Chỉ thị 01/2012/CT-UBND tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai do tỉnh Hà Nam ban hành
Số hiệu | 01/2012/CT-UBND |
Ngày ban hành | 05/09/2012 |
Ngày có hiệu lực | 15/09/2012 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Hà Nam |
Người ký | Mai Tiến Dũng |
Lĩnh vực | Bất động sản,Bộ máy hành chính,Tài nguyên - Môi trường |
UỶ BAN NHÂN
DÂN |
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 01/2012/CT-UBND |
Hà Nam, ngày 05 tháng 9 năm 2012 |
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ ĐẤT ĐAI
Trong những năm qua, công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực, việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất được thực hiện theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành Luật đất đai được thực hiện thường xuyên; công tác quản lý, sử dụng đất ngày càng đi vào nề nếp và có hiệu quả hơn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
Tuy nhiên, ở một số địa phương công tác quản lý nhà nước về đất đai còn tồn tại, hạn chế như: vi phạm quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; tình trạng giao đất, cho thuê đất không đúng thẩm quyền; chuyển mục đích sử dụng đất nhất là đất chuyên trồng lúa và lấn chiếm, lan cạp, san lấp đất diễn biến phức tạp, trái quy định; một số dự án sử dụng đất kém hiệu quả, đầu tư chậm tiến độ và nhiều diện tích đất chưa được sử dụng gây lãng phí; việc quản lý đất đai đối với các cơ sở tôn giáo còn bất cập; sử dụng quỹ đất công ích còn tùy tiện, việc cho thuê, thầu khoán chưa chặt chẽ, không đúng mục đích, sai thẩm quyền quy định; việc xây dựng phương án và xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật đất đai theo Kế hoạch số 566/KH-UBND ngày 05/8/2003 của UBND tỉnh ở một số nơi thực hiện không nghiêm túc, sai sót dẫn đến việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn nhiều tồn tại.
Nguyên nhân chính của tình trạng trên là do nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên, chính quyền cơ sở về vị trí, vai trò trách nhiệm chưa đầy đủ, ý thức chấp hành pháp luật đất đai của một số người dân còn hạn chế; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chất lượng thấp, chưa phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội và quy hoạch ngành có liên quan. Một số địa phương chưa chấp hành nghiêm pháp luật đất đai, chưa phát hiện kịp thời và thiếu kiên quyết trong việc xử lý vi phạm pháp luật đất đai; cá biệt có nơi cán bộ cơ sở còn cố tình làm sai quy định, gây khó khăn trong công tác quản lý và bức xúc trong nhân dân.
Để kịp thời khắc phục những tồn tại, sai phạm trong quản lý và sử dụng đất đai, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu:
1. Tập trung rà soát các văn bản quy phạm pháp luật về đất đai:
Các Sở, ngành có liên quan chủ trì, phối hợp với UBND cấp huyện rà soát các văn bản quy phạm pháp luật về đất đai thuộc thẩm quyền ban hành của cấp tỉnh, đề xuất UBND tỉnh bãi bỏ, ban hành hoặc sửa đổi bổ sung cho phù hợp với quy định của pháp luật và thực tế tại địa phương, thời gian hoàn thành trong quý IV năm 2012, cụ thể:
a) Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành có liên quan rà soát văn bản ban hành về đất đai: giá đất, tài sản gắn liền với đất; bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sau đây gọi tắt là GCNQSDĐ); xử lý các vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai.
b) Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát văn bản ban hành về cơ chế tài chính liên quan sử dụng đất.
2. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về đất đai:
Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Hà Nam, Đài Phát thanh Truyền hình, Cổng thông tin Điện tử của tỉnh, UBND cấp huyện tăng cường tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật về đất đai với nội dung thiết thực, xây dựng chuyên trang, chuyên mục có hình thức phù hợp với từng đối tượng và điều kiện thực tế ở các địa phương.
3. Tập trung công tác lập, công khai, quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất:
a) UBND các cấp, các Sở, ngành liên quan tập trung công tác lập, công khai và quản lý chặt chẽ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương đã được xét duyệt;
b) Việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phải quan tâm đến việc sử dụng các loại đất một cách hiệu quả, hạn chế tối đa việc chuyển đất chuyên trồng lúa sang sử dụng vào các mục đích phi nông nghiệp ở những nơi có điều kiện sử dụng các loại đất khác.
