Chỉ thị 32-CT-LB năm 1962 về việc cấp phát vốn ngân sách cho các cơ quan, đơn vị dự toán (Cấp phát hạn mức) do Bộ tài chính - Ngân hàng Nhà nước ban hành

Số hiệu 32-CT-LB
Ngày ban hành 26/12/1962
Ngày có hiệu lực 01/01/1963
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính,Ngân hàng Nhà nước
Người ký Trần Dương,Trịnh Văn Bính
Lĩnh vực Tài chính nhà nước

BỘ TÀI CHÍNH – NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
*******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
*******

Số: 32-CT-LB

Hà Nội, ngày 26 tháng 12 năm 1962

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC CẤP PHÁT VỐN NGÂN SÁCH CHO CÁC CƠ QUAN, ĐƠN VỊ DỰ TOÁN

(CẤP PHÁT HẠN MỨC)

Căn cứ điều 30 của bản Điều lệ về lập và chấp hành ngân sách Nhà nước (Nghị định của Hội đồng Chính phủ số 168-CP ngày 20-10-1960), liên Bộ Tài chính Ngân hàng Nhà nước đã có thông tư số 23-TT-CB ngày 13-12-1961 tạm thời quy định chế độ cấp phát hạn mức kinh phí kể từ ngày 01-01-1962.

Sau một thời gian rút kinh nghiệm, liên Bộ nhận thấy chế độ đã ban hành đạt được phần nào những mục tiêu đã đề ra. Cụ thể là:

- Tránh để đọng tiền rải rác ở các tồn khoản Ngân hàng Nhà nước; tập trung những món tiền chưa cần chi vào tồn quỹ Ngân sách;

- Tăng cường giám đốc của Ngân hàng đối với Ngân sách Nhà nước và đối với quản lý tiền mặt.

- Tăng cường trách nhiệm của các cơ quan dự toán và tạo điều kiện cho cơ quan dự toán chủ động được trong việc chi tiêu.

Tuy nhiên chế độ đó còn mang một số khuyết nhược điểm về mặt thủ tục:

- Đi lại Ngân hàng nhiều lần.

- Làm nhiều giấy tờ.

Sở dĩ có những khuyết điểm trên vì:

- Trong chế độ có quy định một số giấy tờ xét ra có thể đơn giản được hơn. Các cơ quan thi hành ở dưới đặt ra thêm giấy tờ theo nhu cầu nghiệp vụ của mình, gây phiền phức cho các đơn vị chi tiêu;

- Một phần quan trọng là do phổ biến chưa được kỹ nên trong khi thi hành chưa nắm được yêu cầu của chế độ là quản lý chặt chẽ, nhưng thủ tục phải đơn giản (có cơ quan đi Ngân hàng nhiều lần vì không sắp xếp việc chi tiêu cho kế hoạch hoặc vì làm sai nhiều nên phải làm đi làm lại, giữ tiền mặt quá ít, chi tiêu bằng tiền mặt quá hạn chế, mọi việc đều phải chi qua chuyển khoản những món chi nhỏ một vài đồng cũng phải qua thủ tục rút tiền, v.v…).

Trong thi hành, một số cơ quan còn nhận thức chưa được đúng đắn đối với công tác quản lý tài chính, có tư tưởng “giản đơn”, không chịu làm một số công việc tối thiểu cần thiết để đưa công tác quản lý vào nền nếp.

Căn cứ vào kinh nghiệm trên, liên Bộ đã nghiên cứu biện pháp cải tiến và những biện pháp đó đã được đem thí điểm từ tháng 08-1962 đến nay.

Cần chú ý là việc cấp phát hạn mức liên quan và nằm trong việc cấp phát vốn ngân sách nói chung, cho nên trong quy định lần này có đề cập đến và quy định một số điểm về cấp phát vốn ngân sách. Tuy nhiên về toàn bộ việc cấp phát vốn ngân sách thì Nhà nước có những quy định riêng thích hợp, cụ thể là:

- Việc cấp phát vốn Ngân sách cho các tổ chức và đơn vị kinh tế (cấp vốn lưu động, kinh phí chuyên dùng, dự trữ vật tư, cấp bù lỗ v.v…) cấp cho vay, trợ cấp giữa các Tổng dự toán, tạm cấp của từng Tổng dự toán thi vẫn cấp theo lối “mở tài khoản tiền giữ vãng lai”.

- Việc cấp phát vốn ngân sách cho các đơn vị Kiến thiết cơ bản phải căn cứ vào Điều lệ cấp phát vốn kiến thiết cơ bản của Nhà nước;

- Việc cấp phát vốn Ngân sách cho các tổ chức của quân đội nhân dân và công an vũ trang thì căn cứ vào chỉ thị này, nhưng có biện pháp cụ thể quy định riêng cho thích hợp.

Yêu cầu, mục đích:

+ Hạn chế, tiến tới xóa bỏ tình trạng phân tán vốn của ngân sách, ứ đọng vốn ở tồn quỹ của đơn vị và tồn khoản của đơn vị gửi tại Ngân hàng.

+ Tăng cường giám đốc của Nhà nước trước khi chi, và trong quá trình chi tiêu của các đơn vị.

+ Tăng cường chất lượng quản lý chi của cơ quan Tài chính, của cơ quan Ngân hàng Nhà nước là cơ quan có một trách nhiệm trọng yếu trong việc chấp hành thu chi ngân sách Nhà nước, tăng cường chất lượng quản lý của các Bộ và các cơ quan, đoàn thể.

+ Tăng cường giám đốc quỹ tiền lương đối với các đơn vị chi tiêu, và tăng cường công tác quản lý tiền mặt của Ngân hàng Nhà nước.

Thi hành chế độ cấp phát hạn mức kinh phí còn có tác dụng lớn về mặt thúc đẩy các cơ quan, các đơn vị dự toán phải đi vào kế hoạch hóa công việc chi tiêu của Nhà nước; tăng cường sự lãnh đạo tập trung của các Bộ chủ quản đối với các đơn vị sở thuộc để nâng cao hiệu suất sử dụng vốn ngân sách gắn chặt việc quản lý tài chính với quản lý công tác sự nghiệp, thông qua tài vụ mà giám đốc các mặt công tác của cơ quan của cơ đơn vị.

Phương châm:

Trên tinh thần tăng cường quản lý kinh tế tài chính, quản lý chặt chẽ chi tiêu của các đơn vị dự toán đồng thời đảm bảo thuận tiện cho cơ quan chủ quản tránh những thủ tục giấy tờ phiền phức.

[...]