Thông báo 58/TB-VPCP năm 2016 kết luận chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng, chống hạn hán tại khu vực Tây Nguyên do Văn phòng Chính phủ ban hành
Số hiệu | 58/TB-VPCP |
Ngày ban hành | 29/03/2016 |
Ngày có hiệu lực | 29/03/2016 |
Loại văn bản | Thông báo |
Cơ quan ban hành | Văn phòng Chính phủ |
Người ký | Nguyễn Cao Lục |
Lĩnh vực | Tài nguyên - Môi trường |
VĂN PHÒNG CHÍNH
PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 58/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 29 tháng 03 năm 2016 |
KẾT LUẬN CHỈ ĐẠO CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG NGUYỄN XUÂN PHÚC KIỂM TRA, CHỈ ĐẠO CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG HẠN HÁN TẠI KHU VỰC TÂY NGUYÊN
Ngày 24 tháng 3 năm 2016, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đi kiểm tra tình hình hạn hán tại tỉnh Gia Lai và chủ trì buổi làm việc với các tỉnh khu vực Tây Nguyên về công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả hạn hán; cùng dự có các đồng chí: Cao Đức Phát - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Trần Việt Hùng - Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, Đoàn Kiểu - Phó Tư lệnh Quân khu 5, Dương Văn Trang - Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai, đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Lao động - Thương binh và Xã hội, Ban Dân vận Trung ương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội, đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh: Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng.
Sau khi kiểm tra thực tế, nghe báo cáo tổng hợp của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ý kiến của các Bộ, địa phương, Phó Thủ tướng đã kết luận và chỉ đạo như sau:
I. ĐÁNH GIÁ CHUNG:
Những tháng đầu năm 2016, hạn hán đã và đang xảy ra rất gay gắt ở khu vực Tây Nguyên, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, đời sống của nhân dân, nhất là ở những vùng chưa có công trình thủy lợi hoặc chỉ có công trình thủy lợi nhỏ chưa chủ động được nguồn nước, đã có 50.000 ha cây trồng bị hạn hán, gần 30.000 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt.
Thay mặt Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng biểu dương Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lực lượng vũ trang của Quân khu 5, Quân đoàn 3, cấp ủy đảng và chính quyền các cấp ở các tỉnh Tây Nguyên đã chủ động triển khai nhiều biện pháp sáng tạo, hiệu quả phù hợp với điều kiện cụ thể ở mỗi địa phương để ứng phó với hạn hán nhằm bảo đảm nguồn nước cấp cho đồng bào dân tộc thiểu số, giảm thiệt hại đối với sản xuất.
Dự báo, thời gian tới hạn hán có thể còn tiếp tục kéo dài và khốc liệt hơn, gây nguy cơ thiếu nước sinh hoạt cho số lượng lớn người dân, ảnh hưởng nghiêm trọng tới diện tích lớn cây trồng (chủ yếu là cà phê), chăn nuôi và gia tăng nguy cơ cháy rừng. Trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, các cấp ủy đảng và chính quyền các địa phương phải bằng mọi biện pháp không để người dân đói, khát, bệnh tật do hạn hán kéo dài, đặc biệt phải đảm bảo nước uống cho dân, giảm thiểu tối đa thiệt hại và tái nghèo.
II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP THỜI GIAN TỚI:
Các Bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống hạn hán được đề cập trong Nghị quyết số 20/NQ-CP ngày 03 tháng 3 năm 2016 của Chính phủ và Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 04 tháng 02 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ, nhiệm vụ, giải pháp nêu trong báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và ý kiến của các Bộ, địa phương.
Các địa phương phải coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị để tập trung chỉ đạo theo dõi sát tình hình hạn hán, huy động các cấp, ngành, các lực lượng chủ động tham gia chống hạn, tìm giải pháp từ nội lực của địa phương nhằm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do hạn hán, tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:
1. Cấp bách trước mắt:
- Huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, đẩy mạnh tuyên truyền, chủ động thông tin kịp thời đến người dân về diễn biến, nguy cơ hạn hán để người dân nhận thức đầy đủ, chủ động tham gia phòng, chống hạn hán, đặc biệt là sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, tổ chức sản xuất theo quy hoạch và chỉ đạo của cấp có thẩm quyền nhằm giảm thiểu thiệt hại.
- Ủy ban nhân dân các tỉnh chủ động ứng ngân sách địa phương để triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả thiên tai, hạn hán theo quy định, bảo đảm thực hiện nghiêm túc, hỗ trợ đúng đối tượng. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan khẩn trương tổng hợp, xử lý kinh phí hỗ trợ từ ngân sách trung ương cho các địa phương theo quy định.
