Nghị định 15-CP năm 1960 quy định những nguyên tắc về quản lý tiền mặt do Hội Đồng Chính Phủ ban hành.

Số hiệu 15-CP
Ngày ban hành 31/05/1960
Ngày có hiệu lực 15/06/1960
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Hội đồng Chính phủ
Người ký Phạm Văn Đồng
Lĩnh vực Tiền tệ - Ngân hàng

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 15-CP

Hà Nội, ngày 31 tháng 05 năm 1960 

 

 

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH NHỮNG NGUYÊN TẮC VỀ QUẢN LÝ TIỀN MẶT

 HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ 

Theo đề nghị của ông Tổng giám đốc Ngân hàng Nhà nước;
Căn cứ vào nghị quyết của Hội đồng Chính phủ trong phiên họp hội nghị Thường vụ của Hội đồng Chính phủ ngày 18-5-1960,

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. - Nghị định này quy định những nguyên tắc về quản lý tiền mặt nhằm điều hòa lưu thông tiền tệ, tăng thêm vốn để phát triển kinh tế và văn hóa, phát huy tác dụng kiểm soát bằng đồng tiền của Ngân hàng Nhà nước, góp phần vào việc tiết kiệm, chống lãng phí tham ô, thúc đẩy các đơn vị kinh doanh nâng cao trình độ hạch toán kinh tế.

Điều 2. -  Việc quản lý tiền mặt do Ngân hàng Nhà nước phụ trách theo những nguyên tắc quy định trong nghị định này.

Điều 3. - Tất cả các cơ quan Nhà nước, đơn vị quân đội, công trường xây dựng, xí nghiệp quốc doanh, các tổ chức kinh tế tư bản Nhà nước, các hợp tác xã mua bán, các đoàn thể từ cấp huyện trở lên đều phải chịu sự quản lý tiền mặt của Ngân hàng Nhà nước.

Các tổ chức hợp tác của những người sản xuất và buôn bán có quan hệ giao dịch thường xuyên với các cơ quan, xí nghiệp Nhà nước theo hợp đồng, cũng chịu sự quản lý tiền mặt như các tổ chức nói trên.

Đối với các tổ chức khác, Nhà nước khuyến khích việc mở tài khoản, gửi tiền mặt tại Ngân hàng và tự nguyện chịu sự quản lý tiền mặt của Ngân hàng để vừa có lợi cho mình vừa có lợi cho Nhà nước.

Điều 4. - Tất cả các tổ chức chịu sự quản lý tiền mặt của Ngân hàng đều phải mở tài khoản tại Ngân hàng. Mọi sự giao dịch giữa các tổ chức có tài khoản tại Ngân hàng phải thanh toán bằng chuyển khoản, trừ những món chi trả nhỏ do Ngân hàng quy định.

Điều 5. - Trong việc giao dịch với các cá nhân hoặc tổ chức không có tài khoản ở Ngân hàng, các tổ chức chịu sự quản lý tiền mặt của Ngân hàng có thể thanh toán bằng tiền mặt các khoản chi vào khoảng từ 30 đồng trở xuống. Các khoản chi trên mức ấy phải thanh toán bằng séc tiền mặt. Riêng các khoản chi về lương (kể cả trợ cấp tiền tử tuất…), tiền thuê nhân công, tiền thu mua nông sản, lâm sản, hải sản và nguyên vật liệu thì được trả bằng tiền mặt không hạn chế.

Điều 6. -  Tất cả số thu bằng tiền mặt của các tổ chức chịu sự quản lý tiền mặt, cuối mỗi buổi hoặc mỗi ngày phải nộp hết vào Ngân hàng; tất cả số tiền mặt được chi ra đều phải lĩnh ở Ngân hàng từng ngày một.

Đối với những tổ chức chịu sự quản lý tiền mặt của Ngân hàng, vì điều kiện địa dư hoặc tính chất hoạt động mà không thể theo đúng điều quy định nói trên thì Ngân hàng có thể cùng các tổ chức đó quy định một lịch nộp tiền và lĩnh tiền thích hợp. Ngân hàng có thể thỏa thuận cho một số tổ chức cá biệt được giữ một phần tiền mặt thu vào để chi ra.

Điều 7. - Tiền lĩnh để chi cho khoản nào phải được chi đúng cho khoản ấy.

Điều 8. - Tất cả các tổ chức chịu sự quản lý tiền mặt của Ngân hàng hàng tháng, hàng quý, phải lập kế hoạch thu, chi tiền mặt và gửi tới Ngân hàng 5 ngày trước ngày đầu mỗi tháng và mỗi quý, và báo cáo cho Ngân hàng biết số tiền mặt còn trong quỹ ngày cuối cùng mỗi tháng.

Các cấp Ngân hàng đều phải lập kế hoạch tiền mặt hàng tháng và hàng quý. Hàng quý Ngân hàng trung ương phải trình kế hoạch tiền mặt để Thủ tướng Chính phủ duyệt; Ngân hàng trung ương sẽ dựa vào chỉ tiêu được duyệt mà điều chỉnh kế hoạch tiền mặt của các ngành.

Điều 9. - Các cấp Ngân hàng có trách nhiệm tổ chức thu và phát tiền mặt kịp thời, theo kế hoạch và lịch đã định, không làm trở ngại cho hoạt động của các ngành, đồng thời kiểm tra việc sử dụng tiền mặt của các tổ chức chịu sự quản lý tiền mặt.

Việc kiểm tra tiền mặt ở cơ quan và đơn vị quân đội thuộc Bộ Quốc phòng do Ngân hàng cùng với Bộ Quốc phòng bàn bạc và quy định cách tiến hành.

Điều 10. -  Đơn vị hay cá nhân nào làm trái những quy định trên đây, vi phạm thể lệ quản lý tiền mặt, tuỳ trường hợp, sẽ bị phê bình, thi hành kỷ luật về hành chính, bồi thường thiệt hại; những hành động vi phạm đặc biệt nghiêm trọng sẽ bị truy tố trước pháp luật.

Điều 11. - Những quy định cũ trái với nghị định này đều bãi bỏ.

Điều 12. - Ông Tổng giám đốc Ngân hàng Nhà nước chịu trách nhiệm giải thích và quy định chi tiết thi hành nghị định này.

Điều 13. -  Nghị định này thi hành kể từ ngày 15 tháng 6 năm 1960. 

 

 

T.M. HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
 
 
 

Phạm Văn Đồng

 

3
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