Nghị định 04-CP năm 1960 ban hành thể lệ thanh toán không dùng tiền mặt qua Ngân hàng Nhà nước do Hội Đồng Chính Phủ ban hành

Số hiệu 04-CP
Ngày ban hành 07/03/1960
Ngày có hiệu lực 10/03/1960
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Hội đồng Chính phủ
Người ký Phạm Văn Đồng
Lĩnh vực Tiền tệ - Ngân hàng

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 04-CP

Hà Nội, ngày 07 tháng 03 năm 1960 

 

 

NGHỊ ĐỊNH

BAN HÀNH THỂ LỆ THANH TOÁN KHÔNG DÙNG TIỀN MẶT QUA NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC

 HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ

Theo đề nghị của ông Tổng Giám đốc Ngân hàng Quốc gia Việt Nam;
Căn cứ Nghị quyết của Hội đồng Chính phủ trong phiên họp hội nghị Thường vụ của Hội đồng Chính phủ ngày 17 tháng 02 năm 1960.

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. – Để tăng cường công tác quản lý tiền mặt, tăng cường tốc độ luân chuyển đồng tiền, luân chuyển hàng hóa; để củng cố và mở rộng chế độ hợp đồng kinh tế giữa các xí nghiệp quốc doanh và các cơ quan Nhà nước, củng cố chế độ hạch toán kinh tế của các xí nghiệp, nay ban hành thể lệ thanh toán không dùng tiền mặt qua Ngân hàng Nhà nước kèm theo nghị định này.

Điều 2. – Những quy định cũ trái với thể lệ thanh toán này đều bãi bỏ.

Điều 3. – Thể lệ này thi hành kể từ ngày 10-3-1960.

Điều 4. – Ông Tổng Giám đốc Ngân hàng Quốc gia Việt Nam chịu trách nhiệm giải thích và quy định chi tiết thi hành thể lệ này.

 

 

TM. HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

 
 


Phạm Văn Đồng

 

 

THỂ LỆ

THANH TOÁN KHÔNG DÙNG TIỀN MẶT QUA NGÂN HÀNG

I. MỤC ĐÍCH THANH TOÁN KHÔNG DÙNG TIỀN MẶT

Điều 1. - Việc tổ chức thanh toán không dùng tiền mặt đối với các xí nghiệp quốc doanh, cơ quan Nhà nước, đơn vị bộ đội, đoàn thể, xí nghiệp công tư hợp doanh, hợp tác xã mua bán và dần dần mở rộng diện thanh toán đối với các tổ chức kinh tế hợp tác khác, nhằm mục đích:

- Tăng cường công tác quản lý tiền mặt.

- Tăng thêm tốc độc luân chuyển của đồng tiền, giảm bớt khối lượng tiền mặt trên thị trường, tiết kiệm được chi phí lưu thông tiền tệ. Tập trung được tiền nhàn rỗi, để Nhà nước sử dụng vào công cuộc kiến thiết kinh tế; đồng thời tăng cường tốc độ luân chuyển hàng hóa, thúc đẩy tái sản xuất mở rộng, nhằm không ngừng cải thiện đời sống nhân dân.

- Góp phần củng cố và mở rộng chế độ hợp đồng kinh tế giữa các xí nghiệp quốc doanh và các cơ quan Nhà nước; xóa bỏ quan hệ vay mượn, tạm ứng, bán chịu lẫn nhau giữa các tổ chức kinh tế, các cơ quan, củng cố chế độ hạch toán kinh tế của các xí nghiệp.

II. NGUYÊN TẮC THANH TOÁN

Điều 2. - Tất cả các khoản, thanh toán giữa các xí nghiệp quốc doanh với nhau, giữa các xí nghiệp quốc doanh và cơ quan Nhà nước, đoàn thể, đơn vị bộ đội, xí nghiệp công tư hợp doanh và các tổ chức kinh tế hợp tác, đều phải tập trung thanh toán tại Ngân hàng Nhà nước.

Các xí nghiệp quốc doanh, cơ quan Nhà nước, đoàn thể, đơn vị bộ đội, xí nghiệp công tư hợp doanh, hợp tác xã đều phải mở tài khoản thanh toán tại Ngân hàng Nhà nước.

Ngoài số tiền mặt được giữ tại quỹ của xí nghiệp, cơ quan Nhà nước, đơn vị bộ đội, với sự thỏa thuận của Ngân hàng, tất cả tiền mặt đều bắt buộc phải gửi vào Ngân hàng Nhà nước.

Các khoản thanh toán với nhau (trả tiền, thu tiền) đều phải tiến hành thông qua nghiệp vụ của Ngân hàng Nhà nước.

Điều 3. - Tất cả các xí nghiệp quốc doanh, cơ quan Nhà nước, bộ đội, giao dịch mua bán với nhau phải có hợp đồng kinh tế hợp lệ và bắt buộc phải thanh toán với nhau theo đúng những điều đã ký kết trong hợp đồng kinh tế, và đúng với những nguyên tắc thanh toán quy định trong thể này.

Ngân hàng Nhà nước được quyền từ chối trách nhiệm làm trung gian thanh toán, nếu đôi bên giao dịch mua bán không có hợp đồng kinh tế, không đủ giấy tờ giao dịch hợp lệ. Trong trường hợp này, Ngân hàng Nhà nước chỉ đứng ra thu hộ.

[...]