- Thường xuyên kiểm tra, đánh giá hiện trạng nguồn nước trữ ở các hồ chứa thủy lợi, thủy điện, tính toán nhu cầu nước, đảm bảo nguồn nước phục vụ sinh hoạt cho người dân, nước tưới cho cây công nghiệp đối với vùng thật sự cần thiết, ưu tiên nguồn nước cho sinh hoạt theo đúng chỉ đạo tại Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 04 tháng 02 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ. Giao Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh chủ trì, quyết định phương án vận hành xả nước của một số hồ chứa trên địa bàn để đáp ứng yêu cầu nước phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân vùng thiên tai hạn hán.
- Rà soát, bổ sung phương án phòng cháy, chữa cháy rừng; xác định rõ trách nhiệm của các cấp, ngành và chủ rừng; kiểm soát việc sử dụng lửa trong và gần rừng; sẵn sàng lực lượng, phương tiện theo phương châm “bốn tại chỗ” để chủ động kiểm soát tình hình, kịp thời khống chế nhanh nhất khi xảy ra cháy, không để xảy ra cháy lớn.
- Bộ Tài nguyên Môi trường chỉ đạo cơ quan chức năng cung cấp các tài liệu hiện có về nguồn nước mặt, nước dưới đất cho các địa phương và các cơ quan liên quan để hỗ trợ địa phương triển khai các biện pháp hiệu quả khắc phục hạn hán.
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp chặt chẽ với các địa phương theo dõi diễn biến thời tiết, chỉ đạo sản xuất nông nghiệp, chủ động điều chỉnh mùa vụ, cây trồng, đồng thời hướng dẫn việc chăm sóc, bảo vệ cây công nghiệp nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại do hạn hán.
- Quân khu 5, Quân đoàn 3, Binh đoàn 15 triển khai lực lượng, phương tiện hỗ trợ địa phương phòng, chống hạn hán, báo cáo Bộ Quốc phòng hỗ trợ kinh phí cho các địa phương khu vực Tây Nguyên thực hiện nhiệm vụ phòng, chống hạn hán.
2. Về lâu dài:
- Bộ Tài nguyên Môi trường chủ trì, phối hợp với các địa phương và các cơ quan có liên quan rà soát kết quả điều tra, tiếp tục tìm kiếm nguồn nước dưới đất gắn với tạo nguồn hỗ trợ cấp nước sinh hoạt cho nhân dân; chủ động thực hiện điều tra, quy hoạch tài nguyên nước khu vực Tây Nguyên, nghiên cứu giải pháp phù hợp nhằm tăng cường quản lý, khai thác tài nguyên nước hiệu quả, bền vững.
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương có liên quan rà soát, cập nhật, điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên; các địa phương điều chỉnh quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn phù hợp với tình hình biến đổi khí hậu, diễn biến hạn hán.
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các địa phương và cơ quan liên quan rà soát, điều chỉnh quy hoạch thủy lợi, quy hoạch sản xuất nông nghiệp vùng Tây Nguyên có tính tới tác động của biến đổi khí hậu, trong đó cập nhật tình hình hạn hán năm 2016. Đẩy mạnh ứng dụng các giải pháp tưới tiên tiến, nghiên cứu đề xuất cơ chế, chính sách mạnh để doanh nghiệp, người dân sử dụng nước tiết kiệm, lắp đặt thiết bị tưới tiết kiệm. Chỉ đạo các địa phương tăng cường bảo vệ diện tích rừng hiện có, đẩy mạnh khôi phục, phát triển rừng, nhất là rừng phòng hộ đầu nguồn nhằm cải thiện nguồn nước và bảo vệ môi trường.
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các địa phương và các Bộ: Kế hoạch Đầu tư, Tài chính lựa chọn một số dự án thủy lợi cấp bách mang lại hiệu quả lâu dài để ưu tiên đầu tư, khắc phục tình trạng hạn hán; đề xuất các công trình cấp bách cần ưu tiên đầu tư báo cáo Chính phủ trình Quốc hội trước khi thông qua kế hoạch trung hạn.
- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai các giải pháp, chính sách hỗ trợ, khoanh nợ, giãn nợ, xử lý rủi ro đối với các hộ dân, doanh nghiệp trên địa bàn bị thiệt hại do thiên tai hạn hán và tiếp tục cho vay để phục hồi, phát triển sản xuất theo quy định; phối hợp triển khai các chính sách khuyến khích sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.
III. VỀ CÁC KIẾN NGHỊ:
1. Về hỗ trợ gạo: Đồng ý xuất cấp 2.000 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho các tỉnh: Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông (mỗi tỉnh 500 tấn) để thực hiện hỗ trợ cứu đói; giao Bộ Tài chính xử lý cụ thể theo quy định.
Ủy ban nhân dân các tỉnh: Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông chịu trách nhiệm quản lý, tổ chức cấp phát kịp thời số gạo hỗ trợ trên cho người dân, bảo đảm đúng đối tượng, đúng quy định. Giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ Tài chính khẩn trương rà soát, tổng hợp nhu cầu gạo cứu đói của các địa phương, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.