương thực, thực phẩm tăng do nhu cầu xuất khẩu gạo tăng và tác động của thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn làm năng suất và sản lượng lúa đông xuân giảm; (iii) Giá gas trong nước Điều chỉnh tăng theo giá gas thế giới, tác động làm tăng chỉ số giá nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng. Tình hình nêu trên cho thấy lạm phát 5 tháng đầu năm thấp, nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ lạm phát tăng cao, đặc biệt là tình hình giá dầu thô và lương thực, nông sản trên thị trường thế giới tiếp tục tăng.

b) Về tiền tệ, tín dụng:

Tính đến ngày 20/5/2016, tổng phương tiện thanh toán ước tăng 5,88% so với tháng 12/2015 (cùng kỳ năm 2015 tăng 3,64%); tổng số dư tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng ước tăng 5,52% (cùng kỳ năm 2015 tăng 2,94%). Tăng trưởng dư nợ đối với nền kinh tế tăng 4,52%, cao hơn cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 4,26%).

Giá trị đồng nội tệ cơ bản ổn định; tỷ giá ngoại tệ dao động trong biên độ cho phép. Lãi suất huy động và cho vay bằng VND và bằng USD tương đối ổn định, đáng chú ý là nhiều ngân hàng đã Điều chỉnh giảm lãi suất cho vay bằng đồng Việt Nam[3].

c) Về thu - chi ngân sách nhà nước

Tổng thu NSNN 5 tháng đầu năm ước đạt 396,2 nghìn tỷ đồng, bằng 39,1% dự toán (cùng kỳ bằng 41,8% dự toán năm) ; trong đó: thu nội địa bằng 40,9% dự toán (cùng kỳ bằng 44,3%); thu từ dầu thô bằng 29,2% dự toán (cùng kỳ bằng 32,6% dự toán); thu từ hoạt động xuất nhập khẩu bằng 34,1% dự toán (cùng kỳ bằng 37,7% dự toán).

Tổng chi NSNN 5 tháng đầu năm ước đạt 466,3 nghìn tỷ đồng, bằng 36,6% dự toán năm, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2015 bằng 39,7%); trong đó: chi đầu tư phát triển bằng 29,3% tổng số vốn kế hoạch 2016 giao đợt 1 (cùng kỳ năm 2015 bằng 37,4%); chi trả nợ và viện trợ bằng 41,6% dự toán (cùng kỳ năm 2015 bằng 43,2%); chi thường xuyên (bao gồm chi cải cách tiền lương) bằng 40,3% dự toán (cùng kỳ bằng 40,9%).

2. Về thực hiện Mục tiêu tăng trưởng kinh tế

Các Bộ, ngành trung ương và địa phương tích cực triển khai thực hiện các giải pháp, chính sách hỗ trợ và thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trong Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 07 tháng 01 năm 2016 của Chính phủ, các Nghị quyết của Chính phủ về giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh[4] và các Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ hằng tháng, tình hình kinh tế tiếp tục chuyển biến và đạt được những kết quả nhất định.

a) Về sản xuất công nghiệp

Sản xuất công nghiệp tiếp tục phục hồi nhưng chậm; mức tăng trưởng ngành công nghiệp thấp hơn cùng kỳ do ngành khai khoáng tăng trưởng âm và công nghiệp chế biến, chế tạo tăng thấp hơn cùng kỳ năm trước.

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 5 tháng đầu năm tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 9,4%); trong đó: sản xuất, phân phối điện tăng 12% (cùng kỳ tăng 10,9%); công nghiệp chế biến chế tạo tăng 9,7% (cùng kỳ tăng 9,9%); cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải tăng 8,5% (cùng kỳ tăng 6,3%); khai khoáng giảm 1,2% (cùng kỳ tăng 6,3%).

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng thấp chủ yếu do: (1) công nghiệp khai khoáng tăng trưởng âm (-) 1,2%[5]; và (2) sự giảm sút của tốc độ tăng công nghiệp chế biến.

Về khai thác dầu thô: sản lượng khai thác 5 tháng đầu năm ước đạt 6,61 triệu tấn, giảm 4,5% so với cùng kỳ năm trước; chủ yếu do yếu tố kỹ thuật và giá dầu thô xuống thấp.

Sản xuất điện tiếp tục tăng trưởng khá so với cùng kỳ. Hệ thống điện quốc gia vận hành an toàn, ổn định, đáp ứng đủ nhu cầu điện cho các hoạt động sản xuất kinh doanh, sinh hoạt của người dân[6]. Điện thương phẩm ước đạt 61,692 triệu kWh, tăng 11,94% so với cùng kỳ. Hầu hết các hộ tiêu thụ điện đều có mức tiêu thụ điện năng tăng cao hơn cùng kỳ năm trước[7].

Tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo duy trì ở mức thấp hơn so với cùng kỳ. Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại thời Điểm 01/5/2016 tăng 8,7% so với cùng thời Điểm năm 2015 (cùng kỳ năm trước tăng 11,5%)[8].

[...]