Nghị định 168-CP năm 1961 điều lệ về lập và chấp hành ngân sách Nhà nước do Hội Đồng Chính Phủ ban hành.

Số hiệu 168-CP
Ngày ban hành 20/10/1961
Ngày có hiệu lực 08/11/1961
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Hội đồng Chính phủ
Người ký Phạm Văn Đồng
Lĩnh vực Tài chính nhà nước

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 168-CP

Hà Nội, ngày 20 tháng 10 năm 1961 

 

 

NGHỊ ĐỊNH

BAN HÀNH ĐIỀU LỆ VỀ LẬP VÀ CHẤP HÀNH NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ

Theo đề nghị của Bộ Tài chính;
Căn cứ Nghị quyết của Hội đồng Chính phủ trong phiên họp Hội nghị thường vụ của Hội đồng Chính phủ ngày 23 tháng 11 năm 1960;

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. – Nay ban hành điều lệ về lập và chấp hành ngân sách Nhà nước nhằm:

- Tăng cường công tác quản lý kinh tế, quản lý tài chính, cải tiến công tác kế hoạch hóa tài chính, và củng cố kỷ luật tài chính của Nhà nước.

- Đề cao trách nhiệm của các ngành, các cấp, của đơn vị xí nghiệp, các cơ quan trong việc quản lý tài chính, thực hiện kế hoạch kinh tế quốc dân.

Điều 2. -  Tất cả những quy định trước đây về việc lập và chấp hành ngân sách Nhà nước trái với điều lệ này đều bãi bỏ.

Điều 3. -  Điều lệ này thi hành từ ngày công bố.

Điều 4. -  Ông Bộ trưởng Bộ Tài chính chịu trách nhiệm hướng dẫn thi hành điều lệ này.

 

 

T.M. HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

 
 
 

Phạm Văn Đồng

 ĐIỀU LỆ

VỀ LẬP VÀ CHẤP HÀNH NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC 

Chương 1:

NGUYÊN TẮC CHUNG

Điều 1. -  Ngân sách Nhà nước là kế hoạch tài chính cơ bản nhằm lập và dùng vốn tiền tệ tập trung của Nhà nước. Nhà nước tập trung vào ngân sách một phần thu nhập quốc dân để dùng vào việc phát triển có kế hoạch nền kinh tế quốc dân, nâng cao phúc lợi vật chất và văn hóa của nhân dân, củng cố quốc phòng, tăng cường Nhà nước dân chủ nhân dân, đẩy mạnh xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc làm cơ sở cho cuộc đấu tranh thực hiện hòa bình thống nhất nước nhà.

Vốn ngân sách Nhà nước được lập, chủ yếu dựa vào các khoản thu nhập của nền kinh tế xã hội chủ nghĩa không ngừng tăng lên, trên cơ sở sản xuất mở rộng và cải tiến không ngừng.

Nhân dân đóng góp một phần thu nhập của mình vào ngân sách Nhà nước, bằng cách nộp các khoản thuế do Nhà nước quy định, và những khoản khác do các cá nhân và các tổ chức tự nguyện góp vào công quỹ.

Điều 2. - Ngân sách là một công cụ để giám đốc nền kinh tế quốc dân; khi lập ngân sách cũng như trong quá trình chấp hành ngân sách, phải tiến hành kiểm tra tình hình tài vụ, tình hình kinh doanh và tình hình thực hiện các nhiệm vụ kế hoạch kinh tế của các Bộ, các địa phương, các xí nghiệp, các cơ quan Nhà nước, nhằm:

Phát hiện và động viên mọi nguồn thu tiềm tàng trong nền kinh tế quốc dân;

Thực hiện chế độ tiết kiệm, đảm bảo phân phối vốn theo các tỷ lệ cân đối đã định trong kế hoạch kinh tế quốc dân, lập vốn dự trữ của Nhà nước.

Điều 3. – Ngân sách Nhà nước gồm có ngân sách trung ương và ngân sách địa phương.

Việc phân phối thu và chi giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương căn cứ vào chế độ phân cấp quản lý kinh tế và tài chính của Nhà nước, do Hội đồng Chính phủ quy định nhằm: bảo đảm nhu cầu kinh phí của Nhà nước ở cấp trung ương, đồng thời nâng cao tính tích cực của địa phương, bảo đảm sự phát triển nhanh chóng và cân đối giữa các địa phương, giúp đỡ các dân tộc thiểu số mau tiến kịp trình độ kinh tế và văn hóa chung.

Điều 4. -  Năm ngân sách bắt đầu từ ngày 1 tháng giêng và kết thúc ngày 31 tháng 12 dương lịch.

Ngân sách Nhà nước, được Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa phê chuẩn, là một đạo luật: các Bộ, các cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ, các Ủy ban hành chính địa phương, các xí nghiệp, các tổ chức và cơ quan các ngành, các cấp phải thực hiện ngân sách Nhà nước một cách nghiêm chỉnh, nộp đầy đủ và kịp thời những khoản thu đã quy định trong ngân sách, và triệt để thực hành tiết kiệm trong việc chi dùng vốn của Nhà nước.

[...]