Khi cần thiết phải sử dụng diện tích đất lúa chuyển sang đất phi nông nghiệp phải có biện pháp sử dụng đất hiệu quả và tiết kiệm;
c) Thực hiện việc thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất theo đúng thẩm quyền quy định và quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được xét duyệt;
d) Nghiêm chỉnh chấp hành chủ trương dừng sử dụng diện tích đất nông nghiệp các dự án chuyển dịch cơ cấu cây trồng, con nuôi vùng đất trũng cấy lúa kém hiệu quả sang sản xuất đa canh trên địa bàn các huyện, thành phố; hạn chế tối đa quy hoạch khu dân cư mới bám các trục đường giao thông;
đ) Nghiêm cấm việc thực hiện hợp pháp hóa, cấp GCNQSDĐ đối với các trường hợp giao đất, cho thuê đất trái thẩm quyền, lấn chiếm, lan cạp đất đai, tự ý chuyển mục đích sử dụng đất phát sinh sau ngày 31/12/2006 đối với các xã chưa hoàn thành đo đạc bản đồ (như: xã Chuyên Ngoại, huyện Duy Tiên; xã Ba Sao, Thanh Sơn, Khả Phong, huyện Kim Bảng và xã Liêm Phong, huyện Thanh Liêm) hoặc sau thời điểm Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố đã phê duyệt phương án xử lý các trường hợp sử dụng đất chưa hợp pháp theo Kế hoạch 566/KH-UB ngày 05/8/2003 của UBND tỉnh.
a) Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với UBND cấp huyện xây dựng kế hoạch đo đạc bản đồ, lập hồ sơ địa chính, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai trên địa bàn tỉnh; hướng dẫn quy trình thực hiện cập nhật đăng ký biến động đất đai thường xuyên tại Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất (cấp tỉnh, huyện) và UBND cấp xã để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hồ sơ địa chính ở 3 cấp xã, huyện, tỉnh.
b) Chủ tịch UBND cấp huyện chỉ đạo, đánh giá việc thực hiện cấp GCNQSDĐ và dứt điểm hoàn thành cấp GCNQSDĐ lần đầu cho các hộ gia đình, cá nhân trong năm 2012; chỉ đạo UBND cấp xã hoàn chỉnh việc lập hồ sơ địa chính, cấp giấy GCNQSDĐ theo Kế hoạch số 566/KH-UB ngày 05/8/2003 của UBND tỉnh để sử dụng ở 3 cấp; Trao GCNQSDĐ cho các chủ sử dụng đất khi đã thực hiện xong nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước.
Đối với các trường hợp đang sử dụng đất chưa được cấp GCNQSDĐ, thực hiện cấp giấy GCNQSDĐ theo quy định của pháp luật hiện hành. Lập hồ sơ chi tiết các trường hợp không đủ điều kiện cấp GCNQSDĐ để theo dõi, quản lý theo quy định hiện hành.
Chỉ đạo UBND cấp xã rà soát các cơ sở tôn giáo đang sử dụng đất chưa được cấp giấy GCNQSDĐ, đề xuất UBND tỉnh xem xét cấp GCNQSDĐ đối với các cơ sở tôn giáo có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật. Kiên quyết xử lý các trường hợp hiến tặng quyền sử dụng đất không theo quy định của pháp luật.
5. Quản lý, sử dụng đất nông nghiệp, đặc biệt là đất trồng lúa:
a) UBND các cấp huyện, xã phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị có liên quan tổ chức công khai và quản lý chặt chẽ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trồng lúa đã được xét duyệt ở địa phương; xác định ranh giới diện tích đất trồng lúa, đặc biệt đất chuyên trồng lúa cần bảo vệ nghiêm ngặt;
Chủ tịch UBND cấp huyện, xã chịu trách nhiệm trước pháp luật và UBND tỉnh về việc bảo vệ diện tích, chỉ giới đất trồng lúa theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trồng lúa đã được xét duyệt;
b) Nghiêm cấm việc chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp khi chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép và không phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được xét duyệt;