Chỉ thị 10/CT-UBND năm 2012 tăng cường công tác quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc

Số hiệu 10/CT-UBND
Ngày ban hành 25/05/2012
Ngày có hiệu lực 25/05/2012
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Vĩnh Phúc
Người ký Phùng Quang Hùng
Lĩnh vực Bất động sản,Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH PHÚC
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 10/CT-UBND

Vĩnh Phúc, ngày 25 tháng 5 năm 2012

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ ĐẤT ĐAI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

Sau 15 tái lập tỉnh, công tác quản lý và sử dụng đất đai trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã từng bước đi vào nề nếp. Việc quản lý sử dụng đất đai ngày càng hiệu quả, góp phần tích cực cho quá trình phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn, đáp ứng được nhu cầu về đất đai cho một tỉnh mới được tái lập và có tốc độ phát triển cao về công nghiệp đô thị và dịch vụ, góp phần giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội.

Tuy nhiên trong công tác quản lý và sử dụng đất trên địa bàn tỉnh cũng còn bộc lộ nhiều hạn chế: Thiếu sự quan tâm chỉ đạo của cấp Ủy Đảng và sự buông lỏng quản lý của chính quyền các cấp dẫn đến tình trạng vi phạm trong quản lý và sử dụng đất đai trên địa bàn có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp. Tình trạng lấn chiếm, làm nhà trái phép trên đất nông nghiệp, vi phạm hành lang, chuyển đổi, chuyển nhượng đất ở, đất nông nghiệp không đúng pháp luật, không đúng thẩm quyền, lợi dụng để kiếm lời và gây khó khăn cho công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và giải quyết khiếu nại tố cáo trên địa bàn, làm suy giảm niềm tin của nhân dân cũng như nhà đầu tư, ảnh hưởng rất ớn đến quá trình phát triển kinh tế xã hội, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

Để chấn chỉnh và tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai. Đồng thời có biện pháp xử lý nghiêm những hành vi, vi phạm chính sách, lợi dụng sơ hở của pháp luật trong quản lý sử dụng đất, thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng, lập lại trật tự kỷ cương đưa công tác quản lý đất đai vào nề nếp. UBND tỉnh yêu cầu các cấp Ủy Đảng, chính quyền, các sở, ban, ngành, đoàn thể thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:

1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về đất đai, khoáng sản, nhằm làm chuyển biến nhận thức của các cấp Ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, cán bộ và nhân dân, trong đó tập trung vào những nội dung:

1.1. Tuyên truyền phổ biến pháp luật đất đai năm 2003, Luật khoáng sản năm 2010, các Nghị định của Chính phủ về thi hành Luật đất đai; chú ý các nội dung về trình tự thủ tục hành chính liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất, thủ tục trình tự về thu hồi đất; điều kiện được chuyển nhượng đất nông nghiệp, đất rừng và thẩm quyền cho phép chuyển nhượng cho phép khai thác đất, hạ cốt theo đúng quy định của Luật đất đai, Luật Khoáng sản; làm rõ chính sách bồi thường giải phóng mặt bằng đối với điều kiện của từng địa phương theo quy định của tỉnh.

1.2. Tuyên truyền làm rõ việc xử lý các hành vi vi phạm trong quản lý sử dụng đất đai, tạo sự đồng thuận trong dư luận đối với quá trình xử lý hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

2. Tiến hành rà soát các quyết định, văn bản hướng dẫn cụ thể hóa chính sách đất đai trên địa bàn để có kế hoạch bãi bỏ, sửa đổi bổ sung những quy định không còn phù hợp. Đồng thời đề xuất những quy định mới phù hợp với thực tế, đảm bảo tính đồng bộ và có chế tài đủ mạnh trong quá trình thực hiện.

3. Tăng cường công tác xử lý các hành vi vi phạm trong quản lý sử dụng đất đai:

3.1. Tổ chức, rà soát, tổng kiểm tra tình hình quản lý sử dụng đất của các tổ chức và cá nhân trên địa bàn toàn tỉnh nhằm phát hiện những hành vi vi phạm pháp luật trong quá trình quản lý sử dụng đất đai từ trước tới nay mà chưa được cấp có thẩm quyền xử lý. Từ đó xây dựng kế hoạch xử lý, biện pháp xử lý trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và chủ động công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương, tạo sự đồng thuận cao của dư luận xã hội trong quá trình thực hiện.

3.2. Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn có trách nhiệm tổ chức, kiểm tra, phát hiện xử lý kịp thời những hành vi lấn chiếm làm nhà trái phép, chuyển nhượng, chuyển đổi mục đích, khai thác đất trên địa bàn mình quản lý và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND thành phố, thị xã nếu để xảy ra tình trạng trên.

4. Tập trung hoàn thiện quy hoạch sử dụng đất của 3 cấp đảm bảo sự phù hợp giữa quy hoạch sử dụng đất với quy hoạch nông thôn, quy hoạch đô thị đã được phê duyệt. Tổ chức công khai rộng rãi và liên tục trong cả thời kỳ quy hoạch đối với các quy hoạch đã được phê duyệt của cấp có thẩm quyền, tạo điều kiện để cộng đồng và nhân dân giám sát thực hiện quy hoạch của các cấp chính quyền.

5. Tăng cường công tác cấp, đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản, nhà ở trên đất đối với những địa phương được đo đạc, lập bản đồ địa chính chính quy.

5.1. Rà soát các thủ tục hành chính và đẩy mạnh cải cách hành chính theo hướng bãi bỏ các thủ tục không cần thiết và rút ngắn thời gian thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với thời gian không quá 25 ngày (cấp mới), 10 ngày làm việc (cấp đổi) kể từ khi nhận đủ hồ sơ đối với hộ gia đình cá nhân.

5.2. Hoàn thành việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và sở hữu tài sản cho các tổ chức, doanh nghiệp đã được giao đất. Đặc biệt triển khai và thực hiện nhanh việc cắm mốc chỉ giới cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các tổ chức sử dụng đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp, vườn quốc gia.

5.3. Đối với các địa phương chưa triển khai cấp đổi, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và sở hữu vẫn phải rà soát chỉnh lý ngay Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phù hợp với thực tế, nhất là đối với các thửa đất đã được nhà nước thu hồi chuyển mục đích sử dụng, đồng thời tiến hành chỉnh lý hồ sơ đất đai có liên quan.

6. Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với việc chuyển nhượng sử dụng đất nông nghiệp, đất ruộng sản xuất và chuyển mục đích sử dụng đất:

6.1. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân chuyển nhượng đất phải thực hiện đầy đủ và đúng trình tự thủ tục, thẩm quyền UBND huyện, thành thị quyết định đối với các trường hợp là hộ gia đình, cá nhân; đồng thời Hộ gia đình, cá nhân phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của Luật đất đai.

6.2. Nghiêm cấm UBND xã, phường, thị trấn xác nhận vào hồ sơ chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp, lâm nghiệp cho các hộ gia đình, cá nhân chuyển nhượng trong các trường hợp sau:

- Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân nhận chuyển nhượng không trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp.

- Hộ gia đình, cá nhân không phải là người sản xuất nông nghiệp lâm nghiệp ở địa phương.

- Hộ gia đình, cá nhân là cán bộ công nhân viên nhận khoán đất của nông, lâm trường.

Khi pháp hiện những vi phạm trên Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn phải có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời ngay và yêu cầu các bên phải chấm dứt ngay hành vi vi phạm này.

6.3. Hộ gia đình, cá nhân được nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp mà tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng thì UBND xã, phường, thị trấn có trách nhiệm ngăn chặn xử lý theo thẩm quyền và báo cáo UBND huyện, thành, thị quyết định thu hồi đất do vi phạm quản lý đất đai theo Điều 38 của Luật đất đai.

7. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết tranh chấp, khiếu nại tố cáo về đất đai, xử phạt vi phạm hành vi chính về đất đai:

7.1. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành chính sách pháp luật đất đai tại các đơn vị, các địa phương. Đồng thời chỉ đạo giải quyết dứt điểm các vụ tranh chấp, khiếu nại, tố cáo ngay từ cơ sở. Trong đó tập trung giải quyết những vụ phức tạp, tồn đọng kéo dài và có nguy cơ thành điểm nóng. Hạn chế tối đa tình trạng khiếu nại đông người.

7.2. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật đất đai của các tổ chức doanh nghiệp để phát hiện kịp thời những vi phạm trong quản lý sử dụng đất của Doanh nghiệp, có biện pháp tháo gỡ khó khăn đối với doanh nghiệp. Đồng thời kiên quyết xử lý thu hồi đối với tổ chức doanh nghiệp cố tình vi phạm nhằm thực hiện tốt Chỉ thị 134/CT-TTg ngày 20/01/2010 của Thủ tướng Chính phủ.

[...]